Cổ phiếu nhiệt điện "phập phù" theo bốn yếu tố

Tình hình kinh doanh và thị giá của CP nhóm nhiệt điện thường dễ dàng bị tác động theo tỷ giá ngoại tệ, thời tiết, nỗi gian nan đàm phán giá bán điện với EVN và biến động tăng giá than, dầu FO, trong đó, biến động tỷ giá tệ là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất.

Trên thị trường chứng khoán hiện chỉ có hai cổ phiếu nhiệt điện niêm yết là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC- HOSE) và CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (mã BTP-HOSE). Năm 2013, nhiều nhà đầu tư thắng lớn, nhất là REE (công ty đầu tư lớn nhất vào ngành điện) nhờ giá nhiều cổ phiếu ngành điện tăng mạnh, trong đó, cổ phiếu BTP và PPC lọt vào nhóm 20 cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất năm 2013 với mức tăng lần lượt là 125% và 110%. Ngược lại, sang năm 2014, giá lại sụt mạnh, giá cổ phiếu PPC trong tháng qua giảm 12,4%, từ đầu năm đến nay giảm 13,14%, phiên 20/8 giá 20.500 đ/CP (cao nhất 24.600 đ/CP phiên 9/1 và thấp nhất 17.700 đ/CP, phiên 8/5/2014). Giá cổ phiếu BTP trong tháng qua và cả năm 2014 gần như đứng yên ở mức giá 12.600 đ/CP (cao nhất 15.600 đ/CP phiên 27/3 và thấp nhất 11.800 đ/CP phiên 13/5).

Nguyên nhân chính là do biến động “phập phù” của tỷ giá ngoại tệ khiến cho lãi và lỗ cũng bất ngờ thay đổi rất mạnh. Từ năm 2009 đến quý IV/2012, tỷ giá đồng Yên Nhật so với VND tăng mạnh khiến cổ phiếu PPC trượt dài và tạo đáy tại vùng giá 5.500 đ/CP. Khi tỷ giá đồng Yên giảm từ quý IV/2012 và giảm mạnh cho đến hết năm 2013, giá cổ phiếu PPC đã tăng hơn 110% trong năm 2013.

PPC có khoản nợ 28,78 tỷ Yên, nên chỉ cần tỷ giá đồng Việt Nam và Yên “nhảy nhót”, PPC đã phải trích thêm dự phòng rủi ro tỷ giá hàng tỷ đồng. Điển hình là theo báo cáo tài chính họp nhất 2013, PPC có lãi ròng 1.631 tỷ đồng, gấp 3,2 lần năm 2012 và gấp 6 lần kế hoạch đề ra. Khoản lợi nhuận khủng của PPC có được phần lớn đến từ việc đánh giá lại chênh lệch tỷ giá, cụ thể: Số dư nợ vay của công ty mẹ PPC theo hợp đồng vay dài hạn của EVN (vay lại hợp đồng vay vốn của JBIC) đến thời điểm 31/12/2013 còn lại 26,92 tỷ JPY (Yên Nhật). Do tỷ giá giữa đồng Việt Nam và JPY cuốì năm giảm so với cuối các quý và đầu năm 2013 nên công ty mẹ có lãi từ hoạt động đánh giá lại chênh lệch tỷ giá của khoản nợ vay có gốc ngoại tệ là 1.136 tỷ đồng, tăng vọt so với năm 2012 (104 tỷ đồng). Ngược lại, quý 2/2014, bất ngờ lỗ 49 tỷ đồng, khiến lãi lũy kế 6 tháng giảm 87%, ở mức 172,2 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 31/12/2013, 1 Yên có giá bằng 201,6 đồng; trong khi ngày 30/6/2014, 1 Yên tương đương 211 đồng (tiền đổng mất giá 9,4 đồng/Yên) nên khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 6 tháng đầu năm lên tới 155,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước đánh giá lại tỷ giá, PPC lãi 234,2 tỷ đồng), làm cho chi phí tài chính cao gấp 4,5 lần cùng kỳ, ở mức 193 tỷ đồng.

Trong khi đó doanh thu tài chính lại giảm 77%, chỉ đạt 87,7 tỷ đồng và chi phí lãi vay 37,2 tỷ đồng. PPC bất ngờ lỗ khiến nhiều nhà đầu tư cũng thua lỗ theo. Điển hình là REE. Theo báo cáo tài chính quý 2/2014 của REE, lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết bị âm 70 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 280 tỷ đồng. REE cho biết có sự thay đổi đột biến là do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh quý 2/2014 của PPC trong khi REE đang nắm 22,37% cổ phần tại PPC.

Tuơng tự, cổ phiếu BTP cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi tỷ giá ngoại tệ. Trong năm 2011, BTP lãi ròng 62,7 tỷ, năm 2012 lãi ròng tăng vọt lên 135,34 tỷ và năm 2013 lại sụt còn 55 tỷ đổng. Quý 1/2014, BTC lãi ròng 43,3 tỷ, sang quý 11/2014 đột ngột lỗ 7,625 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do đánh giá chênh lệnh tỷ giá vốn vay có gốc ngoại tệ vào cuối quý, khoản lỗ chênh lệnh tỷ giá quý 2/2014 là 38,8 tỷ đồng (cùng kỳ khoản này lãi 9,4 tỷ đồng). Quý 4/2013, BTP cũng có khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện là 12,25 tỷ đồng.

Trước đây khoản lãi/lỗ từ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ chỉ được hạch toán trong quý IV hàng năm, tuy nhiên từ khi có thông tư 179/2012/TT-BTC thay thế thông tư 201/2009/TT-BTC thì các doanh nghiệp phải hạch toán lãi/lỗ tỷ giá tại thời điểm cuối các quý. Thông tư 179 cũng cho phép các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài được hạch toán tỷ giá theo giá mua của ngân hàng thương mại thay vì mức cao hơn của tỷ giá xuất nhập khẩu do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh và giá cổ phiếu của nhà máy nhiệt điện. Sản lượng nhiệt điện sẽ tăng hay giảm phụ thuộc vào tình hình thời tiết hàng năm thuận lợi hay bất lợi cho các nhà máy thủy điện, từ đó sản lượng huy động của nhiệt điện sẽ thấp hay cao hơn.

Giá đầu vào chủ yếu của nhiệt điện là than và dầu FO.Do giá than bán cho ngành điện từ năm 2013 đến nay đã tăng 3 lần và mới đây nhất là lần tăng đầu năm 2014 nên làm tăng giá thành sản xuất nhiệt điện. Theo PPC, trong 6 tháng đầu năm 2014, giá than, giá dầu FO tăng khiến chi phí sản xuất tăng làm giá vốn hàng bán tăng đến 40% so cùng kỳ năm trước.

Việc đàm phán giá bán điện cho EVN cũng khiến các công ty nhiệt điện ngao ngán. Theo PPC, đến nay giá điện chỉnh thức của PPC chưa thống nhất được với Công ty mua bán điện thuộc EVN. Do vẫn đang đàm phán giá bán điện với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn thống nhất tạm tính giá điện năm 2014 bằng giá điện 2013 vói giá 1.353 VND/Kwh, nên PPC chỉ ghi nhận doanh thu bán điện bằng giá tạm tính, khi nào có giá chính thức sẽ điều chỉnh lại doanh thu.

Theo Hải Bằng Thời báo Kinh tế Việt Nam

Nguồn NDH: http://ndh.vn/co-phieu-nhiet-dien-phap-phu-theo-bon-yeu-to-20140827071749898p4c146.news