Có cần đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện?

Việc dạy thêm, học thêm đã được xã hội cũng như nghị trường Quốc hội bàn luận nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được tận gốc.

Quản lý việc dạy thêm và học thêm ngoài trường học bằng cơ sở pháp lý

Tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra mới đây, trả lời ý kiến của đại biểu liên quan việc quản lý dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dạy thêm, học thêm hay các nguyện vọng được học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế và trong quá trình đáp ứng các nhu cầu rất đa dạng của người học thì hoạt động này cũng rất đa dạng. Bộ GD&ĐT đã có rất nhiều văn bản quy định, đặc biệt Thông tư 17 quy định về kiểm soát việc dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ của nhà trường. Tuy nhiên, đối với môi trường ngoài nhà trường, còn đang thiếu một cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý.

Bộ GD&ĐT đã từng gửi nhiều văn bản trong quá trình sửa Luật Đầu tư đề nghị bổ sung việc dạy thêm học thêm vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng không rõ lý do vì sao mà từ năm 2020-2021 việc này đã không được chấp thuận. Bộ GD&ĐT kiến nghị cần đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây chính là cơ sở pháp lý để quản lý việc học và dạy thêm ngoài trường học.

Nhiều ý kiến trái chiều

Đề xuất đưa dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhận nhiều kiến trái chiều.

Thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội) nêu ý kiến: Trong giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, nhiều năm nay có hiện tượng dạy thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận. Học sinh tiểu học, 6 - 10 tuổi, học yếu phải học thêm đã đành, học giỏi cũng phải học thêm, học đến mức các con mụ mị, mất cả thời gian nghỉ ngơi cần thiết. Học sinh THCS, THPT cũng học thêm nhiều buổi trong tuần. Học sinh trường chuyên còn đi học nhiều hơn trường không chuyên. Các con muốn đi học thêm cũng có. Bố mẹ bắt đi học thêm cũng có. Tệ nhất là giáo viên ép học trò của mình đến lớp của cô để học thêm.

"Học thêm tràn lan, tức là quá mức cần thiết hoặc bị (bố mẹ, thầy cô) ép buộc là mặt trái của việc dạy học nói chung và dạy thêm, học thêm nói riêng. Xã hội không đồng tình với việc dạy thêm tràn lan. Tôi phản đối kịch liệt việc dạy thêm tràn lan, nhưng ngược lại, hoan nghênh việc dạy thêm hợp lý và học thêm hợp lý. Tôi đã 74 tuổi, 50 năm sống trong nghề giáo và còn tiếp tục nhiều năm nữa, xin chân thành trả lời: không nên! Cho dù dạy thêm tràn lan là một điều nhức nhối, nhưng không ảnh hưởng quốc phòng, an ninh; không ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội… Vì thế, không cần thiết thêm một ngành kinh doanh có điều kiện (ngành thứ 228) trong luật Đầu tư 2020".

Bộ GD&ĐT kiến nghị cần đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh minh họa.

Bên cạnh luồng ý kiến không đồng tình thì nhiều phụ huynh, giáo viên và chuyên gia bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất trên của Bộ GD&ĐT.

Anh Nguyễn Nam (ở 58 Tố Hữu, Nam Từ Liêm Hà Nội) cho rằng, việc đưa hoạt động dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ giúp quản lý tốt hơn, hạn chế các trung tâm tự phát và tránh được những trường hợp ảnh hưởng xấu đến học sinh. "Tôi ủng hộ đề xuất này vì sẽ có tác động tốt đến việc cân bằng giá, hạn chế việc giáo viên thu phí học thêm theo kiểu tự phát. Tuy nhiên cần có quản lý, có tổ chức và có tiêu chí rõ ràng".

Một giáo viên dạy môn Vật lý cấp THCS trên địa bàn Hà Nội cho rằng, học thêm là cần thiết với những học sinh có nhu cầu nâng cao kiến thức. "Bản thân tôi là một giáo viên và cũng dạy thêm, tôi thấy như vậy là hợp pháp hóa để cho mọi người có tiêu chí nhất định trong việc dạy thêm. Đây là sự hỗ trợ cho giáo viên. Tôi mong muốn công bố sớm, đầy đủ, minh bạch về các quy định và các tiêu chí để dạy thêm được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện".

Trước vấn đề trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng Hà Nội cũng đồng tình với đề xuất của Bộ GD&ĐT. "Đây là quyền của mỗi người học, không nên cấm. Quan trọng là việc tổ chức hoạt động này như thế nào cho đúng quy định của pháp luật chứ không thể để như hiện nay, hoạt động dạy thêm ngoài trường học còn đang tù mù. Tại một số trường có tình trạng thầy cô dùng sức ép của điểm số để lập ra những lớp, nhóm lớp dạy thêm. Việc cần làm là phải tính toán tới các quy định chặt chẽ, có bộ phận kiểm tra, kiểm soát và có các chế tài xử lý với các trường hợp vi phạm pháp luật".

PGS.TS Phạm Mạnh Hà (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biêt, nếu đặt việc quản lý dạy thêm như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì nó sẽ có nhiều mặt tích cực, đó là sẽ đáp ứng được nhu cầu của xã hội, bởi vì không phải bất kỳ học sinh nào cũng thông qua giáo dục trong nhà trường mà các em có thể đáp ứng được yêu cầu hoặc là các em có nhu cầu phát triển cao hơn thì như vậy là nó đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tránh việc đi học thêm mà cứ trốn chui trốn lủi. Hơn nữa, giáo viên cũng đường đường chính chính được phát huy năng lực chuyên môn mình để tạo ra thu nhập một cách chính đáng.

Ngoài ra, việc chúng ta kiểm soát những nội dung chương trình của việc học trên lớp nó cũng sẽ hạn chế được việc giáo viên giảm bớt giờ để khuyến khích hoặc yêu cầu học sinh đi học thêm, bởi vì bây giờ cô giáo trong trường sẽ không được phép dạy học sinh của lớp mình hoặc của trường mình nữa. Như vậy thì họ cũng chẳng có lý do gì để họ bớt giờ để ép học sinh phải tham gia thêm cả. Khi mà giáo viên không được bớt xén giờ hoặc là ra những bài thi, bài tập mà liên quan đến môn của mình dạy, thì chắc chắn việc này sẽ giảm tải được sự căng thẳng của học sinh khi tham gia học tập trong nhà trường, đồng thời học sinh lại có thêm những cơ hội để các em có thể bổ sung thêm kiến thức ở ngoài giờ lên lớp.

"Tôi nghĩ rằng, việc này là chúng ta sẽ làm được điều đó, chứ còn như hiện nay, chúng ta cũng có kiểm soát, nhưng không có một chế tài, thì nó đang gây ra những áp lực rất lớn. Tôi nghĩ rằng, khi mà chúng ta thay đổi thì chắc chắn việc học thêm dạy thêm sẽ được đưa vào nề nếp hơn".

Trường hợp nào không được dạy thêm?

Căn cứ theo Điều 4 của thông tư số 17/2012/TT-BGDDT có quy định dạy thêm, học thêm cụ thể về các trường hợp không được phép dạy thêm.

- Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

- Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

- Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

- Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-can-dua-day-them-vao-nganh-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien-169231123090330319.htm