Còn đam mê quyết không phí hoài!

Đối với nhiều người, đam mê nghệ thuật là thứ xa xỉ và luôn xếp sau những nỗi lo về cơm áo, gạo tiền. Có cho mình một đam mê đã là điều đáng quý nhưng sẵn sàng sống vì đam mê thì thật đáng ngưỡng mộ. Vài tiếng chuyện trò cùng nữ diễn viên trẻ V.T.U khiến tôi hiểu hơn tiếng lòng của thế hệ diễn viên trẻ ngày nay. Tuy họ phải đương đầu với muôn vàn thử thách nhưng sự nhiệt thành với nghề đã trở thành kim chỉ nam để giúp họ vượt qua khó khăn.

Tôi và chị ngồi cạnh nhau tại một quán cà phê nhỏ trên con phố Mai Dịch. Không gian trầm lắng quen thuộc mọi ngày của quán hôm nay đã bị lấn át bởi tiếng ồn sửa chữa đến từ những chiếc máy khoan tầng trên. Quả thực đây không phải không gian lý tưởng cho một cuộc trò chuyện và lại càng không phải một địa điểm phù hợp để thưởng thức một màn nghệ thuật đặc sắc. Nhưng khi chị cho tôi xem đoạn diễn mà chị vào vai một người vợ bị phản bội và xử án bởi chính người đã từng “đầu ấp tay gối”, tôi đã không thể kìm được nước mắt cũng như nỗi xót xa trước số phận của người vợ khốn khổ. Nội tâm nhân vật đầy vết xước được chị lột tả trần trụi dưới ánh đèn sân khấu, trước khán giả và trước một người đầy nghi hoặc về thế giới điện ảnh như tôi. Tôi đã luôn mang trong mình nhiều thắc mắc khi đọc những lời bàn luận không ngớt xoay quanh sự hào nhoáng của đời diễn viên. Điều này làm dấy lên trong tôi câu hỏi rằng mỗi nghề đều có “cái khó”, vậy còn nỗi vất vả của nghề diễn là gì? Không chọn con đường truy tìm câu trả lời từ dòng hồi tưởng về quá khứ của một diễn viên đã quen với “hào quang rực rỡ”, cứng cỏi và dày dặn, tôi quyết định thực sự đi tìm từ “gốc”. Tôi tìm về giai đoạn đầu tiên, khi mà những diễn viên trẻ đang từng ngày gây dựng sự nghiệp để trọn vẹn thấu hiểu được tất thảy hoài bão và những cơn giông họ phải đi qua ngay tại thời điểm mà họ cần một người dẫn đường nhất.

Chọn điện ảnh như một lẽ sống

Tôi may mắn được gặp và trò chuyện với chị trong một quán cà phê nhỏ gần trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Ngay trong tiếng lục đục và cái bụi bặm của quán cà phê đang sửa, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện mà mãi về sau, tôi cũng không thể quên được. Chị giới thiệu với tôi rằng chị tên là V.T.U, năm nay 20 tuổi, một sinh viên đến từ Hà Giang vốn - một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc của Việt Nam, hiện tại chị đang theo học lớp diễn viên kịch - điện ảnh - truyền hình. Là một người làm nghệ thuật, chị có một mong ước rất giản đơn đó là gắn bó với nghề, với công việc, và xa hơn, là trở thành một diễn viên điện ảnh.

Hình minh họa

Ngay từ khi nhìn thấy chị, tôi đã rất ấn tượng về một cô gái có phong cách thời trang cá tính với chiếc áo da màu vàng “sáng chói” và cặp kính đen đặt trên kiểu tóc wolf cut. Dù là một sinh viên theo học cả hai mảng kịch và điện ảnh, T.U không quá hứng thú với kịch. “Khi diễn kịch chị thấy rất gò bó, còn khi đi làm phim, chị mới cảm thấy được sống hơn một chút”, chị bày tỏ chân thành. Tôi vỡ lẽ và ghi vội xuống tờ giấy của mình vài dòng tốc ký: “làm phim – được sống hơn”.

Xuôi theo dòng tâm sự, tôi biết được rằng ước mơ được làm nghệ thuật nói chung đã trở thành một chấp niệm đối với chị từ khi còn rất nhỏ nhưng ước mơ ấy chỉ mới bắt đầu “nở rộ” khi chị bước vào lớp 12. Chị U kể tôi rằng: “Đó là một lần chị tình cờ xem được hậu trường của một bộ phim và cảm thấy thích thú đến vô cùng. Kể từ đó, chị đã quyết định được công việc cho tương lai cho bản thân”. Tôi có thể thấy cái thứ mà chị gọi là “chấp niệm” ấy thật to lớn và có ý nghĩa với chị xiết bao qua cách đôi mắt chị sáng lên đầy hạnh phúc còn giọng nói thì quả quyết: “Chị xác định là chị phải theo cái nghề này, chị phải là con người của công chúng, phải làm nghệ thuật thì chị mới sống được ấy!”.

