Có thực sự an toàn?

Thông tin cháu bé 3 tháng tuổi ở Đồng Nai tử vong nghi ngờ do vaccine “5 trong 1” của chương trình tiêm chủng mở rộng khiến không ít bậc phụ huynh có con nhỏ hoang mang. Những ngày qua, một số bà mẹ không muốn cho con mình tiêm vaccine “5 trong 1” trong khi các chuyên gia y tế cho rằng, vaccine “5 trong 1” tiêm chủng mở rộng vẫn an toàn.

Phụ huynh lo lắng Đã cho con mình tiêm chủng mở rộng vaccine “5 trong 1” (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do vi khuẩn Hib) cách nay 1 tuần tại trạm y tế phường nhưng khi nói đến trường hợp tử vong nghi ngờ do vaccine này ở Đồng Nai, chị Hoàng Ngọc Lan (ngụ quận Thủ Đức) không khỏi lo lắng: “Hôm tiêm về, tôi thấy cháu sốt nhẹ, chỗ chích bị sưng, hôm sau mới khỏi. Không biết đợt chích ngừa tiếp theo khi bé tròn 3 tháng tuổi có nên tiếp tục đến trạm y tế phường để chích vaccine “5 trong 1” nữa không”. Cũng tâm trạng như chị Lan, chị Ngọc Hường (ngụ quận 7) cho biết, kỳ tiêm chủng sau, chị không cho con tiêm chủng mở rộng vaccine “5 trong 1” nữa, chuyển qua tiêm từng loại một. Tại khoa Tiêm ngừa Viện Pasteur TPHCM, nhiều bà mẹ cho biết đã đọc được thông tin về vụ việc nghi ngờ tử vong do vaccine “5 trong 1” ở Đồng Nai và tỏ ra băn khoăn về loại vaccine này. Một bà mẹ đang chờ đến lượt khám và chích ngừa cho đứa con nhỏ 4 tháng tuổi nói: “Do có con nhỏ trong độ tuổi chích ngừa nên tôi luôn tìm hiểu thông tin về việc tiêm chủng cho con. Vì vậy phải chọn vaccine an toàn nhất cho con mình”. Đáng lý ra trong đợt tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế phường tới, bà mẹ này sẽ đưa con đến tiêm tiếp mũi cuối cùng vaccine “5 trong 1” nhưng vì đang lo lắng về độ an toàn nên chị đã quyết định đưa con đi chích ngừa dịch vụ… Tại khoa Tiêm ngừa dịch vụ của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, không ít phụ huynh tìm đến dò hỏi về độ an toàn của vaccine “5 trong 1”. Một bác sĩ ở khoa chích ngừa của Trung tâm Dinh dưỡng, cho biết mấy ngày qua luôn phải giải thích sự khác biệt giữa vaccine “5 trong 1” tiêm chủng mở rộng và vaccine “5 trong 1” tiêm dịch vụ. Chưa có báo cáo về tai biến >> Theo BS Nguyễn Thị Minh Phượng, Trưởng khoa Y tế công cộng Viện Pasteur TPHCM, qua nghiên cứu của các nước, phản ứng sau tiêm mũi 1 là khoảng 15% với các biểu hiện sưng tấy, mẩn đỏ. Mũi tiêm thứ 3 khiến khoảng 8% phản ứng sau tiêm. Trong khi đó, qua nghiên cứu của các viện nghiên cứu Việt Nam, phản ứng sau tiêm mũi 1 khoảng 19,7% nhưng phản ứng sau mũi 3 là 0%. Về phản ứng toàn thân, theo nghiên cứu của các nước, tỷ lệ phản ứng là 14,2% sau tiêm mũi 1, và 7,4% sau tiêm mũi 3. Các phản ứng thường rơi vào triệu chứng sốt. Còn nghiên cứu của Việt Nam cho thấy phản ứng toàn thân sau tiêm mũi 1 là 27,2% và mũi 3 là 1,8%. Như vậy, những phản ứng sau tiêm của vaccine “5 trong 1” sau tiêm là không đáng kể và đáp ứng yêu cầu an toàn cao. Còn BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết qua 4 tháng tiêm chủng, đã sử dụng hết 115.000 liều vaccine “5 trong 1” nhưng chưa có báo cáo về tai biến. Kể từ ngày 1-6-2010, Bộ Y tế đã đưa vaccine “5 trong 1” vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Đây được xem như bước đột phá khi áp dụng loại vaccine có hiệu lực chủng ngừa 5 loại bệnh thay vì phải tiêm riêng lẻ 9 mũi một như trước đây. Hơn nữa, loại vaccine “5 trong 1” có thêm tác dụng ngừa virus Hib phòng các bệnh viêm màng não mủ và viêm phổi. Để quyết định tiêm chủng đại trà, trước đó Bộ Y tế đã thử nghiệm lâm sàng cũng như tiêm chủng thử nghiệm tại 2 tỉnh và cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, sau vụ tai biến tử vong của cháu bé 3 tháng tuổi ở Lâm Đồng khi tiêm vaccine “5 trong 1” và gần đây là trường hợp tương tự tại Đồng Nai đang khiến các chuyên gia y tế cân nhắc lại độ an toàn của loại vaccine này. Loại vaccine “5 trong 1” tiêm chủng mở rộng có tên thương mại Quinvaxem do Công ty Berna Biotech Korea Corp (Hàn Quốc) sản xuất và đang được sử dụng tại 40 quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia được tổ chức GAVI (Liên minh vaccine và tiêm chủng toàn cầu) tài trợ loại vaccine này. Các nhà sản xuất đã chứng minh rằng loại vaccine này giảm nguy cơ phản ứng sau tiêm. Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế cần phải nghiên cứu thêm về độ an toàn của vaccine “5 trong 1” mà chương trình tiêm chủng mở rộng đưa vào. Bởi một trong những sự khác biệt của vaccine “5 trong 1” tiêm chủng mở rộng với vaccine “5 trong 1” hay “6 trong 1” tiêm dịch vụ là kháng nguyên đối với ho gà. BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, khoa Chích ngừa Viện Pasteur TPHCM, cho biết vaccine “5 trong 1” tiêm chủng mở rộng ngừa ho gà với nguyên bào (toàn tế bào với hơn 3.000 loại kháng nguyên ho gà), trong khi vaccine “5 trong 1” Pentaxim của Sanofi hay vaccine “6 trong 1” Infanrix-hexa của GSK tiêm dịch vụ ngừa ho gà với vô bào (chỉ 3-5 kháng nguyên đặc hiệu). Do đó, khi vaccine có nhiều kháng nguyên hơn thì mức độ phản ứng ngoài mong muốn nhiều hơn. Một trong những vấn đề khác được các chuyên gia y tế quan tâm chính là công tác bảo quản vaccine vẫn chưa được giám sát. “Vaccine “5 trong 1” phải được lưu trữ trong tủ lạnh từ 2-8OC nhưng do mất điện thất thường không loại trừ vaccine hư hỏng”, một cán bộ y tế dự phòng cho biết. Và một thực tế khiến không ít phụ huynh lo ngại là mỗi lần tiêm chủng tại các phường xã, vaccine thường được bảo quản trong các thùng… nước đá! Tường Lâm

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ytesuckhoe/2010/10/240374/