Đất làng Duyên Thượng

Nằm bên hữu ngạn sông Mã, làng Duyên Thượng, xã Định Liên (huyện Yên Định) có lịch sử lập dựng từ khá sớm. Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, Duyên Thượng cũng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng với những con người sẵn sàng 'hy sinh' đến cả ban thờ tổ tiên để làm xe tải lương... Đi qua thời gian với sự phát triển của xã hội, về Duyên Thượng, vẫn có một không gian làng quê thuần Việt với mái đình, ao làng, giếng làng và cả những nền nếp văn hóa được coi trọng, gìn giữ.

Di tích lịch sử văn hóa đình làng Duyên Thượng bề thế là niềm tự hào của người dân trong làng.

Duyên Thượng xa xưa còn được biết đến với tên gọi Kẻ Dền, rồi làng Dền. Theo lưu truyền dân gian, do khi xưa làng có nghề dệt vải truyền thống nên còn có tên Dền Vải, sau đổi thành Dền Thượng. Về sau mới có tên Duyên Thượng.

Buổi ban đầu lập làng, Kẻ Dền nằm trên thế đất cao ráo mà bằng phẳng. Nếu so với các làng trong xã, Duyên Thượng được thiên nhiên ưu ái cho nhiều cánh đồng tốt tươi, thuận lợi cho việc trồng trọt, người dân có cuộc sống no đủ. Cũng ở Duyên Thượng, nhờ đất đai tốt tươi rất thích hợp cho việc trồng cây mía và mật mía làng Dền ngon nức tiếng. Cho đến nay, người làng Duyên Thượng vẫn lưu truyền câu ca: “Dưa Lê sánh với mật Dền/ Món ăn đặc sản, đừng quên nơi này” (dưa Lê được hiểu là dưa cải của làng Lê Xá (xã Yên Thái) ngon nổi tiếng; mật Dền tức mật mía làng Dền - làng Duyên Thượng).

Ở Duyên Thượng khi xưa, các ngõ làng đều được đặt tên với ý nghĩa riêng, mang nhiều sức gợi, như: Ngõ Đình, ngõ Giữa, ngõ Thủy, ngõ Giếng, ngõ Ải... Và để có một Duyên Thượng phát triển, họ Trịnh, Nguyễn, Lê, Lý, Phạm... được xem là những dòng họ đầu tiên đến đây sinh cơ lập nghiệp, lập nên xóm làng. Cho đến ngày nay, Duyên Thượng có đến 70 dòng họ và chi họ cùng nhau quần cư sinh sống, tạo nên một cộng đồng làng xã đoàn kết, vững mạnh.

Về thăm Duyên Thượng, khách phương xa dễ dàng cảm nhận được, bên ngoài những con đường lớn sầm uất - vẫn còn một không gian văn hóa làng quê đậm nét. Dẫn chúng tôi đi tham quan làng Duyên Thượng, ông Lê Đình Toán - trưởng làng hồ hởi giới thiệu về truyền thống lịch sử văn hóa của đất và người nơi đây.

Quản gia đô bác Trịnh Ra được tôn làm Thành hoàng. Đồng thời, Đức thánh lưỡng Trần Khát Chân và Phương Dung công chúa cũng được phối thờ tại đình làng Duyên Thượng.

Không chỉ nỗ lực mưu sinh, xây dựng cuộc sống ngày một khấm khá, những thế hệ người làng Duyên Thượng khi xưa đã chung tay tạo dựng nên những công trình văn hóa, tín ngưỡng tâm linh giàu giá trị. Là Văn chỉ - nơi đề cao sự học, thi cử, đỗ đạt; Võ chỉ - thờ các võ quan có công trạng với quê hương, đất nước; phủ; chùa; nghè... Đáng tiếc, do biến thiên thời gian và lịch sử, đến nay nhiều công trình kiến trúc của làng Duyên Thượng đã không còn, để lại niềm nuối tiếc trong tâm trí của nhiều bậc cao niên.

Dẫu vậy, có một điều may mắn, ở Duyên Thượng hiện vẫn còn lưu giữ được mái đình làng cổ kính mang dấu ấn kiến trúc cách đây gần 200 năm. Theo các tài liệu lưu giữ và truyền ngôn tại địa phương, đình làng Duyên Thượng được lập dựng từ rất sớm. Tuy nhiên buổi ban đầu do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn nên đình được dựng bởi tranh tre, nứa lá. Đến thời Nguyễn, sau một lần hỏa hoạn khiến đình bị thiêu cháy, người dân Duyên Thượng đã chung tay đóng góp dựng nên đình làng bề thế, quy mô.

