Cô gái Việt đi 22 quốc gia ở tuổi 22 và sự thật về lời đồn con gái đại gia

Lý Phương Thanh đặt chân tới 22 quốc gia ở tuổi 22. Khi chia sẻ về hành trình của mình, nhiều người cho rằng, Thanh là 'con gái đại gia', 'sinh ra trong gia đình giàu có'...

Thụy Sĩ mùa hè qua ống kính của Phương Thanh

Lý Phương Thanh (quê Long An, sinh viên năm cuối ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM) đã hoàn thành mục tiêu đặt chân tới quốc gia thứ 22 ở tuổi 22. Và điều đặc biệt, 20/22 quốc gia được Thanh tới du lịch, khám phá chỉ trong chưa đầy một năm - khoảng thời gian cô tham gia các chương trình trao đổi sinh viên tại châu Âu.

Khi trở về Việt Nam vào đầu tháng 7, Phương Thanh đã có bài viết chia sẻ về hành trình khám phá 22 quốc gia (bao gồm cả Việt Nam) của mình. Bên cạnh những lời chúc mừng, động viên tích cực, không ít cư dân mạng cho rằng Thanh là “con đại gia, bố làm to”.

“Rất nhiều người thắc mắc về nguồn kinh phí để mình đi 20/22 quốc gia trong vòng một năm. Sự thực, mình không phải con đại gia, không có bố mẹ giàu có, làm giám đốc… như mọi người bình luận. Mình đi du lịch bằng số tiền học bổng tiết kiệm được và thu nhập từ một vài công việc nho nhỏ. Mình chủ yếu sử dụng phương tiện công cộng, cố gắng tiết kiệm chi phí nhất có thể”, Phương Thanh chia sẻ với báo VietNamNet.

Lý Phương Thanh đã tới 20 quốc gia trong chưa đầy một năm

4 năm săn học bổng để tìm cơ hội ra nước ngoài du lịch

Phương Thanh vốn là cô gái mê du lịch. Trước đây, cô thường lái xe máy, rong ruổi qua nhiều tỉnh thành như Lâm Đồng, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), hồ Trị An (Đồng Nai), hồ Dầu Tiếng (Bình Dương)... Thanh cũng một mình ra thăm Hà Nội, Hà Giang, Ninh Bình, Hạ Long (Quảng Ninh). "Ba lần mình ra Hà Nội đều được tài trợ toàn phần (vé máy bay, ăn ở, di chuyển) do tham gia các cuộc thi. Mình thường tranh thủ lúc rảnh rỗi để du lịch địa điểm gần đó", Thanh bật mí.

Năm 18 tuổi, Thanh kỉ niệm cột mốc vào đại học bằng chuyến ghé thăm Phnom Penh, thủ đô Campuchia. Chuyến “xuất ngoại” đầu đời của Thanh không tốn quá nhiều chi phí, thủ tục đơn giản nhưng mang tới cho Thanh nhiều điều bất ngờ về văn hóa, con người, thôi thúc cô khám phá thế giới.

“Với tài chính có hạn, mình khó có điều kiện xin visa du lịch quốc tế, nhất là các quốc gia châu Âu. Để chạm tay tới ước mơ, mình tìm kiếm cơ hội từ những suất học bổng trao đổi sinh viên”, Thanh tiết lộ.

Năm 2021, nữ sinh ngành Quản trị Kinh doanh nộp hồ sơ và nhận được bốn học bổng toàn phần, gồm Ernst Mach Grant của cơ quan trao đổi hàn lâm Áo OeAD, thuộc Bộ Khoa học, Nghiên cứu và Kinh tế Liên bang Cộng hòa Áo; SEED - học bổng chính phủ Canada; Erasmus+ Liên minh 4 trường đại học Tây Ban Nha (A4U) và chương trình về biến đổi khí hậu Youth4Climate: Driving Ambition do chính phủ Italy tài trợ. Tháng 9/2021, Thanh bắt đầu hành trình vừa học vừa khám phá thế giới của mình.

Phương Thanh tại chương trình Youth4Climate

Thành phố đầu tiên Thanh đặt chân tới là Milan - kinh đô thời trang của nước Ý. Thanh tới đây với vai trò là đại diện Việt Nam ở Youth4Climate. Chương trình diễn ra với lịch trình dày đặc nên cô không có nhiều thời gian khám phá thành phố này.

“Ngày cuối cùng ở Milan, mình có một vài tiếng đi tham quan thành phố. Thời điểm ấy là cuối hạ, đầu thu ở châu Âu. Mình ghé tới nhà thờ con nhím (Giáo đường Duomo), thong dong ngắm các con phố cổ,... Mình bất ngờ khi ở đây, hoàng hôn diễn ra vào lúc 19h-20h tối, hoàn toàn khác biệt so với Việt Nam. Chính điều đó làm mình muốn khám phá nhiều hơn những đặc điểm thiên nhiên ở châu lục này”, Phương Thanh chia sẻ.

