Cốm Phúc Lương - Thức quà độc đáo

Đến Phúc Lương (Đại Từ) những ngày thu se sẽ heo may, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp mùi cốm thơm phảng phất.

Lần theo hương lúa non, chúng tôi men theo Tỉnh lộ 263 về xã Phúc Lương để tìm hiểu nghề làm cốm truyền thống của bà con nơi đây. Chúng tôi được anh Tống Quang Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã chờ sẵn để đưa đi thăm những hộ làm cốm có tiếng trong vùng. Anh Nghĩa cho biết: Thời điểm này đúng vào mùa cốm, nên chẳng cần hẹn trước thì cũng được trải nghiệm các công đoạn làm cốm của người dân.

Đúng như lời anh Nghĩa, khi thong dong trên đường, mải mê ngắm mênh mông mầu xanh của lúa, hít hà hương lúa thơm vị sữa trên cánh đồng Đồng Tiến, chúng tôi tình cờ gặp vợ chồng chị Ma Thị Hà đang cắt lúa, chất lên xe máy chở về. Vậy là chúng tôi tiến đến chuyện trò, theo chân anh chị về nhà để được tận mắt chứng kiến quy trình làm ra mẻ cốm tươi ngon. Trong khi chờ anh chị tập kết đủ lượng lúa cho mẻ cốm hơn 30kg để giao cho một khách hàng ở Hà Nội, chúng tôi trò chuyện với bà Hoàng Thị Nô (mẹ chị Ma Thị Hà) về nghề cốm.

Cốm Phúc Lương

Vuốt mái tóc trắng như cước, bà Nô kể, ánh mắt lấp lánh dõi xa xăm: Mới 16 tuổi, tôi đã về xóm Đồng Tiến làm dâu và được mẹ chồng truyền dạy cách làm cốm. Thời đó, làm cốm chỉ để ăn, cốm như một thứ quà quê mỗi vụ mùa về. Đúng dịp Tết mừng cơm mới (10/10 Âm lịch), sau khi gặt, người dân lại để một ôm lúa tươi đem đi làm cốm. Ngày ấy, nhiều gia đình chưa có máy tuốt, nên việc tuốt thóc cũng thủ công. Thóc được trải trên tấm vải mưa, rồi dùng chiếc thìa nhôm hoặc thân cây tre cắt dẹt một đầu cạo những hạt thóc rời bông. Sau đó, mọi người đem thóc đã tuốt đi đãi, rang và giã thành cốm. Để làm được mẻ cốm như thế phải mất 7-8 giờ đồng hồ, với sự tham gia của nhiều thành viên trong gia đình.

Mẻ cốm hoàn thành, được dâng cúng trời đất, tổ tiên, phần cốm còn lại được chia cho lũ trẻ đang háo hức mong chờ. Hồi ấy, quà bánh không nhiều như bây giờ nên mỗi buổi tối, trong nếp nhà sàn, cả nhà lại ngồi quây quần bên bếp lửa nhấm nháp những hạt cốm dẻo, thơm. Và nhiều thế hệ trong một gia đình nhờ cốm non mà gắn kết, cùng trò chuyện vui vẻ, cảm nhận cuộc sống êm đềm, bình dị trôi theo từng mùa cốm mới.

Một số địa phương như Phú Lương, Định Hóa có nghề làm cốm, nhưng cốm ở Phúc Lương có nét riêng biệt, được làm từ nếp vải. Ngoài việc giống lúa nếp vải được trồng ở đồng đất Phúc Lương có độ đậm, dẻo, thơm, ngon, đến giờ cốm ở đây vẫn chủ yếu được làm thủ công, nhất là công đoạn rang cốm trên chảo gang.

Khi những bông nếp ngậm sữa căng mẩy tỏa hương phảng phất quện trong gió heo may thơm lừng, bà con cắt về, tuốt, đãi sạch, rồi nhóm bếp củi, đặt những chiếc chảo gang to cỡ 2 vòng tay người ôm cho thật nóng già, rồi cho thóc vào rang.

Là người "kỳ cựu" trong nghề làm cốm, chị Ma Thị Mến, xóm Nhất Tâm, chia sẻ bí quyết: Tuy chảo to, nhưng mỗi mẻ người dân chỉ cho khoảng nửa cân thóc vào đảo. Chảo to không phải để rang được nhiều, mà là để tăng nhiệt và tỏa nhiệt đều hơn giúp cốm dẻo, thơm.

