Cơ hội tiếp cận nghệ thuật đương đại Việt Nam

Kết quả của dự án thứ 8 trong chương trình “Global Eye” (Con mắt toàn cầu) - “AIA Vietnam Eye” - vừa được công bố, gồm cuốn sách “Vietnam Eye: Nghệ thuật đương đại Việt Nam” và triển lãm tác phẩm của 19 nghệ sĩ tiêu biểu tại Casa Italia (18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội). Thông qua sự kiện này, giới trong nghề và những người quan tâm có cái nhìn rõ ràng hơn về nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Nghệ thuật đương đại

Việt Nam được hai nghệ sĩ khởi xướng chương trình “Global Eye” - David và Serenella Cicclitira đánh giá là một trong những thị trường mới mẻ và thú vị nhất của nghệ thuật toàn cầu. Cả hai đã có nhiều năm thực hiện các dự án tương tự tại Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hong Kong, Malaysia, Singapore với 24 triển lãm trên toàn thế giới và các cuốn sách mô tả về nghệ thuật đương đại ở những nơi này. Mục đích chính của chương trình là tìm kiếm, hỗ trợ các nghệ sĩ đương đại đang lên tại các thị trường nghệ thuật mới, đặc biệt là ở Châu Á.

Chương trình “Global Eye” (Con mắt toàn cầu) đưa tới cái nhìn rõ ràng hơn về nghệ thuật đương đại VN.

Tại Việt Nam, sau khi dự án được khởi động, có khoảng 180 hồ sơ được gửi đến. Giám tuyển của dự án là bà Serenella Ciclitira - nhà sáng lập Parallel Contemporary Art, ông Nigel Hurst - Giám đốc điều hành của Saatchi Gallery, ông Niru Ratnam - Giám đốc START, và nghệ sĩ Trần Lương - người tiên phong trong nghệ thuật đương đại Việt Nam. Họ đã chọn 56 nghệ sĩ tiêu biểu của nghệ thuật đương đại Việt Nam trong 10 năm qua. Theo đánh giá của các giám tuyển, nghệ thuật Việt Nam có một thế hệ nghệ sĩ mới, những người đã nỗ lực cân bằng các vấn đề văn hóa và xã hội trong tác phẩm của mình. Họ có sự hiểu biết về cả lịch sử nghệ thuật Việt Nam, biết cách hội nhập sâu rộng với nghệ thuật thế giới. Nghệ thuật đương đại Việt Nam phát triển song song với mỹ thuật thời kỳ đổi mới, có đầy đủ các hình thức nghệ thuật mới như tranh, ảnh, video art, sắp đặt, trình diễn...

Cuốn sách “Vietnam Eye: Nghệ thuật đương đại Việt Nam” được in màu toàn bộ, bằng tiếng Anh, dày khoảng hơn 300 trang, do Nhà Xuất bản SKIRA của Italia phát hành và phân phối trên toàn cầu. Mở đầu sách là 3-4 bài viết về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Mỗi nghệ sĩ được dành 4 trang, trong đó có nhiều đoạn chú thích về tác giả, tác phẩm và phong cách nghệ thuật.

Ngoài trọng tâm giới thiệu nghệ thuật đương đại Việt Nam đến với công chúng quốc tế, dự án này còn tạo cơ hội cho công chúng Việt Nam tiếp cận với nghệ thuật đương đại. Triển lãm "Vietnam Eye" giới thiệu tác phẩm của 19 nghệ sĩ đương đại tiêu biểu trong số những người có mặt trong cuốn sách, diễn ra từ nay đến hết ngày 13-1-2017 tại Casa Italia, mở cửa tự do cho công chúng Thủ đô và du khách. Các tác giả được giới thiệu gồm: Duy Phương, Hà Mạnh Thắng, Hoàng Dương Cầm, Lại Thị Diệu Hà, Le Brothers, Lê Phi Long, Lê Quý Tông, Lê Thúy, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Huy An, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Trí Mạnh, Nguyễn Văn Đủ, Phạm Trần Việt Nam, Trọng Gia Nguyễn, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Vũ Đức Trung. Mỗi tác giả được chọn trưng bày tác phẩm đặc trưng cho phong cách của mình. Ví dụ như Nguyễn Thế Sơn với mô hình nhà mặt tiền, Lại Thị Diệu Hà với những sắp đặt từ bóng bì (thực phẩm), Nguyễn Trí Mạnh trình diễn thị giác, Lê Thúy với kỹ thuật vẽ tranh lụa ứng dụng…

Theo nhà tổ chức, dự án còn có chuỗi triển lãm pop-up, diễn ra tại không gian Nest by AIA tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - những sự kiện có sự kết hợp giữa giới thiệu về một nghệ sĩ và tác phẩm của họ với hội thảo giáo dục trẻ em, gia đình. Triển lãm pop-up đầu tiên là về nghệ sĩ Hà Trí Hiếu và lớp học cảm thụ nghệ thuật dành cho trẻ em, mở cửa vào ngày 19-11 tại Nest by AIA (Vincom 191 Bà Triệu, Hà Nội).

"Đây là sự kiện khá toàn diện để người chưa biết vẫn có cái nhìn đầy đủ về nghệ thuật đương đại Việt Nam, đồng thời là tư liệu để soi chiếu trong lịch sử nghệ thuật nước nhà", giám tuyển Trần Lương cho biết.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/855381/co-hoi-tiep-can-nghe-thuat-duong-dai-viet-nam