Có một 'Hà Nội thu nhỏ' ở phố Hàng Bột

'Phố Hàng Bột, chuyện 'tầm phào' mà nhớ' - cuốn sách của tác giả Hồ Công Thiết, do Cty CP Văn hóa Chi (Chibooks) liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành đã đưa độc giả khám phá những điều thú vị ở một con phố rất đặc trưng của Thủ đô. Nơi đó được ví như một Hà Nội thu nhỏ, với đầy những ký ức khó quên.

Cuốn sách “Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ” của tác giả Hồ Công Thiết

Cuốn sách “Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ” dày gần 200 trang, chia thành 3 phần: “Muôn gánh mưu sinh”, “Chuyện tầm phào của đám trẻ phố Hàng Bột”, “Lược sử phố Hàng Bột”. Tác giả kể: “Từ Cửa Nam thành Thăng Long, có con đường chạy qua Văn Miếu - Quốc Tử Giám về đến Ô Chợ Dừa. Đó là phố Hàng Bột, nay đổi tên là phố Tôn Đức Thắng... Hàng Bột là tên thôn hay còn gọi là Miến Thôn. Dân có nghề làm bột, bán khắp kinh thành…

Phố Hàng Bột hội tụ đủ những điều đặc biệt, những nét riêng, rất độc đáo trong hệ thống các phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” ở Hà Nội. Ở phố Hàng Bột có đủ các di tích lịch sử lâu đời của Kinh thành Thăng Long, có nhiều của ngon vật lạ đất Kinh kỳ và cũng có những ngành nghề đặc trưng của đất Kẻ Chợ”. Chính vì thế, tác giả đã coi con phố này “như một Hà Nội thu nhỏ trong lòng Hà Nội” với đầy những nét văn hóa đậm chất Hà Nội.

Nhưng, điều quan trọng nhất mà cuốn sách mang đến cho độc giả chính là những câu chuyện gần gũi, giản dị của con phố này mà người Hà Nội gọi là chuyện tầm phào. Mỗi câu chuyện như một đoạn đường đầy hoài niệm và ý nghĩa. Tác giả giúp độc giả khám phá những điều mới mẻ mà những ai chưa biết về Hà Nội hoặc đã biết sẽ càng nhớ về chúng hơn. Nào là chuyện tẩm quất, giặt là, cắt tóc, khắc bút, sửa xe, dán hộp giấy, đan len, vẽ truyền thần,…

Nào là những món ăn bình dị gợi nhớ hương vị của ẩm thực Hà Nội như lạc rang húng lìu, bia hơi, giò chả, bánh mì, cà phê, mì sợi, cháo gà, bánh cuốn, bún chả, phở, xôi, lươn, ốc luộc,… Rồi câu chuyện về những chuyến tàu điện leng keng, nhà tắm công cộng, những trận bóng đá, tham gia các trò chơi dân gian như pháo ném, đánh khăng, chơi bi, đánh đáo, pháo đất, nhảy dây, cá chọi, đá cầu,…Đọc hết những câu chuyện là độc giả đã đi hết phố Hàng Bột với đầy đủ những cung bậc cảm xúc” yêu thương, nhung nhớ,…

Cuốn sách nằm trong Tủ sách Văn hóa Việt Nam của Chibooks, gồm các tác phẩm viết về đặc trưng văn hóa của từng địa phương ở Việt Nam, nhằm giúp độc giả trong và ngoài nước hiểu sâu sắc cội nguồn dân tộc và thêm yêu từng nét văn hóa, con người, ẩm thực trên mỗi vùng miền đất nước. Trước đó, tủ sách đã có những cuốn được yêu mến như: “Vắt qua những ngàn mây” (Đỗ Quang Tuấn Hoàng), “Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ” và “Nha Trang mùa đẹp nhất” (Đào Thị Thanh Tuyền), “Bên sông Ô Lâu” và “Về Huế ăn cơm” (Phi Tân), đặc biệt là hai cuốn về Hà Nội “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời” (Vũ Thế Long), “Hà Nội những phố những người” (Nguyễn Việt Cường).

Tuy tác giả từng là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, hay lãnh đạo một Cty du lịch, nhưng điều công chúng nhớ đến ông nhiều hơn cả là những trang viết sâu sắc, thấm đẫm tình yêu Hà Nội. Ông cũng góp mặt trong nhiều tập sách giá trị như: “Kim Sơn - Điệp viên lãng tử”, “Tản mạn bóng đá Hà thành”, “Chuyện người Hà Nội” - tập 1, 2, 3 (đồng tác giả), “Thăng Long văn Việt” (đồng tác giả), “Chuyện làng quê” - tập 1 (đồng tác giả). Cuốn sách ra mắt khi tác giả Hồ Công Thiết vừa đi xa (ngày 22/1/2023). Đây cũng được coi là món quà ông tri ân, khắc ghi một Hà Nội dung dị, gần gũi trong trái tim mình, đồng thời là cầu nối lan tỏa một tình yêu Hà Nội tha thiết đến nhiều người.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-mot-ha-noi-thu-nho-o-pho-hang-bot-330368.html