Có tiếng kêu cứu từ đống đổ nát, nhưng kết thúc không phải luôn có hậu

Tại Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau trận động đất hủy diệt hôm 6/2, một vài cư dân nghe thấy tiếng người thân của họ dưới đống đổ nát.

Thoạt nhìn, rất ít người có thể tin rằng vẫn còn người sống sót trong đống đổ nát của tòa chung cư ở thành phố Gaziantep. Trận động đất mạnh 7,8 độ xảy ra ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ một ngày trước đó đã biến tòa nhà 6 tầng thành đống bê tông khổng lồ.

Tuy nhiên, mọi người đã thấy tia hy vọng.

Ibrahim Karapirli - người đàn ông sống ở tầng năm - cùng vợ Pinar và 4 người con vẫn cố níu lấy sự sống dưới đống đổ nát. Em trai của ông Karapirli đã cố gắng nói chuyện với anh. Cuộc giải cứu sau đó vừa phi thường, vừa bi thảm.

Trên khắp lãnh thổ rộng lớn ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria, vô số nỗ lực tương tự đang diễn ra. Các đội cứu hộ chuyên nghiệp và nghiệp dư sử dụng bất kỳ công cụ nào trong tay với hy vọng tìm thấy những người sống sót sau thảm họa cướp đi hơn 9.600 sinh mạng tính đến ngày 8/2, theo Washington Post.

Một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đã được kéo ra khỏi đống đổ nát ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, ở phía Tây Bắc Syria, một bé gái sơ sinh được tìm thấy trong tòa nhà bị sập ở thị trấn Jinderis. Dường như đứa trẻ này là thành viên duy nhất trong gia đình còn sống sót, theo AP.

Hy vọng hiếm hoi

Nỗ lực cứu hộ ở Gaziantep, thành phố gần tâm chấn động đất, vào sáng 6/2 đã thu hút hàng chục người hỗ trợ và hàng trăm người dõi theo.

Đến giữa buổi chiều cùng ngày, các nhân viên cứu hộ đã xác định được vị trí của gia đình và bắt đầu quá trình cắt xuyên bê tông, kim loại và gỗ tinh vi để tiếp cận họ mà không làm dịch chuyển các mảnh vỡ, gây nguy hiểm cho những người bị mắc kẹt bên dưới.

Zuleyha Kulak, một kỹ sư xây dựng, người đã đến hiện trường cùng với khoảng 20 đồng nghiệp để tham gia ứng cứu, nói: “Hôm nay, chúng tôi có thể đã là những người cần giúp đỡ”.

Người dân địa phương tìm kiếm nạn nhân ở Gaziantep. Ảnh: Mustafa Karali/AP.

Tòa nhà bị sập nằm đối diện một công viên trong khu dân cư của tầng lớp trung lưu. Tòa nhà đã tồn tại hơn hai thập kỷ, được xây dựng trước khi Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng các quy tắc thiết kế nghiêm ngặt hơn sau trận động đất kinh hoàng ở miền Tây năm 1999. Điều đó có nghĩa tòa nhà dễ bị tổn thương hơn khi động đất xảy ra, theo New York Times.

Trong khi các tòa nhà lân cận chỉ bị nứt bề mặt, tòa chung cư 6 tầng này sụp đổ hoàn toàn, để lại một đống gạch vụn.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu người ở bên trong tòa nhà vào thời điểm thảm họa ập đến. Nhưng bà Macide Kurbay, một cư dân địa phương cùng chồng đến giúp đỡ, đã đếm được 15 người, bao gồm cả gia đình 6 thành viên của Karapirli. Việc những người cứu hộ nghe thấy tiếng họ đã cho bà hy vọng.

“Họ sắp cứu được gia đình đó. Nhưng với những người còn lại…”, bà ngập ngừng.

Đến chiều 7/2, đám đông khoảng 100 người đứng trên đường phố dõi theo lực lượng cứu hộ. Không khí thật ảm đạm.

Trong đám đông có người thân của những cư dân sống trong tòa nhà. Một người đàn ông mặc áo khoác đen, chân đi giày lấm bùn liên tục đứng ngồi không yên, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác.

“Vợ tôi đã chết và con trai tôi vẫn còn ở bên trong”, anh nói trong nước mắt.

