Có nên cấm kinh doanh bảo vật quốc gia?

Bảo vật quốc gia là hiện vật hàm chứa giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật lớn đối với quốc gia. Bởi vậy, góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nhiều chuyên gia băn khoăn với việc cấm kinh doanh bảo vật quốc gia hay không?

Tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức

Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 40, dự thảo 5 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định: Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng thông qua mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước theo quy định của pháp luật và không được kinh doanh.

Khi chuyển quyền sở hữu bảo vật quốc gia, tổ chức, cá nhân sở hữu bảo vật quốc gia phải thông báo bằng văn bản tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi thường trú về chủ sở hữu mới.

Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Dân sự: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật” (Điều 158) và “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản” (Khoản 1, Điều 163).

Các chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) về cơ bản bảo đảm quyền sở hữu di sản văn hóa theo quy định của pháp luật về dân sự. Tuy nhiên, bảo vật quốc gia là một loại tài sản đặc thù, là hiện vật được lưu truyền, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học, đã trải qua một quá trình lựa chọn kỹ càng từ địa phương lên Trung ương và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận. Vì vậy, nếu đưa bảo vật quốc gia vào hoạt động kinh doanh (như hàng hóa thông thường) sẽ làm giảm giá trị đặc biệt của bảo vật quốc gia và mất đi ý nghĩa cao quý, vinh dự của một danh hiệu có tính biểu tượng về lịch sử, văn hóa, khoa học của đất nước.

Mặt khác, ngoài giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, bảo vật quốc gia có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với trước khi được công nhận. Do đó, nếu cho phép kinh doanh bảo vật quốc gia, sẽ dẫn tới nguy cơ bị lợi dụng việc đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho mục đích trục lợi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quy định như trên sẽ hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu tài sản.

Luật Di sản văn hóa hiện hành cho phép mua bán bảo vật quốc gia không thuộc sở hữu toàn dân. Phương án này có ưu điểm là không hạn chế quyền định đoạt của chủ sở hữu bảo vật quốc gia nhưng sẽ dẫn đến những nguy cơ khi đang phát sinh thị trường kinh doanh, đấu giá cổ vật, đồng thời còn khó khăn trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa…

Tại tọa đàm do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức ngày 14.3, PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nhấn mạnh: "Bảo vật, cổ vật, di vật là tài sản của dân tộc, là sở hữu của toàn dân. Do đó, phàm đã là bảo vật quốc gia thì không có kinh doanh dưới mọi hình thức". Theo PGS.TS. Tống Trung Tín, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân cũng không được kinh doanh. Khi các nhà sưu tập tư nhân làm hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cũng cam kết bảo vật này sẽ để lại cho đời sau, không kinh doanh. Có thể cho phép tư nhân sang nhượng, chuyển nhượng bảo vật quốc gia nhưng với điều kiện chuyển nhượng trong nước và do Nhà nước quản lý.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, e ngại việc quy định không được kinh doanh đụng chạm vào quyền sở hữu của tư nhân. Điều này cần xem xét kỹ, vì hiện nay tư nhân sở hữu số lượng hiện vật có giá trị ngang tầm bảo vật quốc gia không ít. Luật quy định không khéo sẽ hạn chế việc họ đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc chuyện lợi dụng, cố tình nâng giá trị hiện vật qua việc công nhận là bảo vật quốc gia.

Trước đó, GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam góp ý: nếu “đóng khung” tất cả bảo vật quốc gia, người sở hữu các bảo vật sẽ giấu kín, công chúng và du khách không được tiếp cận. Hiện nay, nhiều bảo vật quốc gia nằm trong bộ sưu tập tư nhân, nên chúng ta rất cần cân nhắc điều này.

Ông Nguyễn Tuấn Linh, Công ty LuậtBaker McKenzie Việt Nam, cũng“lấn cấn” về cụm từ "không được kinh doanh", vì khá trừu tượng. Thực tế, trong những ngành nghề được kinh doanh ở lĩnh vực di sản văn hóa có dịch vụ bảo tàng, nhiều bảo tàng trưng bày bảo vật quốc gia, có thu phí. Vậy thì hoạt động đó có được coi là kinh doanh hay không? Trong khi đó, Điều 78, dự thảo Luật lại cho phép kinh doanh dịch vụ bảo tàng. Vì thế, "cần nghiên cứu kỹ nội hàm" vấn đề này. Ông Nguyễn Tuấn Linh kiến nghị bổ sung cụm từ “mua bán không vì mục đích lợi nhuận” với bảo vật quốc gia, để loại trừ hoạt động vì mục đích lợi nhuận, thương mại.

Bên cạnh đó, ông Linh đề nghị tạo cơ chế đăng ký chủ sở hữu với bảo vật quốc gia, vì chỉ khi có đăng ký và cấp giấy chứng nhận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì quá trình mua bán, trao đổi, chuyển nhượng mới rõ ràng, cơ quan nhà nước mới nắm được thông tin chủ sở hữu của bảo vật quốc gia đó. Quy định này cũng sẽ giải quyết vấn đề khi chủ sở hữu tư nhân qua đời, người thừa kế có trách nhiệm đăng ký, thông báo với cơ quan có thẩm quyền để chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp, tránh tranh chấp, vì bảo vật quốc gia có giá trị cực kỳ lớn...

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/co-nen-cam-kinh-doanh-bao-vat-quoc-gia-i362986/