Chương trình ở Ý kết thúc, Thanh sang Áo tham gia trao đổi sinh viên tại MCI Management Center Innsbruck, sau đó đến Tây Ban Nha để kịp kỳ học ở Đại học tự trị Madrid vào đầu tháng 2.

Vẻ hạnh phúc của cô gái khi lần đầu thấy tuyết rơi ở Áo

Với Visa của một du học sinh nhận học bổng, Thanh có thể đi lại tự do trong khối Schengen và một số quốc gia khác. Chính lợi thế này đã khiến cô gái lên kế hoạch vừa học vừa du lịch.

“Tại Áo, mình học theo dạng “cuốn chiếu” tín chỉ. Thông thường, mỗi môn sẽ học tập trung trong một vài ngày sau đó là thời gian tự nghiên cứu. Mình tranh thủ những ngày nghỉ đi lang thang khám phá vùng quê, đồi núi thiên nhiên ở bang mình sống”, Phương Thanh cho biết.

“Khoảng nửa tháng sau, khi đã quen với cuộc sống, nhịp độ học tập, mình có chuyến du lịch đầu tiên tới Interlaken, Zurich, Lugern, Lucern, Liechtenstein (Thụy Sĩ) trong 6 ngày, ghé thăm những địa điểm xuất hiện trong bộ phim đình đám Hạ cánh nơi anh. Khung cảnh thiên nhiên Thụy Sĩ mùa thu khiến mình mê mẩn, khao khát trở lại”, Thanh nói.

Cô gái quê Long An mê mẩn khung cảnh thiên nhiên ở Thụy Sĩ

Tiếp sau đó, Thanh lại tận dụng khoảng thời gian nghỉ giữa các môn học để ghé thăm Áo, Đức, CH Czech, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp… Quốc gia thứ 22 Phương Thanh đặt chân tới là Monaco. Quá yêu thiên nhiên Thụy Sĩ nên Thanh cũng ghé lại đây vào đầu mùa hè để trải nghiệm.

"Mình cảm thấy so với Việt Nam, các học phần mình học tại Áo hay Tây Ban Nha ít áp lực hơn. Khoản học bổng của mình nhận được tại Áo khá cao nên ngoài dành cho việc học, ăn ở, mình tiết kiệm để chi trả cho các chuyến đi”, Phương Thanh tiết lộ. “Khi chi tiêu vượt hạn mức, mình thậm chí thanh lý đồ của bản thân để bù vào”, cô gái 22 tuổi thẳng thắn chia sẻ.

Thanh tới Ý kỉ niệm sinh nhật 22 tuổi

Kinh nghiệm đi du lịch một mình ở châu Âu

Trước mỗi chuyến đi, Thanh thường dành thời gian đọc kĩ các bài giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm du lịch. Cô cẩn thận lên danh sách điểm đến, lịch trình di chuyển.

Với các chuyến đi gần, Phương Thanh chủ yếu sử dụng phương tiện công cộng để tiết kiệm chi phí. Với các chuyến đi máy bay, cô đặt vé trước từ 1-2 tháng và ưu tiên chọn các hãng hàng không có chính sách hỗ trợ thêm cho sinh viên như giảm giá vé, cho thêm kg hành lý, miễn phí Wi-Fi…

Theo Thanh, việc di chuyển giữa các quốc gia châu Âu khá rẻ, đôi khi còn rẻ hơn ở Việt Nam. Nếu đi bằng tàu hỏa, du khách có thể mua vé tháng. Mỗi tháng bạn chỉ cần trả một khoản nhất định nhưng không bị giới hạn số chuyến, đi càng nhiều càng có lợi.

Về lưu trú, cô thường chọn ở phòng dorm (phòng tập thể) cho nữ ở các hostel. Mức giá cho một đêm dao động 10-15 euro/người (230.000-355.000). Thỉnh thoảng, Thanh đăng kí ở tại các farmstay. Tại đây, du khách sẽ phụ chủ nhà một số công việc và được ăn, ở miễn phí.

“Mình khá thích trải nghiệm này vì có cơ hội tận hưởng cuộc sống người bản địa đúng nghĩa, tìm hiểu văn hóa, tham gia các hoạt động mà không phải du khách nào cũng được trải nghiệm như hái nho, ăn olive sống, đi cano cùng gia đình chủ nhà…”, Thanh chia sẻ.

Khung cảnh thơ mộng nhìn từ một căn phòng Thanh từng lưu trú

Thanh rất e ngại khi tới các thành phố nhiều người nhập cư vì có nguy cơ trộm cướp, móc túi cao.

