Có áo phao cũng không mặc

Nghệ An có 13 con sông lớn nhỏ, tổng chiều dài 1.120km. Toàn tỉnh có 25 bến đò đang hoạt động trên địa bàn 8 huyện, thị xã, gồm: Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu và thị xã Cửa Lò. Vấn đề an toàn tại các bến đò còn nhiều bất cập.

Áo phao được cất kín dưới mai thuyền ở bến đò Già. Ảnh: Hải Thư

Bến đò Cung ở xã Trung Sơn, huyện Đô Lương lớn nhất huyện, mỗi ngày có hàng trăm khách qua lại giữa huyện Đô Lương và huyện Thanh Chương. Mặc dù đã được công nhận là “bến đò kiểu mẫu”, nhưng thuyền chở khách vẫn chưa chấp hành nghiêm những quy định về an toàn giao thông đường thủy. Khách không mặc áo phao nhưng chủ thuyền cũng không nhắc nhở.

Tại bến đò Già ở xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, mặc dù các thuyền đều được trang bị áo phao, phao cứu sinh, nhưng treo không đúng chỗ, hoặc không phân phát, chỉ bảo cho khách sử dụng.

Nguy hiểm nhất là bến đò Rú Nguộc tại xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, ở đây ngoài chuyện đường lên xuống bến phía quốc lộ 46 dốc, đi xe máy không cẩn thận dễ rơi xuống sông thì thuyền chở khách cũng rất tuyềnh toàng. Xung quanh thuyền không có lan can. Chỉ cần sơ sẩy hay thuyền chòng chành do có chấn động mạnh là người và phương tiện ở trên thuyền có thể rơi xuống sông.

Một chủ thuyền cho biết, do thuyền đóng vội nên chưa kịp làm lan can. Khi thuyền đưa ra sông hoạt động rồi, do bến sông cách xa nhà dân, không có điện, nên cứ để mãi vậy.

Thuyền chở khách không có lan can, không có áo phao tại bến đò Rú Nguộc. Ảnh: Hải Thư

Chị Thái Thị Lài, trú ở xóm 8 xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương thường đi qua bến đò Rú Nguộc nói: “Bến đò dốc, trời mưa trơn trượt. Thuyền thì mái che tả tơi, không được trang bị áo phao đầy đủ, lại không có lan can, không có tay vịn, đi thuyền cảm giác mất an toàn. Nhất là những hôm có học sinh qua đông, chen nhau, lo cho người già và trẻ em. Mỗi lần mẹ con tôi qua sông, thường tranh đứng chỗ có cọc mái che để vịn cho vững”.

Ông Trần Đình Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương cho biết: “Để đảm bảo an toàn giao thông, lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra, cho phép làm lan can thấp, UBND xã cũng đã đốc thúc, nhắc nhở nhưng nhà thuyền vẫn đang còn trì trệ. Riêng chuyện áo phao, mỗi năm huyện cấp khoảng 10 - 15 chiếc, được sử dụng liên tục ngoài trời, chỉ sau 2 - 3 tháng là nhàu nát, hư hỏng, nên thuyền chỉ còn phao cứu sinh. Những lúc có áo phao, nhưng chỉ cần áo bẩn, nhàu một chút là khách đi thuyền đã ngại không mặc, nhà thuyền thì chấp hành không nghiêm, còn một số khách đi thuyền thì còn thiếu ý thức”.

Thực tế, tình trạng vi phạm an toàn giao thông của thuyền chở khách trên sông Lam còn phổ biến, do ý thức trách nhiệm của cả chủ thuyền lẫn khách đi thuyền còn kém. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng phải kịp thời chấn chỉnh lại dịch vụ chở khách, đề nghị các nhà thuyền chấp hành nghiêm an toàn giao thông đường thủy.

Hải Thư

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/an-toan-giao-thong/co-ao-phao-cung-khong-mac_t114c1146n106168