Coi thường tối hậu thư, Qatar công khai thách thức

Giữa vòng vây ngày một siết chặt của các nước láng giềng, Qatar kiên quyết không khuất phục. Thậm chí, nước này còn công khai thách thức tối hậu thư của 4 nước vùng Vịnh.

Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani

Hồi cuối tuần vừa rồi, báo chí đưa tin, 4 quốc gia vùng Vịnh gồm Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Bahrain và Ai Cập, đã ra một danh sách các điều kiện để Qatar thực hiện nếu muốn làm dịu căng thẳng trong khu vực.

Trong số yêu cầu 13 điểm được coi như tối hậu thư dành cho Qatar, các nước vùng Vịnh đòi Qatar phải cắt đứt quan hệ với Iran, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ của nước này cũng như đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera và các kênh vệ tinh khác của nó. Ngoài ra, Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Bahrain và Ai Cập còn yêu cầu Doha phải công khai tuyên bố hủy bỏ quan hệ với các nhóm Hồi giáo, chấm dứt hoạt động được cho là cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố và giao những phần tử được cho là khủng bố cho họ.

Bản danh sách 13 điểm nói trên đã được chính phủ Kuwait giao cho Doha. Kuwait hiện đang đóng vai trò là trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng ngoại giao được đánh giá là lớn nhất khu vực trong nhiều năm trở lại đây. Qatar có 10 ngày để thực hiện những yêu cầu được coi là tối hậu thư của 4 nước láng giềng.

Ả-rập Xê-út và một loạt đồng minh của họ hôm 5/6 đã bất ngờ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, phong tỏa toàn bộ hoạt động giao thông đường bộ, đường biển và đường không đến Qatar vì lý do cáo buộc Qatar hậu thuẫn cho khủng bố. Sau tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, Riyadh đã cửa biên giới giữa Ả-rập Xê-út với Qatar - con đường nhập khẩu hàng hóa qua đất liền duy nhất của Qatar. Gần 40% các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhập khẩu của Qatar đi qua con đường này.

Qatar đang phải đối mặt với sự phong tỏa về kinh tế chặt chẽ từ Ả-rập Xê-út, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Ai Cập và nhiều nước khác.

Diễn biến trên châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất ở khu vực Trung Đông trong nhiều năm trở lại đây và khiến người dân Qatar rơi vào trạng thái lo lắng.

Qatar thách thức

Trong một động thái thể hiện sự thách thức trước tối hậu thư yêu cầu Qatar cắt đứt quan hệ với Iran, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tối qua (25/6) đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và ông này đã khẳng định cam kết phát triển quan hệ song phương với Tehran trong mọi lĩnh vực bất chấp cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay ở vùng Vịnh Persia.

Theo đài truyền hình Al Mayadeen, Quốc vương Qatar đã khẳng định, Doha “đang tìm kiếm một sự phát triển toàn diện trong mối quan hệ và hợp tác với Iran để giải quyết các vấn đề của thế giới Hồi giáo – khu vực đang rơi vào tình cảnh khó khăn”.

Về phần mình, Tổng thống Iran Rouhani bày tỏ hy vọng, cuộc khủng hoảng hiện nay ở khu vực có thể được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao.

"Không gian trên đất liền, trên biển và trên bầu trời sẽ luôn được mở rộng với nước anh em và cũng là láng giềng của Iran - Qatar," ông Rouhani nhấn mạnh trong cuộc điện đàm.

Trước đó, hôm 24/6, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cũng đã lên tiếng chỉ trích, nói rằng, những yêu cầu mà các nước vùng Vịnh đưa ra là bằng chứng chứng tỏ các biện pháp trừng phạt mà họ đang áp đặt lên Qatar “không có liên quan chút gì đến cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố mà chỉ là biện pháp nhằm hạn chế chủ quyền của Qatar và can thiệp vào chính sách đối ngoại của chúng tôi”.

Giới phân tích cũng tin rằng, Doha sẽ không thể thực hiện yêu cầu 13 điểm của 4 nước vùng Vịnh. "Những yêu cầu đó là không thể chấp nhận được và nó dựa trên sự tự cao tự đại và đạo đức giả. Các nước vùng Vịnh đã sai lầm khi nghĩ rằng áp lực về chính trị và kinh tế có thể khiến Doha cắt đứt quan hệ với Iran", ông Sabbah Zanganeh – một nhà bình luận chính trị và là cựu cố vấn của Ngoại trưởng Iran, đã nhận định như vậy.

Kiệt Linh(tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201706/coi-thuong-toi-hau-thu-qatar-cong-khai-thach-thuc-571889/