Tháng 3/2022, cô tới Barcelona (Tây Ban Nha) du lịch. Tại đây, khi đang qua trạm tàu điện ngầm, chuẩn bị quẹt vé để vào cổng an ninh, một người đứng trước Thanh “nhiệt tình” chỉ cô cách quẹt thẻ. “Hóa ra, đây là cách đánh lạc hướng mình, giúp kẻ phía sau móc túi lấy điện thoại. Thật may khi kẻ gian chỉ kịp nhấc điện thoại ra khỏi túi được vài cm thì mình phát hiện ra nên chúng đành bỏ lại", cô kể.

Vì sự việc được phát hiện kịp nên Phương Thanh không mất đồ. Do đã muộn, cô cũng không có ý định trình báo công an. Tuy nhiên, khi chỉ đi được vài bước, một vài người tiến tới, chặn đường Thanh. Họ trao đổi với cô bằng tiếng Tây Ban Nha, tự giới thiệu và cảnh sát tuần tra. Do thấy cảnh sát mặc thường phục nên cô còn nhầm tưởng đây là "đồng bọn" của kẻ gian cố tình dàn cảnh để trộm cướp thêm. Khi đó, Thanh bắt đầu thấy sợ hãi.

Nhưng sau đó, biết khu vực này có nhiều camera an ninh, cô lấy lại bình tĩnh và hỏi bằng tiếng Anh xem chuyện gì xảy ra. Không thông thạo tiếng Anh nhưng cảnh sát vẫn cố gắng trình bày cho Thanh hiểu và cho cô xem thẻ ngành.

Theo giải thích từ nhóm cảnh sát, họ quan sát thấy hai tên kẻ gian định ăn trộm đồ và muốn Thanh ký vào biên bản để buộc tội. Sau khi Thanh ký vào các biên bản, cô được cảnh sát thông báo sẽ nhận tài liệu về phiên tòa xét xử qua email. Nhờ google dịch bằng điện thoại, cô được cảnh sát tiết lộ thêm thông tin, có thể nhóm tội phạm này sẽ bị phạt tiền và nhận 3 tháng tù giam.

“Phiên tòa sẽ diễn ra vào tháng 8 nhưng mình đã về nước. Nhà trường bên đó sẽ hỗ trợ mình các thủ tục nhân chứng. Nhiều người là nạn nhân nhưng e ngại mất thời gian nên không tố cáo, không làm nhân chứng. Còn bản thân mình thì hy vọng các hành vi trên bị xử lý thích đáng nên đồng ý làm việc cùng cảnh sát địa phương”, cô gái chia sẻ.

Một lần khác, Thanh bị móc túi ở Brussels (Bỉ). Rất may trong ví chỉ có một chứng minh nhân dân cũ và khoảng 100euro chi tiêu.

Sau này, Thanh rút kinh nghiệm, hạn chế sử dụng tiền mặt. Cô chia các đồ quan trọng như thẻ ngân hàng, tiền mặt, điện thoại vào các vị trí khác nhau. Cô gái mang theo laptop để đề phòng, nếu mất điện thoại thì sử dụng laptop liên lạc, làm việc…

Sau những chuyến độc hành, Thanh có thêm kinh nghiệm khi gặp sự cố

Trong khoảng 2 tháng cuối ở châu Âu trước khi về nước, Thanh cố gắng đi và khám phá nhiều nhất có thể. Cô gái vỡ òa khi lần đầu tiên nhìn thấy cực quang ở Na Uy, chiêm ngưỡng tháp Eiffel của Pháp, tắm ở biển Địa Trung Hải, leo núi, đi bộ tới các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, nhảy từ vách đá xuống biển ở Monaco, học lái cano…

"Mình không có định nghĩa đất nước nào đẹp nhất. Mỗi nơi mình từng đến đều có vẻ đẹp riêng. Điều mình thích nhất mỗi khi đến một quốc gia là được trò chuyện với người bản địa để lắng nghe suy nghĩ của họ về đất nước, con người, niềm tự hào dân tộc”, Phương Thanh chia sẻ. Cô gái cũng thấy hài lòng khi đã học được cách đọc tên đúng của các thành phố cô đi qua.

Phương Thanh tận hưởng mùa hè Thụy Sĩ

Cô gái chèo SUP ở hồ Lac Léman, Thụy Sĩ

Phương Thanh tại Lagos – Thánh địa du lịch biển của Bồ Đào Nha

Cô gái Việt ngắm cực quang trong đêm Giáng sinh 2021 ở Svanvik, Na Uy

Quốc gia thứ 22 Phương Thanh đặt chân tới là Monaco

Ảnh: NVCC

Linh Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-gai-viet-di-22-quoc-gia-o-tuoi-22-su-that-ve-loi-don-con-gai-dai-gia-2040819.html#vnn_source=trangchu&vnn_medium=moinong22