''Có quan chức làm đám hiếu mẹ, nhận phong bì tiền tỉ''

Nếu giữ lại chôn cất, ông có thể kiếm được vài tỉ. 3 năm tiếp, sang cát cho bà cụ, ông lại có thể kiếm được thêm vài tỉ nữa

Không phải chuyện giả tưởng

Ông Hoàng Nguyên Hồng - nguyên chuyên viên cao cấp của Ủy ban kiểm tra Trung ương kể, ông từng biết có một quan chức cấp cao đã biến cả đám tang của mẹ thành nơi nhận phong bì công khai.

Ảnh minh họa

"Tôi biết cả gia đình họ muốn đưa bà đi thiêu nhưng vị quan chức này nhất định không cho đi thiêu. Nghe thì tưởng ông thương mẹ lắm hỏi ra mới biết, nếu giữ lại chôn cất, đám ma có thể kéo dài tới vài ngày. Ông có thể kiếm được vài tỉ. Mỗi cái giỗ ông cũng có thể kiếm thêm vài tỉ. 3 năm tiếp, sang cát cho bà cụ, ông lại có thể kiếm được thêm vài tỉ nữa. Số tiền mà nếu đi thiêu sẽ không thể có được. Tính sơ sơ, vị quan chức cũng có cả chục tỉ đồng từ đám hiếu của mẹ", vị chuyên gia kể.

Ông khẳng định câu chuyện thật 100%, thậm chí có người trong gia đình còn cho ông xem số liệu tiền phúng viếng đàng hoàng.

Vì thế, ông nói rằng, thời buổi kinh tế thị trường, đồng tiền làm mờ mắt thì đến tính người cũng tha hóa, biến chất. Người nhận tiền lợi dụng đám ma mẹ, người đến phúng cũng lợi dụng cơ hội tâng nựng sếp, đánh vào lòng tham của sếp mà tranh công. Người nhận thì hoan hỉ bóc, đếm phong bì, ai đi to, tiền nhiều thì bảo thằng này tốt, nó quan tâm tới sếp, nó quý sếp. "Chấm". Người phải đi phúng viếng thì tranh thủ để lại ấn tượng, nhỡ mai này còn nhờ vả sếp hoặc sợ bị trù úm vì đi ít. Nên cũng lại cắn răng mà đút vài ba đồng xanh, đỏ vào phong bì.

"Tôi còn biết không phải chỉ duy nhất một trường hợp này, còn có rất nhiều trường hợp lợi dụng đám hiếu, đám hỉ, cố bầy cỗ thật to, làm thật linh đình, hoành tráng, làm ăn đến mấy ngày để kiếm tiền. Như thế làm sao gọi là hiếu thảo, đó phải là tham nhũng chứ", ông nói.

"Lại có cả những chức quan vừa vừa đến nhỏ cũng tranh thủ thời gian đương nhiệm để kiếm phong bì. Cưới con trai, con gái, thậm chí cưới cả anh, em, họ hàng cũng mở mang, phô trương hàng vài trăm mâm cỗ, mời cấp dưới, mời đối tác, mời đồng nghiệp, mời cả đồng hương… ăn cỗ trong mấy ngày. Lại có những người, bố mẹ ốm cũng phải thông báo toàn cơ quan, nhân viên đến thăm còn chưa đủ, có kẻ cơ hội còn đứng ra lo liệu hết mọi việc từ đầu tới cuối… Rồi lại cả chuyện mừng thọ bố, mừng thọ mẹ cũng tổ chức rềnh rang, bắc rạp mấy ngày để ăn uống, tiệc tùng. Cứ tưởng là chuyện giả tưởng thế nhưng lại đang là sự thật trong thời đại ngày nay", ông Hồng nói tiếp.

Ai cũng thấy nhưng không xử được

Thế đấy, tham nhũng có ở khắp nơi nhưng trong các báo cáo của bộ ngành từ trung ương tới địa phương thì tất cả đều trống trơn, sạch sẽ. Bàn về chuyện này, vị luật sư nói rằng, người làm báo cáo cũng bị chi phối lợi ích, người duyệt báo cáo cũng có tí lợi ích... mỗi người đều vì một tí lợi ích của mình nên mới ra cái báo cáo như vậy.

Ông lấy ví dụ từ vụ việc của ông Trần Văn Truyền, một vụ việc rõ như ban ngày nhưng cũng phải đợi đến khi báo chí vào cuộc thì mới đòi được nhà, được đất cho nhà nước. Ấy vậy mà còn đòi mãi chưa hết. Lúc phải đòi cái nhà ở TP.HCM, khi lại đòi cái nhà ở Bến Tre.

Nhưng điều ông Hồng băn khoăn là: Ai đã bao che, dung túng cho vụ việc sai trái tồn tại kéo dài cả nhiều năm nay mà không bị xử lý? Chiếm dụng tài sản của nhà nước, của dân thì phải xử lý thế nào? Là một quan chức cấp cao mà có hành vi như vậy thì phải nhìn nhận ra sao...?

Ông hỏi tiếp: "Đó là sự vô trách nhiệm của lãnh đạo quản lý hay là sự vô tâm, vô cảm với tài sản của nhà nước, với người nghèo?".

Bỏ lửng câu trả lời, ông kể tiếp những sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực. Một tòa nhà sừng sững giữa trung tâm thành phố, ngay sát khu chính trị Ba Đình, vậy mà không ai biết? Thế thì phải hiểu thế nào?

Vì thế, vị chuyên gia cho rằng cũng không nên ngạc nhiên nếu thấy một báo cáo nào đó nói rằng không phát hiện tham nhũng, không có trường hợp nào nhận quà sai quy định. Đến đám hiếu, đám hỉ còn thành công cụ để kiếm phong bì thì lễ, Tết có gì không dám làm.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/co-quan-chuc-lam-dam-hieu-me-nhan-phong-bi-tien-ti-3301819/