Cơ hội cho nông sản Việt Nam vào thị trường EU

Ngày 3-11, ông Phin Hô-gân, Cao ủy phụ trách Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của châu Âu (EU) dẫn đầu 42 doanh nghiệp thuộc khối EU đã đến Hà Nội tham dự hội thảo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: An toàn thực phẩm và cơ hội tiếp cận thị trường cho nông sản.

Tại sự kiện này, người đứng đầu lĩnh vực nông nghiệp EU nhận định: “Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) vừa mới hoàn thành đàm phán đem lại những cơ hội to lớn cho cả nhà sản xuất Việt Nam và châu Âu trong việc tìm kiếm những thị trường đang tăng trưởng dành cho nông sản chất lượng cao của cả hai bên”.

Trên thực tế, những năm qua, hàng hóa xuất khẩu nói chung và hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU khá ổn định. Năm 2015, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đạt hơn 38,4 tỷ ơ-rô, trong đó Việt Nam xuất sang EU 29,9 tỷ ơ-rô và nhập khẩu hơn 8,4 tỷ ơ-rô. Hiện Việt Nam đứng thứ 21 trong danh sách các đối tác thương mại của EU, và ngược lại EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Vì vậy, nếu EVFTA được ký kết sẽ mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi 90% số mặt hàng chiến lược, như cà-phê, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ… vào thị trường này được hưởng mức thuế suất 0%.

Tuy nhiên, không khó để nhận ra những khó khăn lớn mà nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt khi vào EU. Bởi tỷ trọng hàng nông sản - thực phẩm xuất khẩu và chiếm được chỗ đứng tại thị trường EU không lớn dù những năm qua lĩnh vực này luôn tăng trưởng cao. Cụ thể, năm 2015, nông sản - thực phẩm xuất khẩu sang thị trường này mới đạt khoảng 2,5 tỷ ơ-rô, chỉ bằng một phần mười tổng kim ngạch nông sản xuất khẩu.

Một khó khăn khác là những rào cản phi thuế quan như nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm do thị trường EU đặt ra rất cao, trong khi một số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả, thủy sản vẫn vấp phải những hạn chế do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; các sản phẩm gỗ phải đáp ứng sự minh bạch về nguồn gốc...

Hơn nữa, khi tham gia EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho một số hàng nông sản nhập khẩu. Khi đó, với những lợi thế về chất lượng và sự phong phú các sản phẩm, áp lực từ hàng nông sản của EU sẽ buộc các ngành hàng của chúng ta phải tái cơ cấu, tự nâng cao chất lượng để cạnh tranh một cách sòng phẳng, nếu không muốn tự loại mình ngay trên “sân nhà”.

Để khẳng định vị thế và gia tăng tốc độ tăng trưởng của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế nói chung và EU nói riêng, ngành nông nghiệp đã đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu sản xuất, với những thay đổi về bản chất từ canh tác, đến sản xuất, chế biến, nhằm tạo ra những sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao, đáp ứng được những thị trường khắt khe, khó tính như EU. Bên cạnh đó, cần tranh thủ sự phối hợp của các cơ quan chức năng, như Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương… để có những thông tin kịp thời về thị trường, chính sách xúc tiến thương mại của các đối tác nhập khẩu, góp phần giúp hàng nông sản Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31192302-co-hoi-cho-nong-san-viet-nam-vao-thi-truong-eu.html