Cô giáo giàu nghị lực

Số phận không may mắn đã lấy đi sức mạnh đôi chân của cô giáo Lưu Thị Dung, giáo viên môn Tin học Trường tiểu học và THCS An Hòa (Tam Dương), nhưng đã “bù lại” cho cô ý chí và nghị lực sống mạnh mẽ. Cô Dung đã vượt lên chính mình để theo đuổi ước mơ trở thành một nhà giáo.

Cô giáo Lưu Thị Dung luôn là tấm gương sáng về nỗ lực vượt lên số phận cho học sinh và đồng nghiệp

Cô giáo Dung để lại thiện cảm cho mọi người với đôi mắt đen láy trìu mến, nụ cười hiền từ. Không được may mắn như bao người khác, khi mới 9 tháng tuổi, cơn sốt bại liệt khiến cô Dung bị teo cơ chân, co quắp, không thể tự đi, đứng.

Bố mẹ đã đưa cô đi chữa trị khắp nơi, hằng mong con gái sẽ khỏi bệnh và đi lại được như bao đứa trẻ khác. Nhưng rồi, mọi hy vọng đều dập tắt, kết quả điều trị đều đi vào ngõ cụt, Dung phải làm quen với đôi nạng gỗ như một phần của cuộc sống. Cũng nhờ sự động viên, chăm sóc của cha mẹ, thầy cô cùng bạn bè nên Dung dần dần bớt mặc cảm, cố gắng vươn lên, quyết tâm học tập.

Khi còn nhỏ, cô Dung đã ước mơ sau này sẽ trở thành cô giáo. Với khao khát theo đuổi ước mơ, 12 năm liền cô là học sinh giỏi toàn diện. Năm 2008 cô trúng tuyển vào Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông. Suốt 5 năm học đại học, năm nào cô cũng đạt sinh viên giỏi và được nhận học bổng của nhà trường.

Năm 2013, dù cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp đại học xuất sắc, nhưng quá trình xin việc của cô Dung gặp rất nhiều trở ngại, vì khiếm khuyết cơ thể, nhiều nhà tuyển dụng e ngại từ chối cô. Cô đã làm đủ mọi nghề trước khi trở thành một cô giáo như hiện nay.

Cái duyên với nghề giáo của cô Dung đã đến, năm 2014, tỉnh tổ chức thi tuyển giáo viên Tin học toàn tỉnh. Với chứng chỉ sư phạm trong tay Dung đã tham gia thi tuyển. Vượt qua hơn 200 người, cô đã chính thức được đứng trên bục giảng như niềm ao ước bấy lâu nay. Đó là niềm vui, thành quả lớn nhất mà cô Dung đã phải đổ biết bao mồ hôi và nước mắt để đạt được.

Cô chính thức trở thành giáo viên môn Tin học Trường tiểu học Bá Hiến A (Bình Xuyên). Tuy nhiên, cuộc sống xa nhà vốn đã không dễ dàng, đối với một người như cô lại càng khó khăn hơn. Đến năm 2017, Dung được chuyển về công tác gần nhà, tại Trường tiểu học và THCS An Hòa. Cô yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người của quê hương.

Được đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học sinh, được thừa nhận và khẳng định năng lực bản thân với cô giáo Dung chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Dù trước đó, người dân quê cô vốn đã quen với câu chuyện cô gái Lưu Thị Dung nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập, nhưng rồi chuyện chấp nhận để cô làm cô giáo dạy học cho con em họ lại là chuyện khác. Từ khiếm khuyết cơ thể, một số ít phụ huynh định kiến, nghi ngờ, không tin tưởng vào trình độ, năng lực của cô giáo khuyết tật.

Gần 10 năm đứng trên bục giảng là từng ấy thời gian cô Dung say mê với công việc và chứng minh năng lực của mình. Chia sẻ về phương pháp dạy học, cô Dung cho biết:

“Ở địa phương mình, các em ít có điều kiện tiếp cận với máy vi tính, vì vậy, mình sẽ phân nhóm học sinh để có cách truyền đạt khác nhau, giúp các em dễ nắm bắt và hiểu bài hơn. Bên cạnh đó, mình thường xuyên tìm đọc tài liệu, học hỏi, trao đổi với đồng nghiệp để tìm ra phương pháp dạy học mới, tạo không khí vui vẻ thoải mái trong giờ học nhằm thu hút học sinh".

Năm học 2021-2022, hưởng ứng cuộc thi "Xây dựng thiết bị dạy học số" của Bộ GDĐT, Trường tiểu học và THCS An Hòa là trường có thành tích cao nhất huyện Tam Dương với 6 sản phẩm dự thi đạt kết quả cao, trong đó, có 2 sản phẩm của cô Dung đạt giải Nhì và giải Ba.

Nhận xét về cô Dung, cô giáo Phạm Thị Minh Quế, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Cô giáo Lưu Thị Dung là tấm gương sáng đối với nhiều thế hệ học sinh. Nỗ lực vượt lên số phận của cô Dung đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng trong nhà trường. Với sự tận tụy, lòng yêu nghề, vững vàng chuyên môn, cô giáo Dung đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc được ghi nhận”.

Bài, ảnh: Trường Khanh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/82608/co-giao-giau-nghi-luc.html