Cổ phần hãng phim Việt Nam: Ông chủ thật sự là ai?

Trên giấy tờ, ông chủ của VFS hiện nay là Vivaso. Tuy nhiên, thực tế Vivaso đã bị thâu tóm bởi Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường.

Ông chủ thực sự của VFS

Những ngày qua, câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Nhiều nghệ sỹ gắn bó 50 - 60 năm với VFS mang đơn đi “kêu cứu” khắp nơi và bày tỏ nhiều thất vọng sau gần ba tháng được tổng công ty vận tải thủy Vivaso mua lại.

Cụ thể, tháng 4/2016, VFS tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) trở thành cổ đông lớn nhất, với tỷ lệ sở hữu lên tới 65% cổ phần, tương đương 32,5 tỷ đồng.

Nhiều lùm xùm sau khi cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam.

Theo tìm hiểu, Vivaso trước đây là Tổng công ty Đường sông miền Bắc, có trụ sở tại Quận Long Biên, Hà Nội.

Đến tháng 7/2010, Vivaso chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo quyết định số 1764/QĐ-BGTVT ngày 25/6/2010 của Bộ GTVT.

Sau đó, thực hiện Quyết định số 49 ngày 08/01/2013 của Bộ GTVT về việc Phê duyệt danh sách doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Vivaso triển khai việc cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng Công ty Vận tải Thủy và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Vì vậy, mặc dù trên giấy tờ, “ông chủ” của VFS hiện nay là Vivaso.

Tuy nhiên, bản thân Tổng công ty này cách đây gần 4 năm cũng trở thành đối tượng bị "thâu tóm" bởi một doanh nghiệp tư nhân khác - Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường.

Đơn vị này hiện đang sở hữu 77,1% vốn tại Vivaso.

Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường được thành lập từ năm 1992. Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này do ông Nguyễn Thủy Nguyên làm đại diện pháp luật và làm Tổng giám đốc công ty.

Vạn Cường chuyên hoạt động trong lĩnh vực BĐS và phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc Vạn Cường, đồng thời là người nắm giữ tới 98,87% vốn điều lệ tại đây.

Yêu cầu thanh tra quá trình cổ phần hóa

Cũng liên quan đến vấn đề này, chiều 21/9, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ… trả lời rõ từng kiến nghị, nhất là vấn đề định giá thương hiệu và giá trị các khu đất của Hãng Phim truyện Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, quan trọng nhất là phải minh bạch, công khai, do đó ông Đam đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS.

“Các Bộ ngành liên quan phải bắt tay thực sự vào việc xác định giá trị thương hiệu của VFS. Không được để tình trạng văn nghệ sĩ và cả nhân dân nghi ngờ cái gì Nhà nước bán thì định giá thấp, cái gì Nhà nước mua thì định giá cao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây cao ốc, trung tâm thương mại là sai mục đích

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết đất tại VFS thuộc quyền sở hữu của nhà nước cho thuê để làm phim, không được tính vào giá trị của doanh nghiệp.

Nhìn lại vấn đề tại VFS, TS Cung cho rằng phải phân biệt rõ, mục đích nhà nước cho thuê đất này để phát triển hãng phim chứ không phải bất kì mục đích gì khác như xây nhà cao tầng hay xây siêu thị... Nếu sử dụng đất này ngoài mục đích của hãng phim là sai mục đích sử dụng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng phải được cơ quan quản lý nhà nước về đất cho phép. Khi đó, giá trị đất đai phải được định giá lại.

TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng điều mấu chốt cần lưu ý khi cổ phần hóa tại VFS là việc quản lý đất đai. Sau cổ phần hóa, kể cả có phải định giá lại tài sản đất đai, doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất sang xây nhà cao tầng, trung tâm thương mại... vẫn có lãi nhờ tình trạng đút lót đi cửa sau hiện nay.

Đặc biệt, thoe ông Long, thương hiệu doanh nghiệp là tài sản vô hình của doanh nghiệp, trong thương mại có phương pháp định giá khoa học. Thương hiệu được xác định từ chi phí, doanh thu, danh tiếng và cơ hội trong tương lai của doanh nghiệp. Khi cổ phần hóa việc định giá đều phải theo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

“Nếu một đơn vị nhiều năm không hoạt động, không ra sản phẩm thì thương hiệu từ đâu ra? Người ta định giá cũng 0 đồng có lý của nó. Cơ quan định giá phải chịu trách nhiệm trước nhà nước. Nếu cho rằng việc định không chính xác có thể mời đơn vị khác tiến hành đánh giá lại. Không thống nhất được có thể đưa ra tòa án kinh tế giải quyết”, ông Long khẳng định với tờ Infornet.

Hoàng Nam (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/bat-dong-san/thi-truong/co-phan-hang-phim-viet-nam-ong-chu-that-su-la-ai-3343753/