Cổ phần hóa 'dậm chân tại chỗ'

6 tháng đầu năm 2023, cả nước không ghi nhận doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nào cổ phần hóa, chỉ có 27 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp. Trước đó, trong giai đoạn 2021-2022, số tiền thu từ cổ phần hóa(CPH), thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước chỉ đạt 4.848 tỷ đồng, bằng 8% kế hoạch được Thủ tướng giao.

Ảnh: minh họa

Bộ Tài chính lý giải, sự chậm trễ này do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những bất ổn lớn của thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Trong khi doanh nghiệp thực hiện CPH là doanh nghiệp lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị; một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra.

Việc lập kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức, khiến nhiều doanh nghiệp chậm hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lí về quản lí, sử dụng tài sản công trước khi CPH, thoái vốn; tồn tại về tài chính chưa được xử lí dứt điểm.

Nhưng theo chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính là nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong CPH, thoái vốn, thậm chí còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Mặt khác, vướng mắc lớn nhất hiện nay của công tác CPH đến từ nút thắt đất đai, nhất là việc xác định thẩm quyền lập, phê duyệt phương án sử dụng đất, phương án sắp xếp lại, xử lí nhà, đất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có số lượng nhà đất lớn, nằm trên địa bàn nhiều địa phương, lịch sử pháp lí đất đai phức tạp phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian.

Kiểm toán Nhà nước cảnh báo, quá trình CPH DNNN đã cho thấy nhiều sai phạm, tiêu cực gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước, nhất là vi phạm trong sử dụng đất đai,bán tài sản gắn liền với đất không qua đấu giá, chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng quỹ đất...Ước tính, hàng nghìn tỷ đồng đã và đang bị thất thoát từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác.

Đặc biệt, định giá đất là khâu quan trọng nhưng cũng là mắt xích tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước khi xuất hiện tình trạng giá trị tài sản thẩm định giá thấp hơn thị trường, làm thất thoát tài sản nhà nước. Bởi định giá đất doanh nghiệp sử dụng bảng giá đất của UBND cấp tỉnh, thành phố công bố tại thời kỳ đó làm căn cứ nhưng khảo sát của Viện Kinh tế Tài chính chỉ ra rằng, giá đất mà địa phương công bố chỉ bằng 20% giá thị trường. Thế nên, nhiều nhà đầu tư muốn thâu tóm doanh nghiệp nhà nước không phải vì hiệu quả, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp mà chủ yếu nhìn vào đất đai, trông chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Để thúc đẩy quá trình CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang rà soát, xây dựng báo cáo để trình cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến định giá tài sản doanh nghiệp CPH. Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương phải xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ, chây ì trong thực hiện chủ trương CPH, nhất là những vi phạm quy định về CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu; coi việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN là một tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan.

Thiết nghĩ, tách khâu xử lý liên quan đến đất đai ra khỏi quá trình CPH sẽ tạo hướng khả thivà hiệu quả cao trong giải bài toán khó nhất hiện nay là xác định giá trị quyền sử dụng đất và lợi thế kinh doanh của các DNNN cần CPH. Qua đó, tránh định giá sai giá trị doanh nghiệp khi xây dựng phương án CPH và giảm thiểu tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám quyết định.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-phan-hoa-dam-chan-tai-cho-post464630.html