Có nên trích không thấp hơn 70% tiền xử phạt vi phạm cho cảnh sát giao thông?

Hầu hết ý kiến bạn đọc không đồng tình đề xuất lực lượng cảnh sát giao thông được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Sáng 15-3, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).

Một nội dung đáng chú ý là Điều 5 dự thảo về chính sách của Nhà nước về TTATGTĐB quy định “lực lượng Cảnh sát giao thông được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật để phục vụ công tác bảo đảm TTATGTĐB, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông”.

Sau khi chúng tôi đăng tải bài viết, nhiều bạn đọc quan tâm đã có ý kiến về đề xuất này, PLO xin giới thiệu một số ý kiến của của bạn đọc.

Không hợp lý

Bạn đọc 10972 nêu ý kiến: Tôi mong Quốc hội xem xét vấn đề này! Việc xử phạt hành chính đã có luật, tiền xử phạt về ngân sách là bao nhiêu thì tôi cũng biết từ nhiều năm rồi nhưng vấn đề là giữ lại tới 70% thì là quá vô lý. Cảnh sát giao thông hay các lực lượng chấp pháp đều ăn lương ngân sách nhà nước theo cấp bậc mà còn hưởng những đặc quyền này thì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành công an. Đối với cảnh sát giao thông như vậy còn các ngành khác thì sao?

Bạn đọc Nguyenhuyhieunt viết: Là một cảnh sát giao thông nhiệm vụ là giữ gìn an ninh trật tự quốc gia, lương hưởng đầy đủ chế độ của nhà nước thì tại sao còn có phần này? Trích như vậy sẽ làm thất thu ngân sách nhà nước. Thiết nghĩ nên tăng lương cho cảnh sát giao thông sẽ phù hợp với cơ chế đặc thù của cảnh sát giao thông hơn là hưởng % cao. Như vậy là không hợp lý với chính sách nhà nước và còn gây nhiều hệ lụy như đút lót, chạy tiền vào ngành cảnh sát giao thông.

Bạn đọc 64430 cũng cho rằng ngành công an và cảnh sát giao thông nói chung đã hưởng lương từ ngân sách như các cơ quan khác, bên cạnh đó còn được hưởng cơ chế đặc thù nữa nên sẽ thật vô lý khi lại được trích 70 % tiền phạt của dân và 30 % tiền đấu giá bảng số xe.

Đồng quan điểm, bạn đọc 52433 đặt câu hỏi: Cảnh sát giao thông cũng nhận lương của nhà nước để thực thi nhiệm vụ cũng như các cán bộ nhân viên nhà nước. Vậy tại sao tiền xử phạt vi phạm giao thông là cảnh cáo người vi phạm khi tham gia và bổ sung công quỹ phát triển đất nước lại chia % cho cảnh sát giao thông?

"CSGT thực hành việc xử lý vi phạm, đảm bảo TTATGT là trách nhiệm, là công việc và được hưởng lương vậy tại sao lại còn được trích %, còn trích lên đến 70% trong khi chỉ nộp 30% cho kho bạc?"- bạn đọc Người Qua Đường đặt câu hỏi.

Hầu hết ý kiến bạn đọc không đồng tình đề xuất này. Ảnh: PHI HÙNG

Phải nộp hết vào ngân sách nhà nước

Bạn đọc 99831 đặt câu hỏi: Nếu như tất cả các cơ quan ban ngành đều đề nghị trích lại % tiền xử phạt thì lúc đó ngân sách nhà nước sẽ ra sao?

"Nếu đòi hỏi như vậy thì mai mốt nhiều ngành khác cũng đòi hỏi thì ngân sách còn gì?”- bạn đọc 78697 thắc mắc.

Bạn đọc Trinh The Vinh nêu: Tiền phạt vi phạm an toàn giao thông hay các loại vi phạm khác của người dân đều phải nộp vào ngân sách nhà nước. Không ngành nào được chia %. Nhà nước cân đối ngân sách cho duy tu bảo dưỡng đường bộ, mua sắm trang thiết bị phục vụ an toàn giao thông, tăng cường camera phạt nguội.

“Theo tôi không nên trích % như vậy cho cảnh sát giao thông vì sẽ gây tiêu cực rất lớn. Thiết nghĩ tiền xử phạt nộp hết cho ngân sách nhà nước từ đó trích ra để duy tu cơ sở hạ tầng giao thông và khen thưởng cho cá nhân hay bộ phận cảnh sát giao thông làm tốt trách nhiệm trong tháng hay quý. Không có lý do gì tiền của dân lại trích cho người đi xử phạt chính người dân gây bức xúc rất lớn trong lòng dân”- bạn đọc 74336 viết

Tương tự, bạn đọc 89792 cũng đề nghị là tất cả tiền phạt đều nộp vào ngân sách. Chính phủ sẽ cân đối phân bổ ngân sách cho công tác đảm bảo an toàn giao thông. Không lý do gì mà cảnh sát giao thông lại có đặc quyền được trích lại 70%. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu ngân sách và gây bức xúc trong dư luận.

Bạn đọc 38560 cũng đồng tình đây là nhiệm vụ của công an sao phải trích %. Các loại tiền thu về phải nộp hết vào ngân sách nhà nước, sau đó được chi chung cho các ngành và công tác xã hội theo ngân sách của năm. Nếu thu chi như thế thì các ngành khác sao lại không thể? "Làm không đúng luật và bất công sẽ sinh ra tiêu cực”- bạn đọc 38560 khẳng định.

Bạn đọc 88356 cho rằng cần phải tuân theo luật ngân sách và luật đầu tư công không thể đứng ngoài vòng luật pháp.

Bạn đọc Vu Nguyen đề xuất nên đầu tư xử phạt vi phạm giao thông bằng camera thì sẽ không còn mãi lộ.

Bạn đọc Q7 kiến nghị làm sao cảnh sát giao thông không dám nhận mãi lộ mới là điều quan trọng, chứ đòi giữ 70% làm gì, cơ hội sinh tham nhũng.

LAN THY

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-nen-trich-khong-thap-hon-70-tien-xu-phat-vi-pham-cho-canh-sat-giao-thong-post780721.html