Cổ phiếu "cựu binh": Thời hoàng kim nay còn đâu?

Sau khi "thăng hoa" cùng thị trường trong năm 2006 và đầu năm 2007, thì hiện tại, nhóm cổ phiếu cựa binh bước vào giai đoạn trầm lắng: khối lượng giao dịch sụt giảm, biên độ dao động giá hẹp dần.

Nếu xét theo tiêu chí thời gian, có một nhóm cổ phiếu niêm yết được xếp vào hàng “cựu binh” với thâm niên niêm yết trên 6 năm - trước khi Vinamilk được cổ phần hóa vào tháng 2/2005. Khi đó, NĐT trên TTCKchủ yếu là các cá nhân, chưa giành được sự quan tâm của khối NĐT tổ chức, đặc biệt là NĐT nước ngoài. Trong thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu cựu binh hầu hết được giao dịch cầm chừng và trầm lắng. Đâu là lý do của hiện tượng trên? Bức tranh toàn cảnh Năm đầu khi TTCK Việt Nam hình thành chỉ vỏn vẹn 5 DN niêm yết là CTCP Cơ điện lạnh (REE), Sacom (SAM), Transimex (TMS), Lafoco (LAF) và Hapaco (HAP). Khi mới lên sàn, các DN không khác biệt nhiều về quy mô, tầm vóc. Tuy nhiên, 10 năm sau, sự chênh lệch đã gia tăng đáng kể. Trong khi REE "lột xác" nâng quy mô DN và tăng lợi nhuận sau thuế lên hàng chục lần so với thời điểm ban đầu, thì TMS, LAF, HAP vẫn ở dạng “thường thường bậc trung”. Kể cả các DN niêm yết sau này dù có thương hiệu như Agifish (AGF), Bibica (BBC) cũng chưa thực hiện được điều tương tự như REE đã làm. Phần còn lại so với tương quan thị trường hiện nay chỉ là các DN quy mô khiêm tốn. Xét về tính thanh khoản và diễn biến giá, nhóm cổ phiếu cựu binh có sự phân hóa rõ nét. REE, SAM giữ tính thanh khoản tốt, nhưng giá cả có sức ỳ, chỉ tăng theo thị trường ở giai đoạn phục hồi rồi nhanh chóng hụt hơi, dao động với bước giá hẹp. LAF, TS4, KHA thường xuyên được đầu cơ (hay có "sóng") và ở điều kiện thị trường bình thường, NĐT dễ mua dễ bán. Ngược lại, một số mã như SAV, BT6, SFC, PMS... đặc biệt thất thường, giao dịch phiên có phiên không, giá cả thì đôi khi lên trần xuống sàn rất “vô duyên” với 1 lô được khớp lệnh. Sự khác biệt này chủ yếu xuất phát từ cơ cấu cổ đông: trong khi REE, SAM có cơ cấu cổ đông rộng rãi thì Bê tông Châu Thới (BT6), Savimex (SAV), CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC)... lại chủ yếu do một số cổ đông lớn hay các NĐT lâu dài nắm giữ. Ngoài ra, có mối liên hệ nhỏ giữa tính thanh khoản và thị giá: các cổ phiếu thị giá cao thì thanh khoản thường thấp (SGH, SFC, BT6...) và ngược lại, thị giá thấp thì thanh khoản thường cao (REE, SAM...). Xét về hoạt động kinh doanh, ngoại trừ REE và SAM có lợi nhuận sau thuế vươn đến tầm ba con số (đơn vị tỷ đồng), các gương mặt còn lại đều chưa thực hiện được điều này. Cá biệt, một số cựu binh niêm yết sau này còn gây ra tai tiếng và bị hủy niêm yết như Bông Bạch Tuyết (BBT) hay Cơ khí Bình Triệu (BTC), số khác rơi vào thua lỗ triền miên như Tribeco (TRI), CTCP Viễn thông VTC (VTC). Hiện tại, lợi nhuận của nhóm cổ phiếu cựu