Có nên ăn bánh chưng bị mốc?

Nhiều gia đình có thói quen cắt bỏ phần mốc ở bánh chưng và sử dụng phần còn lại, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng điều này không tốt cho sức khỏe.

Bánh chưng bị mốc có ăn được không?

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Bánh chưng là thực phẩm có độ ẩm cao. Nguyên nhân là do bánh được gói trong lá dong và cần đem đi luộc, hấp chín. Ngoài ra, bánh chưng cũng chứa nhiều thịt heo, chất béo nên tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm mốc tấn công, kết hợp với thời tiết nóng ẩm ở nước ta thì bánh chưng lại càng dễ bị mốc.

Nhiều trường hợp do tiếc mà người ta vẫn ăn bánh chưng bị chua, ôi thiu và có nấm mốc, chảy nhớt dẫn đến đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.

Nhiều người cho rằng bánh chưng mốc lá, mốc phần góc thì chỉ cần cắt chỗ đó đi là vẫn có thể dùng phần còn lại bình thường. Tuy nhiên theo chuyên gia, đối với các loại thực phẩm có tính mao mạch thì khi một phần bị hỏng thì các mao mạch đã dẫn vi khuẩn lan sang các phần lành khác. Vì vậy dù cắt phần hỏng nhưng thực phẩm đã bị nhiễm nấm mốc hoàn toàn.

Do vậy, khi bánh chưng bị mốc lá hay mốc một góc thì không nên ăn. Độc tố aflatoxin do nấm mốc sinh có thể gây ngộ độc nếu không may ăn phải.

Thêm vào đó, một số loại vi khuẩn, nấm mốc dù đã chết vẫn tiết ra độc tố có thể gây ra ngộ độc cho ai ăn phải. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian, đối với những chiếc bánh chưng bị mốc nhiều, chua, đắng… thì bạn nên kiên quyết bỏ cả cái bánh. Còn đối với những chiếc bánh mới bị mốc chút ít bên ngoài, bạn có thể cắt lấy phần bánh còn nguyên, sau đó đem hấp hoặc rán lại.

Song, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, Long Châu khuyên bạn khi bánh chưng bị mốc lá, mốc một góc thì cũng không nên ăn mà hãy bỏ hoàn toàn. Nấm mốc có thể sinh ra độc tố aflatoxin, thậm chí dù bạn hấp hay chiên rán cho chúng chết thì chúng cũng có thể tiết ra những chất độc tố khác ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Cách bảo quản bánh chưng sau Tết?

Trong quá trình gói, để bánh chưng không bị mốc thì cần rửa sạch lá, gói chặt tay, rửa nước...

Còn sau Tết muốn bảo quản bánh chưng lâu hơn thì đây là gợi ý:

Bạn có thể treo bánh chưng ở nơi khô ráo, thoáng gió.

Để bánh vào ngăn mát tủ lạnh có thể sử dụng trong 15-20 ngày. Lâu hơn có thể để vào ngăn đá. Khi muốn ăn, nên đem bánh ra trước giã đông rồi hấp hoặc chiên lại.

Nên dùng dao sạch để cắt bánh, tránh tình trạng dao chất bẩn bám vào phần còn lại gây nấm mốc.

Bánh chưng được ép chân không đều để được lâu dù để bên ngoài hay bên trong tủ lạnh, bạn có thể đầu tư một chiếc máy cho gia đình (nếu có điều kiện, để bảo quản các thực phẩm khác).

Bằng Lăng (tổng hợp)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-nen-an-banh-chung-bi-moc.html