Cơ hội lớn để Hà Nội vươn lên tầm vóc mới

Các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chính là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế về cơ chế để Hà Nội tăng tốc phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới.

Tạo lợi thế giúp Hà Nội phát triển

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013) đã mang lại những hiệu quả và tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Tuy nhiên, đến nay Luật Thủ đô 2012 đã không theo kịp sự phát triển của Thủ đô.

Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 27/5/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh, việc sửa Luật Thủ đô là cơ hội rất lớn để tạo lợi thế giúp Hà Nội phát triển, vươn lên tầm mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và thế giới.

Một góc thành phố Hà Nội. Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

“Luật Thủ đô (sửa đổi) phải được đặt trong tổng thể của hệ thống pháp luật. Việc quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô là rất cần thiết và có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, một lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với quy định của Hiến pháp và chủ trương của Đảng; xử lý tốt mối quan hệ giữa việc áp dụng Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành sẽ được Quốc hội ban hành sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

Lưu ý Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những đô thị đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định các vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt, đồng thời thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô. Dự thảo Luật phải giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay; trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng...

Dự thảo Luật phải cụ thể hóa được 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội quyết định khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

“Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền. Vì vậy, các quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cơ hội để Thủ đô Hà Nội phát triển ở mức cao hơn

Với Luật Thủ đô (sửa đổi) nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng, đây sẽ là “cơ hội vàng”, tiền đề để Thủ đô tháo gỡ những “điểm nghẽn”, định vị lại không gian, mục tiêu, quan điểm phát triển, kiến tạo Thủ đô trong tương lai.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, mà Thủ đô phải là nơi hội tụ của cả quốc gia, là hình ảnh đại diện, là hình mẫu quốc gia. Như vậy, Thủ đô không thể như một địa phương, một tỉnh hay một Thành phố. Vì vậy, cần phải có những cơ chế quản lý, đầu tư khác biệt so với các địa phương khác.

Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, chúng ta đã có Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế cho thấy pháp luật về Thủ đô thời gian qua vẫn chưa đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước.

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo TP Hà Nội đến nay đã có sự chuyển mình rõ rệt với nhiều công trình, tòa nhà, khu đô thị mọc lên ( Ảnh: NLĐ)

Từ đó, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải đặt ra một cơ chế thực sự đặc thù, tạo ra được khuôn khổ pháp lý mang tính bao trùm so với các luật hiện hành khi áp dụng riêng cho Thủ đô. Tinh thần bao trùm đòi hỏi Thủ đô phải được phát triển ở mức cao hơn, tiêu chuẩn phát triển cao so với các thành phố khác.

Đồng thời cũng phải có cơ chế để đầu tư, ưu đãi nhiều hơn. Đặc biệt, phải có một cơ chế để khai thác những tiềm năng vốn có của Thủ đô để vừa tạo ra nguồn lực phát triển, vừa thu hút được nguồn lực từ bên ngoài. Nếu đạt được các yêu cầu như vậy, chắc chắn Luật Thủ đô (sửa đổi) chính là một công cụ pháp lý để tạo hành lang phát triển, đồng thời cũng tạo ra một công cụ để thu hút các nguồn lực kinh tế.

Còn theo Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), Luật Thủ đô được ban hành năm 2012 đã tạo bước đột phá để Thủ đô Hà Nội tiến lên một bước mới. Đặc biệt, vị thế, tầm vóc của Thủ đô càng được nâng cao sau mở rộng địa giới hành chính năm 2008. Tuy nhiên, sau 10 năm đi vào cuộc sống, việc thực thi Luật Thủ đô 2012 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế, đòi hỏi phải sớm sửa đổi Luật phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định cơ chế thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Việc thu hút và “giữ chân” nhân tài cần hướng đến không chỉ người ở trong nước mà còn cả người ở nước ngoài, không chỉ những người gốc Hà Nội mà còn từ các tỉnh, thành phố và kiều bào muốn đến Hà Nội sinh sống và làm việc.

Do đó, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù tương đối cho mọi đối tượng, để tất cả đến với Hà Nội đều cảm nhận được một chính quyền đô thị nhân văn, có tinh thần cầu thị, thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ hoạt động, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần không chỉ cho họ mà còn cho gia đình họ.

“Tôi tin rằng, Thành phố sẽ có những chế độ đãi ngộ rõ ràng, cụ thể để phù hợp với thực tiễn và quỹ ngân sách của mình. Quan trọng, cốt lõi nhất là những chính sách này phải mang tính đãi ngộ vượt trội, hơn hẳn những nơi khác để người giỏi, người tài phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng Thủ đô phát triển” - Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nói về kỳ vọng đối với Luật Thủ đô (sửa đổi), theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, sau khi Luật Thủ đô sửa đổi được Quốc hội bấm nút thông qua, Hà Nội sẽ có đủ cơ chế mang tính đặc thù để có thể bứt phá. “Tức là có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm nhưng phải cho nhiều quyền hơn để những người đứng đầu của Thành phố Hà Nội, các đồng chí có quyền quyết những việc liên quan đến Hà Nội với những điều kiện đặc thù thì mới bứt phá được. Muốn thế nên có những điều khoản cụ thể hơn trong chuyện trao trách nhiệm, trao quyền.

Tôi hy vọng Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Luật Thủ đô với những cơ chế đặc thù rất vĩ mô nhưng lại rất chi tiết để Luật Thủ đô khi thi hành mới khả thi, qua đó sẽ xây dựng Thủ đô trở thành Thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại theo đúng như Nghị quyết 15 cũng như 30 của Bộ Chính trị...”.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-hoi-lon-de-ha-noi-vuon-len-tam-voc-moi-post282047.html