Cô gái 22 tuổi bị lừa bán sang Myanmar

Khoảng cuối tháng 7/2023, anh P.Đ.T., trú tại Thanh Xuân, Hà Nội nhận được tin từ chú ruột ở huyện Ba Vì, Hà Nội, nhờ trình báo công an về việc con gái bị lừa bán sang Myanmar.

Anh T. nhanh chóng dùng tài khoản Facebook cá nhân để nhắn tin cho chị V.A. (sinh năm 2002) là con gái của chú anh T., hy vọng tìm được manh mối về đối tượng đã dụ dỗ và lừa bán chị A.

May mắn, chị A. đã phản hồi, tuy nhiên do anh T. cho biết sẽ trình báo công an để tìm cách giải cứu. Thiếu nữ 22 tuổi hoảng sợ, không những không cung cấp thông tin liên quan tới người lừa bán mình, mà còn yêu cầu gia đình giữ kín chuyện vì sợ đối tượng đe dọa giết chết, không có cơ hội về quê hương.

Khi người thân gặng hỏi về nơi sinh sống, làm việc của mình tại Myanmar, chị V.A. có gửi vị trí qua tin nhắn trên Facebook. Thông tin này sau đó cũng được anh T. cung cấp lại cho cơ quan cảnh sát điều tra.

Trước đó, nạn nhân gọi điện thoại về cho gia đình ở huyện Ba Vì thông báo đang ở nước ngoài, do một người phụ nữ Việt Nam lừa rủ đi, mục đích là tìm việc lương cao. Đối tượng này đã dẫn chị A theo đường rừng, khi đi chị A. không mang theo bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Quá lo lắng, bố chị A. đã nhờ người liên hệ trình báo công an nhưng bị cô gái can ngăn.

Cô gái 22 tuổi bị lừa bán sang Myanmar (ảnh minh họa).

Tháng 9/2023, chị V.A. đã chuyển về gia đình số tiền là 30 triệu đồng và thông báo rằng đang công tác tại Myanmar, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về công việc, đối tượng và địa điểm làm việc.

Mặc dù con gái đã yêu cầu gia đình không tiết lộ thông tin ra ngoài và không báo cáo cho công an nhưng lo ngại về an toàn tính mạng của con, gia đình vẫn quyết định đưa vụ việc lên cơ quan chức năng.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã gửi công văn đến Cục Đối ngoại - Bộ Công an, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an và Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an để đề xuất hợp tác với Cảnh sát Myanmar, tiến hành xác minh, giải cứu và đưa nạn nhân về nước.

Cơ quan công an cũng thông tin rằng thường các nạn nhân bị bán vào các khu làm việc tập trung, được phép sử dụng điện thoại và Internet trong điều kiện có giới hạn. Ngoài ra, khu vực này thường có bảo vệ canh gác sử dụng vũ khí, khiến cho nạn nhân không dễ dàng bỏ trốn.

Những người bị bán vào đây thường phải tiếp tục lừa dối người khác, để tránh bị đánh đập.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/co-gai-22-tuoi-bi-lua-ban-sang-myanmar-221267.htm