Có ai nhớ truyền hình Tết ngày xưa đặc biệt thế nào?

Còn nhớ năm 1999, đến tối 29 Tết mà bộ phim TVB còn chiếu dở, nhà đài báo phát đột xuất mấy tập cuối vào sáng 30, khán giả ngạc nhiên nhưng vẫn cố thu xếp xem.

Trong các bài viết về Tết tôi đọc được, chưa thấy ai nhắc đến món ăn tinh thần rất đặc biệt, không thể thiếu vào mỗi độ xuân về kể cả xưa và nay. Mọi người đã quên kể về thú vui xem truyền hình ngày Tết chăng? Còn ai nhớ cách các nhà đài ngày xưa phát sóng chương trình năm mới và những cảm xúc mà nó mang lại?

Khi chưa có internet, truyền hình chính là phương tiện thông tin, giải trí phổ biến, yêu thích nhất của mọi người, dù hồi đó số giờ phát sóng trong ngày còn hạn chế. Ngày Tết, máy thu hình trên đầu tủ nhiều gia đình miền Tây quê tôi lại được nâng niu, chăm sóc nhiều hơn. Ngoài việc lau sạch, nhiều người còn trang trí khăn bàn mới đẹp đẽ, rồi thêm lọ mai vàng đầy nụ đặt kế bên cho thêm nổi bật. Không gian sinh hoạt chung vào ngày Tết, nơi mọi thành viên gia đình thường xuyên quây quần ấm cúng chính là trước chiếc máy thu hình.

Bên cạnh chương trình đêm giao thừa, chương trình tối 23 tháng Chạp rất được người ta mong chờ. Các đài truyền hình thường phát hài kịch ngắn chủ đề “ông Táo về chầu Ngọc hoàng”. Có thể thấy không khí Tết cũng bắt đầu từ ngày đó. Ai nấy càng mong chờ các đài truyền hình công bố chương trình phát sóng Tết - từ ngày cuối cùng của năm cũ (29 hoặc 30 tháng Chạp) cho đến mồng 5, mồng 6 tháng Giêng.

Không gian phía trước tivi là nơi giao lưu, trò chuyện ngày Tết. (Ảnh: M.K)

Học sinh ngày xưa ngóng Tết từng ngày, tò mò, háo hức chờ chương trình Tết trên truyền hình, bởi đây là dịp đặc biệt, các đài tăng thời lượng phát sóng, chọn lọc để phát chương trình mới và đặc sắc nhất. Đó là những bộ phim hay, những vở kịch hài hước, phim lẻ võ thuật… bên cạnh các chương trình văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, không thể thiếu chương trình dành cho thiếu nhi với những bộ phim truyện cổ tích Việt Nam (thường các nhà đài chọn chiếu phim sự tích con vật theo con giáp năm đó) mà trẻ em cực kỳ ưa thích…

Vào những ngày cuối năm, nhìn lên màn ảnh truyền hình thấy các nhà đài gắn thêm biểu tượng hoa mai hay hoa đào ở logo, khán giả càng thấy nôn nao vì không khí Tết. Phát thanh viên cũng ăn mặc đẹp hơn và dường như họ cũng cười nhiều hơn như phần đông mọi người ngoài đời vào ngày xuân về. Có lẽ đó là vì Tết luôn mang đến niềm vui, nụ cười, và những niềm vui, nụ cười đó được nhân thêm, lan tỏa.

Ý nghĩa truyến thống của Tết Nguyên đán xưa còn đậm đặc, khó quên ở chỗ, các đài truyền hình rất chú trọng việc kết thúc các chương trình dài tập vào ngày cuối năm, nhất là chương trình “đinh” thu hút khán giả như phim truyện. Do đó, gần Tết, các đài thường chọn chiếu phim bộ ngắn (16-20 tập) chứ không phát phim dài tập để có thể cân chỉnh thời gian chính xác.

Tôi nhớ vào năm 1999, giáp Tết, khung chương trình chiếu phim tối của Đài phát thanh- truyền hình Đ. chiếu phim bộ của TVB Hong Kong "Sân khấu muôn màu" 20 tập. Đến tối 29 Tết, phim vẫn còn mấy tập cuối, nhà đài liền thông báo lịch chiếu đột xuất các tập phim này vào xế trưa 30 tết. Khán giả hơi ngạc nhiên và dù tất bật nhưng cũng vui vẻ tranh thủ đón xem phim vào khung giờ được đổi vào hôm sau.

Khán giả dễ thông cảm đâu chỉ vì lúc ấy thiếu phương tiện giải trí, mà vì trong suy nghĩ chung, mọi người đều coi việc kết thúc trọn vẹn những việc của năm cũ để chuẩn bị tạo ra điều mới mẻ vào đầu năm mới là rất quan trọng. Quan trọng với tất thảy mọi người. Huống hồ khán giả biết rằng nhà đài sẽ cống hiến những chương trình đặc sắc mà ai cũng mong chờ vào mấy ngày sắp tới. Tết là thời gian máy thu hình tại các gia đình chạy hết công suất, những người làm truyền hình cũng làm hết sức để phục vụ khán giả.

Tết xưa, khi mọi người có nhiều thời gian quây quần bên nhau, truyền hình đâu chỉ là phương tiện nghe nhìn mà những chương trình đặc sắc, vui tươi còn giúp mọi người gần nhau hơn, tăng thêm sự kết nối tình cảm, cảm xúc của các thành viên gia đình.

Thời nay, mỗi người có thể chọn “thế giới” thông tin, giải trí riêng trên màn hình điện thoại thông minh, máy tính bảng. Truyền hình vì thế không còn vị thế cao nhất như ngày xưa nhưng vẫn là lựa chọn của số đông khán giả. Nhắc đến Tết, bên cạnh mâm ngũ quả, dưa hấu, thịt kho hột vịt, bánh tét, cành mai…, không thể thiếu chương trình Tết trên truyền hình - món ăn tinh thần đặc biệt của nhiều người Việt mỗi dịp năm mới.

Mời độc giả tham gia diễn đàn “Ký ức Tết xưa”

Những gì tốt nhất, đẹp nhất cả về vật chất lẫn tinh thần, người Việt Nam thường dành cho Tết Nguyên đán, vì thế đó là khoảng thời gian được mong chờ nhất trong năm, cũng là khoảng thời gian in đậm trong ký ức mỗi người với những cảm xúc, kỷ niệm khó phai.

Hãy chia sẻ với VTC News và các độc giả khác những hồi ức đó của bạn bằng cách gửi bài viết tham gia diễn đàn “Ký ức Tết xưa”. Các bài viết xin gửi về địa chỉ email: toasoan@vtcnews.vn.

Minh Khôi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/co-ai-nho-truyen-hinh-tet-ngay-xua-dac-biet-the-nao-ar849858.html