Có thể tuyên bố phá sản dự án nghìn tỷ

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận nhiều dự án hiệu quả kinh tế không còn, nếu đưa vào vận hành thương mại cũng không đủ điều kiện để cạnh tranh.

Là người đặt câu hỏi sáng 15/11, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng Công Thương cho biếtphương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để chấm dứt tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim".

“Dự án nghìn tỷ mà lại khoán trắng, buông lỏng cho doanh nghiệp tự tổ chức đầu tư, thực hiện dẫn đến thua lỗ thì trách nhiệm của các bộ, ngành đến đâu?”, đại biểu Sinh chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị làm rõ ngoài 5 siêu dự án đầu tư công thua lỗ trên, còn bao nhiêu dự án vừa và nhỏ khác bị thất thoát vốn.

“Sẽ cho phá sản dự án yếu kém”

Phát biểu trước phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu vào thẳng vấn đề, không bình luận thêm, bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu chất vấn.

“Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết nâng cao năng lực điều hành để các đại biểu giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri, cam kết của các bộ trưởng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận đây là vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Các dự án này đều kéo dài so với thời hạn đã được thẩm định, phê duyệt. Nói về nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, Bộ trưởng cho rằng quá trình triển khai, thực hiện còn nhiều vướng mắc, thậm chí vi phạm, lại rơi vào thời điểm thị trường thế giới có nhiều biến động.

“Chẳng hạn dầu thô có thời điểm giá hơn 140 USD/thùng trong khi giờ chỉ còn hơn 40 USD, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, tính khả thi của dự án”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh.

Đáng chú ý, dự án nhà máy đạm Ninh Bình không những kéo dài còn không quyết toán được đầu tư dù đã đi vào vận hành. Nguyên nhân theo Bộ trưởng Công Thương là năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý các dự án còn hạn chế ngay trong việc đàm phán, ký kết, quản lý triển khai các dự án.

“Chính năng lực hạn chế trong quản lý, chỉ đạo thực hiện dẫn đến các dự án này kéo dài, việc thực hiện không được suôn sẻ, thậm chí không đúng với quy định của hợp đồng, chủ trương đầu tư đã được phê duyệt”, Bộ trưởng nói.

Cho đến nay, các dự án từ gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ, xăng ethanol Phú Thọ, đạm Ninh Bình đều có vấn đề của nó, đặc biệt là kém hiệu quả.

Ông Trần Tuấn Anh thừa nhận nhiều dự án hiệu quả kinh tế không còn, nếu đưa vào vận hành thương mại cũng không đủ điều kiện để cạnh tranh, một số dự án doanh thu không đủ bù cho kinh phí thực hiện.

Nói về giải pháp, Bộ trưởng cho hay nguyên tắc trước hết là phải bảo toàn vốn, tài sản của Nhà nước cũng như của các doanh nghiệp Nhà nước tham gia dự án.

“Chúng tôi sẽ cân nhắc bán dự án, cho thuê hoặc cổ phần hóa, giao lại trách nhiệm cho những doanh nghiệp có năng lực khác để cùng tiếp tục hoàn thiện/khai thác dự án, thậm chí nếu cần sẽ tuyên bố phá sản”, Bộ trưởng nhấn mạnh đồng thời cam kết sẽ làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan.

“Không phát triển thủy điện bằng mọi giá”

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn Bộ trưởng việc xử lý sai phạm trong xả lũ ở thủy điện An Khê, Hố Hô… gây chết người. Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan.

Về việc này, Bộ trưởng cho hay đến nay, chúng ta đã khai thác cơ bản hết các tiềm năng thủy điện lớn của đất nước. Bộ Công Thương đang xem xét, đánh giá lại, đưa ra khỏi quy hoạch các dự án không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của xã hội, nhân dân.

Hiện cả nước có hơn 335 dự án thủy điện. Quy trình xả lũ đã có quy định cụ thể. Theo quy định, chủ đập phải có trách nhiệm thông báo trước khi xả lũ, nhưng luật không nói rõ phương thức thông báo như thế nào và phải đảm bảo yêu cầu ra sao.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

“Thực tế cho thấy quy trình của chúng ta đã có, nhưng việc chấp hành, thực hiện quy trình nhiều khi còn máy móc. Nhiều khi chủ đập có thông báo, nhưng không đến được với mọi người do mất điện hoặc đánh kèn báo động, nhưng nhiều người không nghe thấy”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng nhiều địa phương không tổ chức diễn tập phòng chống bão lũ nên khi có sự cố xảy ra, việc thực hiện không đảm bảo hiệu quả. Nhiều khi chủ đập gọi điện, lãnh đạo địa phương không nghe máy nên không thể phối hợp tốt.

“Chưa có sự đầu tư, điều hành tốt việc quan trắc thủy điện. Tới đây chúng tôi sẽ đánh giá lại toàn bộ quy trình xả lũ, các phương án tham gia phối hợp phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn ở hạ lưu”, Bộ trưởng khẳng định.

5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nguy cơ phá sản

1. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư.

2. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung.

3. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư.

4. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An, có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam - Vinapaco theo Quyết định 731 của Thủ tướng.

5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Kiều Vui

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-the-tuyen-bo-pha-san-du-an-nghin-ty-post697859.html