Có nên khống chế giờ làm thêm của học sinh, sinh viên?

Quy định học sinh, sinh viên (HSSV) sẽ không được làm thêm quá 20 giờ/tuần ghi trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi nếu được thông qua.

Doanh nghiệp giới thiệu việc làm bán thời gian cho sinh viên Trường đại học Lâm nghiệp Phân hiệu Đồng Nai tại huyện Trảng Bom. Ảnh: C.Nghĩa

Theo đó, Điều 30 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), do Bộ Lao động, thương binh và xã hội soạn thảo quy định, HSSV từ đủ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian nhưng không được quá 20 giờ/tuần (trong kỳ học) và không quá 48 giờ/tuần (trong kỳ nghỉ).

Ngăn chặn HSSV lạm dụng làm thêm

Ngoài điều khoản quy định về độ tuổi lao động, số giờ làm việc trong tuần, Điều 3 của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng nêu rõ, trong quá trình làm việc bán thời gian, HSSV phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động. Tiền công khi tham gia làm việc bán thời gian được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo thời gian thực tế làm việc, khối lượng và chất lượng công việc đã thực hiện.

HSSV tham gia làm việc bán thời gian được bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ về cơ hội việc làm, không bị phân biệt đối xử, đồng thời được bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Về chức năng và trách nhiệm quản lý HSSV trong quá trình tham gia làm việc bán thời gian được giao cho cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Theo các chuyên gia trên lĩnh vực lao động và việc làm, ở nhiều quốc gia thường có quy định về thời gian HSSV được làm thêm trong tuần, tuy nhiên quy định này thường chỉ áp dụng với sinh viên quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cảnh sai mục đích. Muốn đi làm thêm, HSSV phải có giấy phép lao động, được giám sát bằng một hệ thống theo dõi và các quy định rõ ràng. Chẳng hạn ở Singapore, nếu sinh viên nước ngoài vi phạm quy định làm thêm sẽ bị phạt nặng, thậm chí còn bị phạt tù, đồng thời bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn.

Còn tại Việt Nam, việc làm thêm giờ của HSSV vẫn chưa được quy định cụ thể và chặt chẽ. Thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng lao động thường là thỏa thuận miệng. Khi xảy ra tranh chấp thì bên thiệt thòi vẫn là HSSV tham gia làm thêm giờ. Chính vì vậy, quy định về quản lý làm thêm của HSSV sẽ là một giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người làm việc, đồng thời còn có tác dụng ngăn chặn HSSV lạm dụng quá mức việc làm thêm, ảnh hưởng đến kết quả học tập tại cơ sở giáo dục.

Tiến sĩ MAI HẢI CHÂU, Phó giám đốc Trường đại học Lâm nghiệp Phân hiệu Đồng Nai: Cần hành lang bảo vệ sinh viên khi đi làm thêm

Làm thêm là nhu cầu chính đáng của sinh viên, nhưng chính sinh viên phải biết phân phối thời gian sao cho hợp lý để không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Đối với nhà trường, việc quản lý sinh viên đi làm thêm bao nhiêu giờ/tuần là điều không dễ, vì phải có hệ thống theo dõi, phối hợp với chủ sử dụng lao động…

Cần phù hợp thực tế

Nhu cầu làm thêm giờ của HSSV là chính đáng, ngoài việc giải quyết được khó khăn về tài chính trang trải học phí và các khoản sinh hoạt, còn là môi trường giúp HSSV có cơ hội trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, xây dựng mối quan hệ xã hội, tăng cơ hội để tìm việc làm chính thức sau khi tốt nghiệp. Theo thống kê của hội sinh viên một trường đại học tại thành phố Biên Hòa, có tới 65% sinh viên ngoài việc học có tham gia làm thêm với thời gian trung bình 10-20 giờ/tuần.

Sinh viên Lê Quỳnh Trang, Khoa Sư phạm Toán của Trường đại học Đồng Nai cho hay: “Mỗi tuần, tôi đều đi làm gia sư cho học sinh tiểu học khoảng 7 buổi, chủ yếu vào buổi tối, trung bình khoảng 16-20 giờ/tuần. Tôi thậm chí còn có thể làm nhiều hơn số giờ trên nếu ở giai đoạn gia đình khó khăn, không thể chu cấp nhiều cho tôi. Thu nhập từ việc làm gia sư giúp tôi trang trải tiền mua tài liệu học tập, thuê nhà trọ và nhiều khoản sinh hoạt phí khác”.

Còn sinh viên Phạm Anh Dũng của Trường đại học Lâm nghiệp Phân hiệu Đồng Nai (huyện Trảng Bom) cho hay: “Thông qua Ngày hội Việc làm ở trường, tôi đã tìm được việc làm bán thời gian cho một công ty nội thất, công việc chính là tiếp thị sản phẩm và được hưởng thu nhập theo khả năng làm việc. Công việc bán thời gian đã cho tôi nhận thấy giữa lý thuyết ở trường và thực tế công việc cần phải bổ sung rất nhiều mới hoàn thiện được bản thân”.

Nhiều sinh viên cho rằng, quy định về thời gian được làm thêm trong tuần không quá 20 giờ chưa phù hợp với thực tế, bởi nhà hàng, quán cà phê… tuyển lao động làm thêm thường là 5-8 giờ/ca và phải làm liên tục trong tuần. Như vậy, tổng số giờ có thể vượt quá khá nhiều nhiều so với quy định 20 giờ/tuần.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202404/co-nen-khong-che-gio-lam-them-cua-hoc-sinh-sinh-vien-6cc4e0e/