Cơ hội để CNTT Nghệ An “cất cánh”

ICTnews - Với “nội lực” hiện có trong lĩnh vực CNTT-TT, mục tiêu trở thành trung tâm CNTT-TT của khu vực Bắc Trung Bộ mà tỉnh Nghệ An đang đặt ra sẽ không còn quá xa…

Theo ông Hồ Đức Phớc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, những năm gần đây lĩnh vực CNTT-TT trên địa bàn tỉnh đã đạt được những bước chuyển mình mạnh mẽ. Thời gian qua, Nghệ An đã thu hút được nhiều nhà đầu tư về CNTT-TT lớn cả trong và ngoài nước, hiện đã có hơn 200 doanh nghiệp CNTT-TT với quy mô và doanh thu ngày càng tăng, trong đó có sự tham gia sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, công ty VTC… Ông Phớc cho biết thêm, các tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư xây dựng và tạo một hạ tầng kỹ thuật CNTT-TT cơ bản trên địa bàn với hệ thống đường trục cáp quang quốc gia, với điểm cập bờ của hệ thống cáp quang biển, hệ thống các trạm BTS, ... Bên cạnh đó hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không, cảng biển đang từng bước đổi mới tạo thuận lợi trong giao lưu trong nước và quốc tế. Đầu tư của các doanh nghiệp cho phát triển hạ tầng CNTT-TT lớn qua 4 năm (2005-2009) vào khoảng 1.500 tỷ đồng. Và thực tế 5 năm gần đây cho thấy, doanh thu trung bình của ngành CNTT tăng 29%/năm, riêng năm 2009 với sự tham gia của VTC Online trong lĩnh vực sản xuất dịch vụ phần mềm và nội dung số đã giúp doanh thu toàn ngành tăng đột biến 164% so với năm 2008, đưa tổng doanh thu toàn ngành đạt 2.900 tỷ đồng. “Dự kiến năm 2010, doanh thu ngành ước đạt 4000 tỷ đồng”, ông Hồ Đức Phớc nhận định. Trong thời gian qua công ty VTC Online thuộc Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC đã khởi công công viên phần mềm VTC với tổng mức kinh phí 83 triệu USD, tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt Quy hoạch Nghean IT Park với diện tích 10ha và hiện đang lập quy hoạch Khu công nghệ cao trong Khu kinh tế Đông Nam với diện tích dự kiến sử dụng là 500 ha. Đáng chú ý, tốc độ phát triển hạ tầng CNTT- TT tăng nhanh với thuê bao điện thoại tăng 47%/năm (đạt 46 thuê bao/100 dân), Internet là 260%/ năm (19 thuê bao/100 dân), toàn tỉnh có trên 3000km cáp quang phủ đến 100% trung tâm huyện, và 410/479 xã, phường, thị trấn; dịch vụ CNTT-TT ngày càng phát triển, trong đó dịch vụ Hội nghị truyền hình trực tuyến, dịch vụ truyền dẫn cho các cuộc truyền hình trực tiếp qua mạng cáp quang được thực hiện trên hầu hết các địa bàn của tỉnh với tần suất cao (trên 300 cuộc/năm 2010). Cùng đó, việc ứng dụng CNTT phát triển khá nhanh. Hiện 100% cơ quan nhà nước sử dụng phần mềm tác nghiệp, quản lý hồ sơ công việc và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ thường xuyên có gần 5000 người sử dụng, hệ thống giao ban điện tử trực tuyến liên thông 22/20 huyện, thành, thị với Tỉnh ủy và UBND tỉnh hoạt động hiệu quả. Trang thông tin điện tử của tỉnh đã kịp thời cung cấp tới lãnh đạo và nhân dân thông tin về mọi mặt tỉnh (tính đến nay đã có gần 11 triệu lượt truy cập, trang thông tin cũng cung cấp 181 dịch vụ công cấp 1; 62 dịch vụ công cấp 2; 5 dịch vụ công cấp 3) xếp thứ 13/54 trong số trang thông tin của các tỉnh… Về đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT, riêng Nghệ An đã có 4 trường đại học giảng dạy chuyên ngành CNTT-TT, hàng năm đào tạo khoảng 2.500 kỹ sư, cử nhân tin học. Ngoài ra, đó còn là hệ thống 9 trường cao đẳng, 70 cơ sở, trung tâm dạy nghề đều có ngành đào tạo về tin học… Với đội ngũ nhân lực CNTT đạt trình độ kỹ thuật cao, hầu hết các dự án CNTT-TT trên địa bàn thời gian qua đều do các doanh nghiệp của tỉnh đảm nhận và hoàn thành tốt. Mặc dù có nhiều tiềm năng, tuy nhiên theo nhận định của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đến nay tỉnh vẫn chưa được biết đến là một địa phương có sự phát triển mạnh về công nghiệp CNTT, nhất là nền công nghiệp CNTT có hàm lượng trí tuệ cao, đồng thời còn có dấu hiệu giảm dần vị thế trong chất lượng đào tạo nguồn nhân lực… Chính vì vậy, để mục tiêu phấn đấu đưa Nghệ An trở thành trung tâm CNTT-TT của khu vực Bắc Trung Bộ thành hiện thực, tỉnh Nghệ An sẽ phải tập trung tối đa mọi nguồn lực cho sự phát triển. Theo nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam” lần thứ XIV diễn ra tại Nghệ An cuối tháng 8/2010, thì sự phát triển của tỉnh với hàng loạt khu kinh tế như Khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng, các vùng kinh tế Nam Thanh Bắc Nghệ, Nam Nghệ Bắc Hà… chính là những thị trường tiềm năng có nhu cầu lớn cho các dịch vụ CNTT-TT của cả khu vực Bắc Trung Bộ, mà trong đó thành phố Vinh của Nghệ An là trung tâm của các dịch vụ tổng hợp cho phát triển, có thể tạo thị trường lớn trong quản lý sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Để giải được bài toán cho sự phát triển, bên cạnh việc hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp đối với sự phát triển mới, trong giai đoạn trước mắt tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp CNTT-TT tại thành phố Vinh, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp CNTT tập trung trong các Khu công viên Phần mềm VTC, khu Công viên CNTT Nghệ An, khu Công nghệ cao thuộc khu kinh tế Đông Nam của tỉnh... Nghệ An sẽ tăng cường thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, các tập đoàn kinh tế lớn, đẩy mạnh phát triển hạ tầng băng rộng theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT của cả hệ thống chính trị và hệ thống sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tập trung xây dựng một số dự án đầu tư lớn về CNTT có sức lan tỏa trong khu vực. “Bên cạnh việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về công tác tại tỉnh, Nghệ An sẽ xây dựng thành phố Vinh trở thành nơi tập trung đào tạo nguồn nhân lực để tạo điều kiện đào tạo con em Nghệ An và khu vực có đủ trình độ, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho các dự án công nghệ cao của tỉnh, khu vực cũng như trong cả nước”, ông Hồ Đức Phớc cho biết.

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/Home/ho-so/Co-hoi-de-CNTT-Nghe-An-cat-canh/2010/10/2VCMS3132220/View.htm