Di tích tọa lạc giữa làng trên thế đất rộng, bằng phẳng. Đình có kiến trúc kiểu chữ “Đinh” với tiền đường và hậu cung - kiểu kiến trúc truyền thống. Nhà tiền đường của đình làng Duyên Thượng rộng lớn với nhiều gian kéo dài. Hàng hiên trước được chống đỡ bởi hệ thống 8 cột đá vững chãi, trên cột có khắc chữ. Bên trong đình là hệ thống cột gỗ (32 cột cái và cột quân). Không chỉ bề thế bởi quy mô, đình làng Duyên Thượng còn nổi bật bởi các mảng chạm khắc gỗ mềm mại mà tinh xảo, mang đậm dấu ấn thời Nguyễn.

Giới thiệu về việc thờ tự tại đình làng Duyên Thượng, ông Nguyễn Văn Đảm, bậc cao niên trông coi đình làng nhiều năm qua, cho biết: “Tại đình làng Duyên Thượng, Quản gia đô bác Trịnh Ra (hay Trịnh Gia) được tôn làm Thành hoàng. Cùng với đó, còn phối thờ nhiều nhân vật lịch sử khác nhau như Phương Dung công chúa. Tương truyền, bà là con gái vua Lý, trong lần đi thuyền dạo chơi trên sông Mã thì chẳng may gặp nạn, xác trôi vào làng, được người dân Kẻ Dền chôn cất cẩn thận, lập nghè thờ phụng. Khi nghè thờ không còn, việc thờ cúng con gái vua nhà Lý được đưa về đình làng. Bên cạnh, tại đình làng Duyên Thượng cũng thờ Đức thánh lưỡng Trần Khát Chân - vị dũng tướng cuối thời Trần”.

Người làng Duyên Thượng nhắc đến ông Trịnh Đình Bầm - người năm xưa đã “hy sinh” cả ban thờ gia tiên làm xe tải lương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ với niềm tự hào.

Đặc biệt, ngoài tên gọi Duyên Thượng, người dân địa phương còn gọi ngôi đình cổ là đình Cứu quốc. Theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi, trước Cách mạng Tháng Tám, tại đình làng Duyên Thượng đã diễn ra những buổi hội họp của hội Ái hữu. Trong kháng chiến chống Pháp, đình Duyên Thượng là nơi cứu chữa, chăm sóc cho thương binh; nơi tập trung kho lương thực; diễn ra các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cách mạng và khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người dân Duyên Thượng. Về sau, trong những năm tháng khó khăn của đất nước nói chung, đình làng Duyên Thượng lại trở thành nơi tổ chức lớp dạy học...

Khi xưa, hằng năm tại đình làng Duyên Thượng diễn ra nhiều kỳ lễ khác nhau. Trong đó, lễ hội Kỳ phúc diễn ra từ ngày 12 đến 15 tháng 3 (âm lịch) đặc sắc hơn cả. Trước ngày vào hội chính, người dân sẽ tổ chức bắt cá tại ao đình - bên cạnh đình làng Duyên Thượng. Vào ngày chính hội, làng tổ chức rước kiệu từ đình ra nghè, sau đó lại rước từ nghè về đình... Nếu phần lễ nghiêm cẩn thì phần hội lại sôi động, náo nhiệt với hát chèo; hát bội (hát tuồng); hát cải lương; thi bắn cung; kéo co; đi cầu phao trên ao đình... Sau một thời gian dài bị gián đoạn, ngày nay lễ hội kỳ phúc làng Duyên Thượng đang từng bước được khôi phục với nhiều nghi lễ và sinh hoạt văn hóa tươi vui, ý nghĩa - ông Lê Đình Toán, trưởng làng Duyên Thượng chia sẻ.

Duyên Thượng cũng là quê hương của cụ Trịnh Đình Bầm - người con xứ Thanh 70 năm về trước, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã xin phép gia tiên dỡ bàn thờ xuống làm bánh xe cút kít để đi tải lương phục vụ chiến dịch. Hành động của cụ Trịnh Đình Bầm đã khẳng định cho một tinh thần Việt Nam bất khuất “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” như lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu...

Đi qua thời gian, Duyên Thượng đang từng ngày đổi thay, phát triển. Dẫu vậy, thay đổi mà không “đánh mất” đi vẻ đẹp vốn có, vẫn giữ được “hồn làng” qua những di tích, công trình kiến trúc và cả lễ tục... Hãy về Duyên Thượng, thăm từng di tích, nghe những chuyện kể, để hiểu hơn về một làng quê tươi đẹp của xứ Thanh.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dat-lang-nbsp-duyen-thuong-30942.htm