Chứng kiến các công đoạn làm cốm, chúng tôi thấy từng khâu đều được làm khẩn trương, liên tục. Cốm được rang chín sẽ cho vào máy trà vỏ và dập, rồi được sàng lại trước khi đóng gói giao cho khách hàng. Nếm thử cốm vừa hoàn thành, chúng tôi cảm nhận được vị ngọt ngào của hương thơm lúa non – thức quà mùa Thu rất riêng của vùng quê này.

Cốm Phúc Lương từ chỗ chỉ là món ăn truyền thống của người dân, rồi trở thành hàng hóa bán tại địa phương, và đến nay thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng đến các tỉnh, thành như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn… với sản lượng lớn. Vào vụ cốm, trung bình mỗi tháng, người dân trong xã cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn cốm thành phẩm. Sản phẩm đã và đang khẳng định chất lượng, an toàn cho sức khỏe người dùng.

Gia đình anh Ma Văn Sơn ở xóm Đồng Tiến có 7 sào ruộng, vụ chiêm anh cấy giống lúa Khang Dân, còn vụ mùa anh dành toàn bộ diện tích để cấy lúa nếp phục vụ làm cốm bán. Vào mùa, gia đình anh phải huy động toàn bộ nhân lực để tập trung làm, người cắt lúa, người tuốt, người đãi, người rang, người xát...

6, 7 năm trở lại đây, làm cốm ở Phúc Lương đã trở thành nghề, cốm trở thành thứ hàng hóa cung cấp ra thị trường để mang lại thu nhập, cuộc sống khấm khá cho người dân. Từ khi trở thành hàng hóa, mùa cốm ở Phúc Lương cũng đến sớm hơn trước. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân đã chủ động điều chỉnh thời vụ, đẩy lịch cấy sớm, để đến cuối tháng 8 Âm lịch là có cốm cung cấp ra thị trường.

Ngoài ra, bà con rủ nhau cấy các ruộng gối nhau để thời gian thu hoạch kéo dài hơn. Vì thế, mùa cốm cũng không chỉ trong một tháng như trước mà từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10 Âm lịch. Nhờ làm cốm, không ít hộ dân ở Phúc Lương có cuộc sống đủ đầy hơn, có nhà mua được ô tô.

Gia đình anh Đào Văn Long ở xóm Nhất Tâm là hộ chuyên làm cốm với số lượng lớn. Anh Long cho biết: Ngoài 6 sào ruộng của gia đình, tôi còn thuê thêm ruộng để cấy lúa nếp, mỗi vụ mùa, tôi cấy khoảng 1 mẫu. Từ tháng 8 đến tháng 10, ngày nào tôi cũng làm từ 30-50kg cốm tùy theo lượng khách đặt hàng.

Nghe anh Long nói, tôi nhẩm tính, với giá bán từ 80-100 nghìn đồng/kg, vụ mùa này, gia đình anh có thể thu về hơn trăm triệu từ làm cốm, cao hơn gấp nhiều lần cấy lúa thông thường.

Ngoài Đồng Tiến, Nhất Tâm, nghề làm cốm đã lan sang hầu hết các xóm trong xã như: Thành Long, Na Bán, Na Sơn, Bắc Máng… và một số xã lân cận như: Minh Tiến, Phú Cường...

Để từng bước xây dựng thương hiệu cốm Phúc Lương, xã tổ chức các buổi tập huấn mời nghệ nhân cao tuổi truyền dạy kỹ thuật trồng cấy, chăm sóc, thu hoạch, rang cốm, giã cốm... Xã cũng hỗ trợ bao bì sản phẩm và tích cực tìm kiếm đầu ra cho cốm địa phương để nghề làm cốm phát triển.

Mỗi vụ cốm về, khi hương cốm phảng phất quện vào những làn gió heo may lan tỏa khắp nơi, người dân Phúc Lương lại rộn rã ra đồng gặt lúa, chở về rang, giã cốm. Những mẻ cốm dẻo thơm lần lượt được đóng gói, chứa đựng biết bao tình cảm và cả những ước mơ về mùa vàng no ấm của người dân Phúc Lương gửi đi muôn nơi.

Với chúng tôi, một lần được thưởng thức cốm Phúc Lương - món ăn dân dã, ngọt dịu, dẻo, thơm, cảm nhận vị cốm cũng đáng yêu, đáng nhớ tựa như con người ở đây: Hiền hòa, mộc mạc, chất phác và chịu thương chịu khó.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202311/com-phuc-luong-thuc-qua-doc-dao-abb1466/