Một người phụ nữ khác tên Selda quấn khăn choàng màu tím ngồi trên chiếc ghế nhựa, chờ đợi tin tức của bố chồng 90 tuổi. Ông vẫn thường phàn nàn với cô rằng tòa nhà đã “mục nát”, cô nói.

Selda cho biết gia đình cô đã thuyết phục lực lượng cứu hộ dỡ bỏ bức tường bê tông mà họ cho là phòng của ông. Họ tìm thấy giường của ông nhưng không thấy người bên trong.

Cuộc giải cứu nghẹt thở

Trong khi đó, bà Yasemin Aydin, chị dâu của ông Karapirli, đang ngồi trên lề đường. Bà nhớ lại sự hoảng loạn sau khi trận động đất lắng xuống.

“Chúng tôi liên tục gọi điện cho họ, (điện thoại) đổ chuông liên tục. Sau đó, chúng tôi chạy đến đây để kiểm tra và tòa nhà thành ra thế này”, bà kể lại.

Bà Aydin và những cư dân khác nói rằng không có ai đến giúp đỡ vào ngày xảy ra trận động đất. Chỉ đến sáng 7/2, họ mới xuất hiện.

Người dân dõi theo nỗ lực tìm kiếm của đội cứu hộ ở Gaziantep. Ảnh: Mustafa Karali/AP.

Mehmet Ali Canakci, một tình nguyện viên cứu hộ, cho biết để xác định vị trí của gia đình ông Karapirli, đội cứu hộ đã khoan lỗ trên bê tông và chiếu đèn để xem liệu người cha bị mắc kẹt bên trong có thể nhìn thấy hay không. Trong lần thử thứ ba, họ đã thành công.

Sau đó, cảnh sát sử dụng camera chuyên dụng để ghi lại hình ảnh thoáng qua của ông Karapirli. Đội cứu hộ đã di chuyển các mảnh vỡ, hét lên và đưa một chiếc móc kim loại dài cho nạn nhân. Tiếp đến, họ yêu cầu một chiếc cưa nhỏ, nẹp cổ, chăn và cáng dành cho trẻ em.

Thỉnh thoảng, một nhân viên cứu hộ sẽ hét lên "im lặng" và mọi người dường như đóng băng, chờ nghe giọng nói của người cha bị mắc kẹt. Sau hoàng hôn, một tiếng reo hò vang lên từ mái nhà và đám đông trên đường cũng hét lên mừng rỡ vì đội cứu hộ đã tiếp cận được gia đình này.

Khoảng một giờ sau, tiếng reo hò tiếp tục vang lên khi cặp sinh đôi - bé gái tên Elcin và bé trai tên Eray Ahmet - được bế ra ngoài. Các nhân viên xếp thành một hàng dọc bên đống đổ nát và chuyền tay nhau đưa lũ trẻ đến những chiếc xe cứu thương đang chờ sẵn.

Tiếp đến là người mẹ Pinar. Đội cứu hộ đặt bà lên cáng và hạ xuống đường bằng cần cẩu. Cuối cùng là người cha được bọc trong một chiếc chăn khẩn cấp.

Trong đám đông có Fatma Kaplan, một người bạn của Pinar. Kaplan đã chạy đến hiện trường trong nước mắt. “Chúng tôi gặp nhau khi lên 7”, bà nói. "(Pinar) là trái tim của tôi”.

Bốn thành viên vừa thoát khỏi đống đổ nát đã được chuyển đến bệnh viện địa phương. Đó là một cuộc giải cứu bất khuất, nhưng mọi thứ có lẽ sẽ sớm trở thành bi kịch.

Khi màn đêm buông xuống, đội cứu hộ vẫn chưa tìm thấy hai đứa trẻ còn lại, Enes (11 tuổi) và Erdem (12 tuổi). Cũng không ai nghe thấy giọng nói của chúng trong đống đổ nát.

Toàn cảnh thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất hủy diệt Các cảnh quay từ máy bay không người lái ở thành phố Kahramanmaraş cho thấy quy mô tàn phá của trận động đất tấn công khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-tieng-keu-cuu-tu-dong-do-nat-nhung-ket-thuc-khong-phai-luon-co-hau-post1400096.html