Chuyện về những nữ công nhân làm đẹp phố phường

Gắn bó với nghề quét rác đường phố - một nghề vất vả, nhọc nhằn và chịu nhiều thiệt thòi nhưng các nữ công nhân vệ sinh môi trường Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho (gọi tắt là Công ty), tỉnh Tiền Giang không quản ngại khó khăn, ngày đêm âm thầm quét dọn, giữ gìn đường phố luôn sạch, đẹp…

Khi màn đêm buông xuống hay mặt trời chưa lên, trong không gian yên ắng của đêm cũng như buổi sáng sớm, từ những ngõ nhỏ, hay trên những đường phố rộng thênh thang… những nữ công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài quét dọn, làm sạch đường phố.

NHỮNG ĐÔI TAY KHÔNG MỎI

Đều đặn mỗi ngày, cứ khoảng 7 giờ sáng là người dân ở khu vực công viên Tết Mậu Thân (phường 4, TP. Mỹ Tho) lại thấy chị Trương Thị Loan (35 tuổi, ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho), công nhân vệ sinh môi trường bắt đầu công việc thường nhật của mình. Cùng với chiếc chổi tre, xe đẩy, chị Loan quét rác, thu gom rác thải khắp các con đường Tết Mậu Thân, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…

Dù nắng hay mưa, nữ công nhân vệ sinh môi trường vẫn chăm chỉ với công việc, góp phần làm cho TP. Mỹ Tho ngày càng xanh - sạch - đẹp.

“Nghề nào cũng vậy, nếu đã chọn rồi thì cực nhọc cỡ nào cũng luôn cố gắng làm cho tốt. Khi làm công việc quét rác đường phố, tôi luôn quan sát cẩn thận để quét và thu gom rác sạch nhất có thể. Nhìn thấy đường phố sạch đẹp và nhận được sự chia sẻ từ mọi người là tôi cảm thấy vui, có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề”, chị Loan bộc bạch.

Cũng tại khu vực công viên Tết Mậu Thân, chị Nguyễn Thị Hoa đang cặm cụi quét sạch lá cây, rác thải trên đường phố và dọc 2 bờ giếng nước. Chị Hoa cho biết: “Tôi và chồng cùng làm trong Đội Cây xanh của Công ty đã gần 15 năm. Nhà tôi ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An, nên sáng nào hai vợ chồng cũng tranh thủ sang Mỹ Tho làm từ 7 giờ đến 17 giờ mới về. Buổi sáng, tôi quét rác, buổi chiều nhổ cỏ, tưới cây, công việc không nặng nhọc nhưng cần sự siêng năng, dù trời nắng hay mưa thì cũng phải làm đều đặn”.

Còn cô Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1955, ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) đã có hàng chục năm gắn bó với nghề lao công. Cô Tâm cho biết, không quản ngày đêm hay nắng mưa, hằng ngày, cô vẫn cần mẫn đẩy xe đi khắp các đường phố của TP. Mỹ Tho để quét rác và thu gom rác thải, làm cho đường phố luôn sạch đẹp.

“Ngay trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dù biết nhiều hiểm nguy nhưng bản thân tôi và các chị em trong Đội Vệ sinh môi trường của Công ty chưa nghỉ ngày nào, vì muốn có thu nhập và không muốn rác thải ùn ứ làm ảnh hưởng đến người dân cũng như mỹ quan của thành phố”, cô Tâm trải lòng.

Nếu nhìn thoáng qua, có lẽ ai cũng nghĩ công việc quét rác đường phố khá dễ dàng. Nhưng có trải nghiệm rồi mới biết, mới cảm nhận hết được những vất vả, nặng nhọc của cái nghề này. Tôi cầm cây chổi dài gấp đôi người, cố quét qua, quét lại được đoạn đường ngắn là đã bị sức nặng của cây chổi làm mỏi một phần cánh tay.

Ấy vậy mà những nữ công nhân gắn bó với nghề này, người ít nhất cũng vài năm, có người thâm niên lên đến hàng chục năm. Dù mưa hay nắng thì hằng ngày những đôi tay của các nữ công nhân vệ sinh môi trường vẫn cần mẫn quét rác đường phố mà không biết mỏi để chắc chắn rằng những nơi mình đi qua sẽ không còn rác.

