Cơ chế và hệ thể chế phát hiện, thu hút, tuyển chọn, trọng dụng nhân tài lãnh đạo, quản lý

* TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

(Tiếp theo kỳ trước)

BPO - Tháng 2-2022, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức bản thảo và xuất bản cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cùng với rất nhiều vấn đề quan trọng, cuốn sách nhấn mạnh: “…Xây dựng cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ để đào tạo, bổ sung cán bộ cho Đảng; thu hút và khuyến khích cán bộ làm việc trong các cơ quan, lĩnh vực, địa bàn đặc thù, phức tạp, trọng yếu”.

Báo Bình Phước trân trọng giới thiệu loạt bài viết của nhà báo, TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản về vấn đề này.

Quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng nhân tài

Phân loại những người có năng lực đặc biệt theo sở trường, để lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng rất linh hoạt (trường học, thực tế…), tạo họ phát triển tốt nhất những năng lực đặc biệt của mình. Nếu thực hiện tốt việc phát hiện, quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng sẽ đặt nền tảng vững chắc cho công tác tái tuyển chọn, bố trí, sắp xếp nhân tài theo yêu cầu. Đây là việc rất cơ bản.

Điều kiện đủ: Tối thiểu có bốn mặt cần phải đáp ứng:

Xây dựng cơ chế, với hệ định chế tuyển dụng chặt chẽ, thống nhất; đồng thời, xác lập quy chế bảo đảm trách nhiệm rõ ràng. Đi liền với quy chế tuyển dụng là xây dựng các quy chế sa thải, bãi miễn nghiêm ngặt.

Lập Hội đồng Nhân tài quốc gia do Bộ Chính trị chủ trì; giao Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ thực thi, trên cơ sở Hội đồng Nhân tài các cấp (có thể lâm thời), để tuyển chọn, bố trí và sử dụng nhân tài mang tầm chiến lược. Hội đồng này có nhiệm vụ tuyển chọn, trọng dụng trên tầm vĩ mô và tham mưu toàn quốc các chức danh lãnh đạo, quản lý mang tầm chiến lược.

Đổi mới hệ thống và phương thức đào tạo theo hướng chuyên biệt hóa. Cải cách Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính quốc gia ngang tầm nhiệm vụ đào tạo các chính trị gia, quản trị gia ngang tầm đất nước và hội nhập sâu rộng quốc tế. Trong các học viện này, lập khoa đào tạo nhân tài riêng hoặc khoa lãnh đạo, quản lý, trên 3 hướng: lãnh đạo, quản lý và các công việc phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh về tầm vóc của Học viện Hành chính quốc gia trong công việc này. Cùng với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo về chính trị, học viện đào tạo cán bộ, công chức, viên chức nhà nước các cấp về khoa học quản lý, khoa học tổ chức hành chính và khoa học pháp lý… rất riêng. Các nước trên thế giới rất coi trọng loại học viện này. Trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo bằng Nhà nước, bằng pháp luật… nên trọng trách của học viện này càng quan trọng và nặng nề hơn bao giờ hết. Đó là một trong hai “kênh” đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước mang tầm chiến lược. Vì vậy, việc nâng tầm về vị thế, chức năng và nhiệm vụ của Học viện Hành chính quốc gia hiện nay, hơn bao giờ hết, trở nên rất quan thiết và mang ý nghĩa chiến lược mang tầm vóc quốc tế. Chỉ có như vậy, mới bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt trong đào tạo các loại cán bộ lãnh đạo với cán bộ quản lý, nhất là cấp chiến lược của hệ thống chính trị mang tầm vĩ mô, trong điều kiện kiến tạo và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Từ thực tiễn 10 năm qua cũng cho thấy, sự lúng túng khi nhập vào lúc tách ra hai loại trường này càng làm bộc lộ rõ về sự “lưỡng phân” giữa công việc lãnh đạo và công việc quản lý trong điều kiện Nhà nước pháp quyền. Gần đây, chúng ta tổ chức các “lớp nguồn” trước các kỳ đại hội Đảng (và bầu cử đại biểu Quốc hội) nhưng chỉ dừng lại ở mức giải quyết tình thế, thậm chí “ngắn hạn”, vô hình tạo nên sự “cắt khúc”, “khép kín”, rơi vào tình trạng “đa năng” chung chung… khi bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược. Và, không ít người đã “đứt gánh giữa đường”, vì thiếu hụt không chỉ về chính trị mà còn rất bất cập về chuyên môn và nhất là khoa học tổ chức - hành chính và pháp lý cầm quyền. Nghĩa là đây vẫn đang là một “khoảng trống”, thậm chí là những “hố đen” nguy hiểm. Đó cũng là nguyên nhân vì sao hơn 15 năm nay, chỉ ở cấp tỉnh, thành, bộ và các cơ quan ngang bộ hằng năm ban hành hơn 1.600 văn bản trái luật. Đây là điều cần cảnh báo rất nghiêm khắc. Điều này đang thách thức vai trò cầm quyền bằng pháp luật của Đảng; đồng thời, vô hình hạ thấp tính thượng tôn pháp luật của Nhà nước ta. Sâu và xa hơn, không ít người rất không “đúng vai” lại rất “không thuộc bài”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và cảnh báo. Đồng chí yêu cầu nhiều lần về sự nhầm lẫn, sai lầm giữa việc lãnh đạo, cầm quyền với quản lý, quản trị; giữa dân chủ, tự do với kiểm soát quyền lực khoa học và hiệu quả đối với những “ông vua con”, những “ông tướng, bà tướng”, những ông “quan cách mạng”; nếu buông lỏng hoặc chưa khắc phục vô hình sẽ hạ thấp cả hai, vì thiếu sự phân định về thể chế trên phương diện này. Theo đó, hiện nay, cần đổi mới theo hướng mở, động, đa dạng, theo chức danh lãnh đạo, quản lý một cách linh hoạt, thiết thực… trên cơ sở đổi mới không ngừng hai cơ quan đào tạo chiến lược này một cách xứng tầm, góp phần giải quyết trọng sự này.

