Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát: Xóa vòng luẩn quẩn của đổi mới sáng tạo

Các công nghệ mới đang phát triển nhanh chóng và được ứng dụng ngày càng sâu rộng trong đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, cần có cơ chế cho phép thử nghiệm có kiểm soát các sản phẩm, dịch vụ mới, để giảm thiểu rủi ro, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Vòng luẩn quẩn của đổi mới sáng tạo

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông, xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm, dịch vụ mới. Các sản phẩm, dịch vụ này tạo ra mô hình kinh doanh, thị trường mới, giảm chi phí, tăng năng suất bằng cách kết hợp các công nghệ số vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiện tại. Chẳng hạn như thiết bị đeo tay thu thập số liệu và gửi về máy chủ (bệnh viện, phòng khám) để hỗ trợ chuẩn đoán bệnh về tim mạch, hô hấp. Hoặc sử dụng giấy phép lái xe điện tử thay cho giấy phép giấy. Các dịch vụ giao hàng sử dụng máy bay không người lái

Sản phẩm máy bay không người lái hỗ trợ canh tác nông nghiệp của Công ty CP Công nghệ thông minh MiSmart. (ảnh: Minh Đức)

Chia sẻ thực tế từ phía doanh nghiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ thông minh MiSmart Trần Thiên Phương cho biết, máy bay không người lái (drone) là một công nghệ mới nổi với nhiều ứng dụng thực tế rất tiềm năng và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, điện lực, viễn thông, vận tải, cứu nạn cứu hộ... Tuy nhiên, việc sử dụng drone tại Việt Nam còn nhiều hạn chế do các quy định pháp lý chưa rõ ràng và thiếu tính linh hoạt.

“Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ là văn bản quy phạm pháp luật toàn diện nhất tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp phép, tổ chức quản lý các hoạt động bay đối với máy bay không người 1ái, phương tiện bay siêu nhẹ. Tuy nhiên, Nghị định 36 chưa đề cập tới nhóm thiết bị drone được thiết kế, sản xuất ở trong nước, bởi thời điểm ban hành Luật ít ai nghĩ người Việt có thể nghiên cứu phát triển và làm chủ được loại thiết bị công nghệ hiện đại này” – ông Trần Thiên Phương dẫn chứng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Thành Nhân, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TT&TT) cho biết, thực tế, việc đưa các tiến bộ công nghệ mới vào hoạt động của doanh nghiệp nảy sinh nhiều điểm tắc nghẽn bởi các quy định pháp luật hiện hành. Các doanh nghiệp muốn được triển khai cần nhiều thời gian cho việc xin phép, đặc biệt, việc cho phép lại phải chờ có quy định mới, nên tạo ra vòng luẩn quẩn.

Ví dụ, để dịch vụ Mobile Money chính thức được thử nghiệm, các doanh nghiệp viễn thông đã phải chờ đợi tới 3 năm để được triển khai. Hay ứng dụng Uber mất gần 2 năm để được cấp phép. “Việc các sản phẩm, dịch vụ mới này không được áp dụng vào thực tế sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội, giảm động lực đổi mới sáng tạo, cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp, làm chậm sự thay đổi của công nghệ” – ông Dương Thành Nhân nhấn mạnh.

Do đó, cần có cơ chế để cho phép thử nghiệm có kiểm soát các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, hội tụ trước khi được áp dụng vào thực tế để giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng và xã hội, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thêm vào đó, từ kết quả thử nghiệm, cơ quan quản lý có thời gian, minh chứng thực tế để xem xét, sửa đổi các quy định liên quan. Cơ chế được áp dụng để giải quyết các vấn đề nêu trên là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Tạo không gian mở, an toàn

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo muốn hoạt động hiệu quả cần có các cơ chế điều chỉnh linh hoạt, giúp thành quả sáng tạo nhanh chóng được thử nghiệm trên thị trường. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory sandbox hoặc sandbox) đã ra đời. Mặc dù vậy, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có các quy định cụ thể điều chỉnh cơ chế này dẫn đến nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc áp dụng công nghệ mới.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Chu Thị Hoa cho rằng, để thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát ở Việt Nam cần khung pháp lý về sandbox - phương pháp hỗ trợ hệ thống pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dựa trên nguyên lý “vừa học, vừa làm”. Vì vậy, cần thiết lập các quy định của khung pháp lý thử nghiệm theo hướng mở, linh hoạt, cho phép nhanh chóng điều chỉnh.

Theo TS Chu Thị Hoa, khung pháp lý thí điểm sandbox không áp dụng đại trà mà chỉ dành cho một số ít các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng đủ các điều kiện mà sandbox đặt ra. Do đó, cơ quan quản lý cần đưa ra tiêu chí cụ thể (về quy mô, ngành nghề, nội dung, ý tưởng kinh doanh…) để sàng lọc, tuyển chọn start-up tham gia sandbox. Một trong những tiêu chuẩn tuyển chọn start-up tham gia sandbox là các dịch vụ tài chính phải có “tính mới”, hoặc công nghệ sử dụng trong dịch vụ đó phải sáng tạo.

Việc xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh mới là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, định hướng của Chính phủ - ông Dương Thành Nhân, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TT&TT)

Còn theo ông Dương Thành Nhân, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát điều tiết cung cấp một không gian an toàn và được kiểm soát, nơi các tổ chức có thể thử nghiệm và phát triển các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới mà không gặp nhiều rào cản pháp lý, song vẫn được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý. Các công ty sử dụng không gian này trong một khoảng thời gian giới hạn theo hướng dẫn nghiêm ngặt của cơ quan quản lý.

Khi xây dựng, triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, cần xem xét đến những yếu tố sau: Những người cung cấp sản phẩm, dịch vụ truyền thống; khoảng thời gian thử nghiệm (thay đổi tùy theo loại và mục tiêu của từng sandbox, nhưng phải có giới hạn về thời gian để giữ cho quy trình diễn ra linh hoạt và ngăn chặn các mô hình kinh doanh kém phát triển hoạt động vô thời hạn); sự giám sát từ cơ quan quản lý; sự hỗ trợ từ Chính phủ, cơ quan quản lý...

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-che-thu-nghiem-co-kiem-soat-xoa-vong-luan-quan-cua-doi-moi-sang-tao.html