Chông chênh những bước chân đầu tiên

Trong môi trường giáo dục của Việt Nam, lựa chọn con đường làm nghệ thuật là một hướng đi khác biệt và không thường xuyên nhận được sự ủng hộ của mọi người nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng. Theo như một khảo sát mà tôi từng đọc của nhóm sinh viên sư phạm Văn tại hai trường THPT ở Hà Nội về điều mà cha mẹ quan tâm nhất khi hướng nghiệp cho con trẻ, 20,2% các bậc phụ huynh hướng đến “tính ổn định trong nghề nghiệp” và đây cũng là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Trong khi đó, nghề diễn hay rộng hơn là sự nổi tiếng vốn thường được cho là “bạc”, khó để thành công, bởi thị trường cạnh tranh và cuộc sống thì đầy rẫy ồn ào, thị phi. Chính vì vậy, cha mẹ đôi khi càng khó để chấp nhận lựa chọn này của con cái và câu chuyện ấy cũng không khác biệt với trường hợp của chị U. Chị chia sẻ rằng bản thân mình đã phải trải qua một khoảng thời gian dài đằng đẵng gần 5 năm để đấu tranh với bố mẹ, người thân, bạn bè trên con đường theo đuổi nghệ thuật. Những cuộc gọi nhắc nhở “đừng làm khổ bố mẹ nữa” đến từ giáo viên chủ nhiệm đã khiến chị dày vò và bào mòn tinh thần chị đến kiệt sức.

- Chị có nhớ chính xác thời điểm chị hạ quyết tâm rằng “À, đây rồi! Cái ngành mình sẽ muốn gắn bó cả đời đây rồi!” không ạ? – Tôi hỏi chị với mong muốn được nghe thêm về cách chị đã chứng minh khả năng của mình cho gia đình.

Chị cười và dựa vào tường ngẫm nghĩ: “Khởi nguồn thì chắc phải kể từ lúc thi vào cấp 3 ấy…”. Chị kể rằng gia đình ép chị thi đỗ trường chuyên để đổi lại sự tự do được lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Nhưng tới một thời điểm, chị không thể học nổi nữa và chia sẻ với bố rằng mình mong muốn được học trường thường. Ngay giây phút ấy, tình cảm cha con dường như đã trở nên rạn nứt. Bố đánh chị đau điếng và tranh cãi nổ ra, để rồi chị nức nở và “quyết tâm rằng thôi thì cố nốt cái trường chuyên, rồi chị sẽ thoải mái được làm điều chị thích”. Chị chia sẻ với tôi, chị quyết đạt được mong muốn của riêng mình sau khi đã làm tròn trách nhiệm với bố mẹ bởi “có chết chị cũng phải làm cho mọi người hối hận vì đã nghĩ là chị không theo được cái ngành diễn viên”.

Tôi xúc động nhìn chị U và hỏi thêm rằng liệu có phải ai cũng có được từng ấy sự quả quyết: “Chị có người bạn nào đã cùng chung một ước mơ với chị nhưng cuối cùng lại bỏ dở mơ ước ấy không?”. Chị kể tôi rằng, chị cũng có một vài người bạn từng tưởng như sẽ cùng nhau chinh phục mơ ước đến cùng trời cuối đất, nhưng rồi sau này cũng chỉ có mình chị bước tiếp, họ đều rời đi với lý do như “sự ổn định”. Nghe vậy, tôi ngập ngừng nửa muốn hỏi, nửa lại như mắc kẹt thắc mắc của mình nơi đầu môi. Cuối cùng, tôi vẫn mạnh dạn:

- Em hỏi như này có được không, họ có nuối tiếc không ạ? Họ có còn chút mong ước nào với nghề diễn không?

- Có! Chúng nó nói chuyện với chị mà. Nhưng chị cảm thấy ngay từ đầu, suy nghĩ rằng sẽ luôn phải cần “phương án đề phòng” để bố mẹ vui lòng của mấy đứa đã sai. Còn chị thì nghĩ rằng: “Không nghệ thuật thì không gì cả!”. Chị không muốn có một phương án nào khác ngoài nghệ thuật, chị không cho phép bản thân nghĩ là mình không làm được.

Đam mê đáng giá bao nhiêu?

Tôi thực sự cảm nhận được nguồn năng lượng mạnh mẽ, quyết liệt mà chị tỏa ra. Thật hiếm hoi mới có những người sẵn sàng vì ước mơ nghệ thuật mà hết mình cống hiến, mặc cho bao lời xôn xao bàn tán, miễn sao bản thân được sống trọn với lý tưởng của mình. Và quả thực là vậy khi chị kể rằng chị vẫn quyết tâm với đam mê ấy dù cho con đường chẳng mấy dễ dàng:

- Dù mới chỉ đi đoàn trong trường thôi đã rất mệt vì luôn phải quay từ lúc 5h sáng cho đến 12h đêm, thậm chí 1h hay 2h sáng cũng có. Đi diễn về, mặt chị nổi mụn nhiều hơn, có khi còn bị thương trong lúc diễn. Bây giờ, một ngón tay của chị không gập lại được. Chị cũng gặp vấn đề về lịch học, thậm chí suýt bị cắt vai ở lớp vì xin nghỉ quá nhiều - Chị kể thêm - Mình mới là sinh viên thôi, đi đoàn có mấy ngày mà đã như thế này rồi, tưởng tượng đi đoàn vài tháng hay cả năm, bản thân sẽ phải đánh đổi rất nhiều đấy. Bây giờ chị mới ảnh hưởng đến việc học, nhưng mình lớn hơn thì sẽ ảnh hưởng đến gia đình, như thầy chị đi đoàn mấy tháng cũng sẽ không được về với vợ con.