CẦN LẮM SỰ SẺ CHIA

Theo chân các nữ công nhân vệ sinh môi trường làm việc quét rác đường phố, thu gom rác thải mà chúng tôi không khỏi xúc động. Nhiều nhà để rác vương vãi, tràn ra khỏi những túi ni lông, mà các chị không một lời phàn nàn, kiên nhẫn dùng gắp và chổi thu gom sạch sẽ rác thải.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của chị Loan và chị Hoa, các nữ công nhân vệ sinh môi trường.

Hay có một số túi rác nhà dân làm không kỹ, khẩu trang sử dụng rồi để chung vỏ chai nhựa, có cả miểng chai và đủ thứ rác linh tinh khác nhưng các chị đều quét dọn sạch sẽ, cẩn thận để rác lên xe công cụ và không quên xịt nước sát khuẩn lên tay, rồi đẩy xe đi. Do đó, hầu hết công nhân vệ sinh môi trường đều mong mọi người để rác đúng nơi quy định và bỏ rác đúng thời gian để họ thu gom được thuận tiện, đỡ vất vả hơn.

Hay như chị Đoàn Phương Liên, nữ công nhân quét dọn, thu gom rác ở chợ Thạnh Trị, TP. Mỹ Tho chỉ cần vào chợ tầm 30 phút là đẩy ra xe rác còn cao hơn cả người chị, nặng trịch. Mỗi lần nhìn chị đẩy xe rác từ trong chợ ra, phải dùng hết sức để giữ chiếc xe không bị tuột dốc xuống những chỗ trũng, lồi lõm, chúng tôi không khỏi xót xa cho chị và tự hỏi với dáng người nhỏ nhắn, không biết lấy sức đâu mà chị đẩy được chiếc xe rác to gấp ba, bốn lần thân mình?

Chị Liên chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề này hơn 20 năm và làm việc theo ca, có tuần làm ca ngày, tuần làm ca đêm, chủ yếu là đi gom rác tại các khu vực chợ. Dù cực cũng ráng làm để có thu nhập lo cho gia đình và các con ăn học”.

Còn chị Nguyễn Thị Thúy Trinh, nữ công nhân đảm nhận công việc quét rác ở các chợ đã được 3 năm. Chị Trinh chia sẻ: “Cái nghề này đôi khi cũng bạc bẽo lắm, vì đa số chị em đều không được học hành đầy đủ nên phải bươn chải mưu sinh. Mới đầu vào nghề chưa quen, vất vả lắm, vừa phải thức khuya dậy sớm, lại làm việc bất kể nắng mưa… nhưng không buồn bằng những lúc phải chịu những ánh mắt nhìn dè bỉu, chê bai, tủi thân lắm! Bây giờ làm riết rồi cũng quen, làm việc có chị em cùng giúp đỡ và tự an ủi nhau: Nếu không có những người như chúng mình thì thành phố sẽ ra sao? Cứ thế mà cố gắng làm tốt công việc”.

Làm việc trong môi trường độc hại, nhiều rủi ro, nhất là vào những cao điểm lễ, tết thì hầu như các nữ công nhân vệ sinh môi trường không có thời gian ở nhà, tất cả phải tăng ca để giải quyết khối lượng công việc gấp đôi, gấp ba ngày thường.

Anh Trần Văn Chiến, Đội trưởng Đội Vệ sinh môi trường của Công ty cho biết: “Công nhân Đội Vệ sinh môi trường đa phần là nữ. Mặc cho nắng mưa, khói bụi, tiếp xúc với ô nhiễm và đôi lúc là cả cái nhìn dè bĩu từ mọi người, song bỏ qua tất cả, các chị em trong đội vẫn gắn bó với công việc, phục vụ lợi ích cộng đồng, đem đến cho người dân TP. Mỹ Tho môi trường sống trong lành và góp phần làm cho thành phố ngày càng xanh - sạch - đẹp. Những việc làm của các nữ công nhân vệ sinh môi trường rất đáng trân trọng”.

LÊ PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202203/chuyen-ve-nhung-nu-cong-nhan-lam-dep-pho-phuong-946988/