Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được giới đầu tư đặt niềm tin

Phố Wall có phiên tăng thứ tám liên tiếp trong ngày thứ Tư (19/7), khi các nhà đầu tư thấy thoải mái từ báo cáo kết quả lợi nhuận từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Cổ phiếu ngân hàng nối dài đà tăng, với chỉ số theo dõi ngành này trên S&P 500 tăng 1,7%, tăng phiên thứ ba liên tiếp.

Trong đó, cổ phiếu ngân hàng lớn Goldman Sachs phiên này đã tăng 0,97% kể cả sau khi báo cáo lợi nhuận quý vừa qua thấp nhất trong 3 năm, nhưng CEO David Solomon đã đưa ra những nhận định lạc quan về dấu hiệu phục hồi của ngân hàng đầu tư này.

Các cổ phiếu ngân hàng, tài chính khác như Citizens Financial tăng 6,39% và M&T Bank tăng 2,48%, sau khi cả hai đều đánh bại những dự báo lợi nhuận quý II của Phố Wall. Trong khi đó, US Bancorp đảo chiều tăng 6,46% khi công bố thu nhập lãi ròng trong quý tăng 28%. Chỉ số ngân hàng địa phương KBW tăng 2,9% trong phiên tăng thứ ba liên tiếp để đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 10/3.

"Các ngân hàng lớn chắc chắn đã thiết lập một đường đi tích cực trong thời điểm khởi động của mùa báo cáo quý II. Nhưng liệu điều đó có chuyển thành kết quả tương tự ở các ngân hàng nhỏ hơn như nhóm ngân hàng khu vực trong phần còn lại của mùa báo cáo thu nhập hay không vẫn còn phải xem xét thêm”, Mike Loewengart, người đứng đầu bộ phận xây dựng danh mục đầu tư mô hình tại Văn phòng Đầu tư Toàn cầu Morgan Stanley cho biết.

Cho đến nay, mùa báo cáo lợi nhuận quý II đã có khởi đầu mạnh mẽ. Trong số các công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo, 78% có kết quả vượt kỳ vọng, theo dữ liệu từ FactSet.

Tuần tới, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư. Giới đầu tư nhận định Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp này.

Kết thúc phiên 19/7: Chỉ số Dow Jones tăng 109,28 điểm (+0,31%), lên 35.061,21 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,74 điểm (+0,24%), lên 4.565,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 4,38 điểm (+0,03%), lên 14.358,02 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, với chứng khoán Anh dẫn đầu sau khi lạm phát của Anh chậm lại nhanh hơn dự kiến đã giúp củng cố hy vọng lãi suất đạt đỉnh.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,26% lên 461,97 điểm, kéo dài đà tăng sang phiên thứ hai liên tiếp.

Chỉ số FTSE 100 London tăng 1,8% khi đồng bảng Anh trượt dốc sau khi chỉ số lạm phát tăng chậm lại, giúp trong chỉ số bất động sản rộng lớn tăng 4,3%.

Theo đó, lạm phát cao của Anh đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tháng 6 và là mức thấp nhất trong hơn một năm ở mức 7,9%, qua đó, kỳ vọng sẽ giảm bớt một số áp lực lên Ngân hàng Trung ương Anh trong việc tiếp tục tăng lãi suất mạnh.

"Lạm phát cuối cùng dường như cũng giảm. Ngay cả lạm phát lõi cũng đang giảm và điều đó về cơ bản mở ra triển vọng các ngân hàng trung ương không diều hâu như thông điệp đã phát đi thời gian qua", Andrea Cicione, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại TS Lombard cho biết.

Đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu, thị trường tiền tệ vẫn dự báo giá 97% khả năng tăng lãi suất 0,25% vào cuối tuần tới.

Thị trường cũng tập trung vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh, với lợi nhuận quý II của các công ty trong STOXX 600 dự kiến sẽ giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của Refinitiv IBES.

Kết thúc phiên 19/7: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 134,51 điểm (+1,8%), lên 7.588,20 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 16,56 điểm (-0,10%), xuống 16.108,93 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 7,76 điểm (+0,11%), lên 7.326,94 điểm.

Giá dầu thô giảm nhẹ do hoạt động chốt lời sau đợt tăng giá đầu phiên và cam kết khôi phục tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Kết thúc phiên 19/7, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,40 USD/thùng (-0,6%), xuống 75,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,17 USD/thùng (-0,21%), xuống 79,46 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-ngan-hang-tiep-tuc-duoc-gioi-dau-tu-dat-niem-tin-post326142.html