Tới đây, tôi buột miệng mà thở dài, nhưng những gì chị chia sẻ tiếp theo mới thật sự khiến tôi ngỡ ngàng: “Cái chị sợ hơn là sự ám ảnh tâm lý nếu không thoát được vai diễn. Chị là một người dễ bị ám ảnh, nhiều khi diễn xong rồi mà vẫn còn dư âm, nó sẽ để lại trong lòng mình những điều nặng trĩu. Vừa rồi chị có diễn một vai phức tạp quá, phải đến mấy hôm sau chị mới quên được. Điều này quả thực là một sự ăn mòn về tinh thần và thể chất. Hiện tại có lúc diễn, chị tưởng tượng sâu quá đến nỗi dù diễn xong, chị vẫn bị nhập tâm và khóc nức nở một lúc lâu”.

Nghe chị kể, tôi liền nhớ tới thuật ngữ Method Acting hay phương pháp diễn xuất nhập tâm, đòi hỏi người diễn viên phải bẻ gãy tâm hồn mình cùng những tư duy cũ, thậm chí là niềm tin của bản thân. Họ như sản sinh ra một hệ thần kinh mới, nhân sinh quan mới để hòa làm một với nhân vật. Nghe thì có vẻ siêu phàm, nhưng tôi cũng biết không ít những diễn viên vì điều này mà đã phải vĩnh viễn từ bỏ nghề diễn, thậm chí có người phải trả một cái giá đắt đó chính là tính mạng của mình. Nghĩ đến đây, tôi chợt cảm thấy ngưỡng mộ cách mà một người trẻ như chị đã nỗ lực nghiêm túc để hoàn thành vai diễn bằng tất cả sức lực.

Tôi tiếp tục gặng hỏi chị về cơ hội để trở nên nổi tiếng trong giới. Chị cười buồn và nói với tôi rằng lớp có 10 người thì chỉ cùng lắm 2 người nổi tiếng được. Chị nhấn mạnh yếu tố ngoại hình đặc biệt quan trọng với nghề diễn ra sao, rằng nó có thể khiến một người có vai diễn và cũng đánh mất vai diễn như thế nào, bất kể câu chuyện năng lực. Chị ngậm ngùi chia sẻ rằng thật ra chính chị cũng đang phải vật lộn với những “khuyết điểm” của bản thân, như chị đã từng vì chiều cao hay đôi mắt sắc lạnh của mình mà mất đi một vài vai diễn.

Càng chuyện trò, tôi lại càng bất ngờ trước những góc nhìn tích cực và mới mẻ của chị, từ đó tôi cũng đúc rút cho bản thân những bài học đầy quý giá. Cuộc trò chuyện quá đỗi cuốn hút, chỉ khi vô tình một thoáng liếc qua điện thoại tôi mới nhận ra đã muộn. Tôi gửi lời chào đến chị khi không gian ngoài cửa sổ đã đổ một màu xanh thẳm, ra về với lòng vơi đầy cảm xúc trước cái ngả nghiêng, chếnh choáng không biết do ly bạc xỉu hay do tôi đã quá chìm đắm vào cuộc gặp vừa rồi. Vài tiếng tâm sự cùng một người xa lạ nhưng tôi ngỡ như mình đã được biết chị từ nhiều năm về trước, từ lúc chị còn ôm mộng về đam mê diễn xuất, đến khi chị chấp nhận rời khỏi Hà Giang để đến với Hà Thành phồn vinh. Tất cả trở nên sống động, tựa hồ tôi đã cùng chị “xông pha” qua những năm tháng cuộc đời. Tôi tin câu chuyện của chị được kể ra hôm nay không chỉ là tiếng nói của riêng chị mà ta cũng có thể bắt gặp những cảm xúc ấy ở nhiều người trẻ khác cũng ôm giấc mộng nổi tiếng. “Hào quang rực rỡ” thực không phải điều dễ dàng đạt được nhưng ngay trong nhiệt huyết cồn cào và niềm khát khao được cống hiến nơi những người trẻ, tôi tin rằng, họ rồi sẽ làm nên chuyện, trước hết là với sự nghiệp của họ, sau đó có thể là rạng danh cho nền điện ảnh nước nhà.

Hầu Xuân Mai

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202307/con-dam-me-quyet-khong-phi-hoai-eae1ca8/