binh phần lớn “lưỡng tính”: ngoài hoạt động sản xuất - kinh doanh chính, DN còn tham gia đầu tư bất động sản, tài chính. Tuy nhiên, các cựu binh như REE đã hình thành thế "chân kiềng", lợi nhuận ở giai đoạn bão hòa, thì các cổ phiếu trẻ hơn như Khahomex (KHA), Thủy sản 4 (TS4) có lợi nhuận trong mảng kinh doanh lõi khá hạn chế. Mặc dù vậy, các cổ phiếu trẻ này đang có thu nhập từ các dự án bất động sản để bù đắp. Thậm chí, tại một số DN như Savimex (SAV), Sai Gon Hotel (SGH), tài sản (đất đai) có giá trị còn cao hơn mức vốn hóa hiện nay. Phần còn lại, một số DN như BBC, BT6, DHA... có kết quả kinh doanh ổn định và tăng trưởng, nhưng LAF lại khá thất thường (đây là lý do khiến mã này gần đây hay có "sóng"). Trầm lắng vì đâu? Sau khi "thăng hoa" cùng thị trường trong năm 2006 và đầu năm 2007, thì hiện tại, nhóm cổ phiếu cựa binh bước vào giai đoạn trầm lắng: khối lượng giao dịch sụt giảm, biên độ dao động giá hẹp dần. Tuy nhiên, các tên tuổi một thời vẫn thu hút được sự chú ý: REE và SAM được yêu mến ngay cả với thành viên mới, nhất là khi thường được lấy làm ví dụ trong các sách giáo khoa về chứng khoán. KHA, DHA, SAV... đi ngang trong biên độ hẹp, nhìn khá giống sự hội tụ và tích lũy trước giai đoạn bùng nổ. BT6 có giá biến động zíc-zắc, ngẫu hứng, không phụ thuộc vào thị trường chung, khiến NĐT phải chú ý... Giám đốc phát triển khách hàng của CTCK SME, ông Lê Văn Thanh Long đánh giá, nếu chọn lọc nhiều cổ phiếu cựu binh hiện tại có thể là địa chỉ đầu tư an toàn cho các NĐT, nhưng ẩn chứa không ít cạm bẫy nếu giao dịch ngắn hạn. Thứ nhất, các cổ phiếu hàng đầu trong quá khứ hiện nay có lợi nhuận ở mức bão hòa, không thu hút được NĐT lớn. Một số khác bị hạn chế về thanh khoản, dù có tài sản nhưng chưa được khai thác hiệu quả, nên chỉ thích hợp với đầu tư giá trị. Thứ hai, với nhóm cổ phiếu này, các NĐT dài hạn đầu tư từ nhiều năm trước đang có giá vốn thấp (thậm chí thấp hơn cả mệnh giá), nên sau vài phiên tăng mạnh luôn có một lượng cung hàng lớn chờ đợi. Thứ ba, do niêm yết đã lâu, mọi hoạt động của DN đã được mổ xẻ, phân tích qua nhiều "lăng kính", khiến yếu tố "mờ ảo" cho hoạt động đầu cơ không có. Ông Long cho rằng, trước mắt, cổ phiếu cựu binh sẽ chỉ giữ mối tương quan yếu khi thị trường tăng. Bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng bộ phận Phân tích khách hàng của CTCK Bản Việt nhận xét, một số cổ phiếu cựu binh giao dịch không khởi sắc một phần dư địa tăng trưởng gần như cạn kiệt, NĐT không kỳ vọng vào sức bật lợi nhuận những năm tới. Trong khi đó, nhiều gương mặt xuất hiện sau này có tốc độ tăng trưởng gây ấn tượng, thu hút sức cầu Vì vậy, đầu tư dài hạn vào nhóm cổ phiếu cựu binh thực sự là việc “đãi cát tìm vàng”. Giang Thanh ĐTCK

Nguồn StoxPlus: http://stox.vn/stox/view_news_detail/71550/1/209/co-phieu-cuu-binh-thoi-hoang-kim-nay-con-dau.stox