Tất cả đều nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhân tài, với tư cách là chính trị gia - quản lý gia - kỹ trị gia… làm công việc lãnh đạo, quản lý quốc gia các cấp, trước hết là cấp chiến lược.

Thể chế hóa các quy định, trong đó các quy chế thưởng - phạt phù hợp, rõ ràng từ khâu phát hiện, quy hoạch, đào tạo, trọng dụng, thải loại… một cách thống nhất và khả thi giữa Đảng cương với quốc pháp và sự tín nhiệm của nhân dân trong việc lựa chọn, kiến tạo và phát triển nhân tài lãnh đạo, quản lý.

Cùng với chính sách dưỡng liêm, cần có chính sách biệt đãi về vật chất và tinh thần đối với nhân tài, nhất là nhân tài ở những lĩnh vực mới, quan trọng, có tính quốc tế.

Đổi mới một đội ngũ ngang tầm làm công việc hệ trọng trong việc sắp đặt tổ chức và tuyển chọn người

Tư chất và phẩm hạnh cá nhân người đứng đầu

Ai cũng có 3 mối quan hệ là với mình, với người, với việc. Là người có đức chính, phải thể hiện sự đúng mực, cao thượng trong các mối quan hệ đó, nhưng trước hết là trong công việc. Do nắm trong tay quyền lực công rất trọng yếu nên khả năng vụ lợi, lạm quyền, “nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

Do vậy, liêm chính vừa là tiêu chí đạo đức cơ bản vừa là thước đo bản lĩnh giữ mình và khả năng chống lại sự tha hóa quyền lực của đội ngũ làm công việc tổ chức cán bộ, trước hết là người đứng đầu. “Đại thần giữ phép, tiểu thần sẽ liêm chính”. Người đứng đầu không tốt, mong cấp dưới tốt chẳng khác nào nước đầu nguồn đục mà mong cho dòng dưới trong. Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải lựa chọn người đứng đầu thực sự tiêu biểu đủ đức và tài, sẽ như cánh chim đầu đàn, sẽ là “thủ lĩnh” tạo môi trường công tác kỷ cương, liêm chính.

Để xứng đáng là “con mắt tinh đời”, ngoài “năng lực chuyên biệt”, “trực giác về tổ chức”, như V.I. Lênin nói, người đứng đầu các cơ quan giữ trọng trách về công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống chính trị mà không chính thì ở dưới sẽ “quân hồi vô phèng”; nếu người quản lý không liêm, tất cả sẽ thi nhau sách nhiễu cấp dưới và “xà xẻo” của công và của cán bộ; nhất định làm tổn thương đức chính, nhất định lâm vào căn bệnh “cánh hẩu”, thậm chí đố kỵ với cán bộ. “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính; mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. Tâm phải rộng để dung nạp người trong thiên hạ. Tâm phải công bằng để làm việc trong thiên hạ. Tâm phải trầm tĩnh để xét lý trong thiên hạ. Tâm phải vững vàng để chống lại những biến cố trong thiên hạ.

Đó là “nhãn quan ưng đại, tâm ưng tế” (con mắt nhìn cho rộng, tấm lòng suy cho kỹ càng), là sự chính trực của người lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ các cấp.

Người phụ trách công tác tổ chức cán bộ phải thấm đẫm tinh thần “dĩ công vi thượng”, sự trong sạch, ngay thẳng, công tâm, chính trực, giàu đức hy sinh. Đây là phẩm chất hàng đầu của đội ngũ này. Không đơn thuần là của cải, người làm công tác tổ chức cán bộ phải chế ngự lòng tham về mọi phương diện, tức “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”.

Bất kể ai trong hệ thống công quyền cũng đều phải thực hành liêm chính. Và, người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu trong công tác tổ chức cán bộ các cấp càng phải là tấm gương trước hết về sự liêm chính. Họ làm công việc nan giải nhất nhưng cũng rất vẻ vang là chăm lo cái gốc của quốc gia, rường cột của chế độ, tài sản vô giá của dân tộc.

Ai không giữ được như thế, phải đào thải ngay lập tức!

(Còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/131467/co-che-va-he-the-che-phat-hien-thu-hut-tuyen-chon-trong-dung-nhan-tai-lanh-dao-quan-ly