Chuyện về những người làm nghề 'bắt bệnh ông trời'

Dự báo vốn đã là công việc khó khăn và đầy tính may rủi, dự báo thời tiết của những quan trắc viên, dự báo viên khí tượng thủy văn càng mơ hồ và trừu tượng hơn. Bởi đã có ai 'bắt được bệnh ông trời', đến công nghệ hiện đại, tiên tiến bậc nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản… thì mỗi khi 'bắt bệnh' dự báo vẫn có sai số lớn.

Trạm khí tượng thủy văn cheo leo vách núi

Thiếu nhân lực tâm huyết, thiếu tầng lớp cán bộ kế cận và cùng với đó là trang thiết bị phục vụ công việc còn hạn chế là những gì mà lãnh đạo ngành khí tượng thủy văn đã tâm tư từ nhiều năm trước. Chưa kể, chế độ đãi ngộ cũng chỉ như công chức bình thường nhưng công việc lại vất vả gấp bội, không quản nắng mưa, lũ bão hay những ngày đông giá rét. Dù vậy, những dự báo viên, quan trắc viên đã và đang làm công việc “đo mưa, đo gió” vẫn ngày ngày miệt mài đong đếm, ghi chép để có những con số, những bản tin dự báo chính xác nhất cho người dân cũng như phục vụ sản xuất.

Bao thế hệ của Trạm Khí tượng thủy văn Đầu Đẳng thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc vẫn truyền tai nhau về ý nghĩa của tên Đầu Đẳng, tức là “trứng trên mỏm đá”. Trạm nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Trạm có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ giám sát lượng nước của hồ Ba Bể mà còn phục vụ cho vận hành Nhà máy thủy điện Na Hang, Tuyên Quang.

Trái khoáy là ở chỗ, dù nằm ở đầu nguồn nhà máy thủy điện, nhưng ở đây vẫn chưa có điện lưới quốc gia, không có hệ thống nước sạch, chủ yếu phải sử dụng nước mưa. Cũng vì nằm ở nơi “thâm sơn cùng cốc” nên việc đi lại khó khăn, cứ 5 ngày, anh em mới đi thuyền độc mộc về chợ phiên mua đồ. Mùa lũ không có nguồn thức ăn thì chủ yếu ăn rau rừng.

Quan trắc viên Hoàng Thị Tùng - Trạm trưởng Trạm Khí tượng thủy văn Đà Nẵng thực hiện một ca quan trắc

Khó khăn là vậy nhưng những quan trắc viên tuyến đầu đang làm việc tại Trạm khí tượng thủy văn Đầu Đẳng luôn chấp hành tốt mọi nhiệm vụ của ngành khí tượng thủy văn, đảm bảo đúng từng giờ, từng phút quan trắc mực nước, lưu lượng nước và truyền số liệu về Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc và cập nhật trên hệ thống dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia tại Tổng cục Khí tượng thủy văn để phân tích phục vụ việc ra bản tin. Vì trạm chưa có hệ thống điện lưới và hệ thống mạng nên việc truyền thông tin được truyền theo nhóm.

Tổ trưởng, Phụ trách Trạm Khí tượng thủy văn Đầu Đẳng - anh Vi Đức Mạnh cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, hệ thống quan trắc mực nước và lưu lượng đầu nguồn đổ về các hồ chứa thủy điện đang rất được quan tâm vì phục vụ cho việc vận hành các nhà máy thủy điện phát điện và điều tiết nước. Do vậy, công việc của Trạm tăng gấp 3 thời gian bình thường. Mỗi ngày Trạm đo đạc và điện báo 12 obs (ca quan trắc). Anh em trong trạm phải cắt cử nhau để đảm bảo an toàn cho người và vận hành thuyền đo, thiết bị đo an toàn trong mọi tình huống ngày và đêm”.

Giữa trưa đội nón ra ngoài trời xem… nắng

Trong khi ở đầu nguồn Việt Bắc địa hình cheo leo, hiểm trở thì khu vực miền Trung Việt Nam lại có nhiều đặc thù. Địa hình hẹp ngang, bên trong là dãy Trường Sơn chạy theo hướng Bắc Nam thành túi hứng các cơn mưa từ biển kéo. Mưa lớn dồn dập kết hợp địa hình độ dốc lớn từ Tây sang Đông thường dẫn đến lũ lớn, cường độ mạnh, nhanh và rất khó dự báo. Về mùa hè, dãy Trường Sơn cũng là nơi chắn các đợt mưa từ Vịnh Bengal tạo ra những đợt không khí khô nóng rát mặt người.

Giữa cái nắng như đổ lửa trên 40 độ C kết hợp với gió Tây khô nóng những ngày đầu tháng 6, quan trắc viên Hoàng Thị Tùng, Trưởng Trạm Khí tượng Đà Nẵng vẫn cần mẫn đúng 12h30 phút hàng ngày đội nắng ra vườn quan trắc của Trạm Khí tượng Đà Nẵng kiểm tra máy móc phương tiện đo để chuẩn bị thực hiện một ca quan trắc. Sau đó 15 phút ca quan trắc bắt đầu bằng: Quan trắc trạng thái mặt đất, nhiệt độ đất, nhiệt độ các lớp đất sâu, mây; nhiệt độ không khí; độ ẩm không khí; thời tiết hiện tại, thời tiết đã qua; tầm nhìn ngang; quan trắc hướng gió và tốc độ gió (hiện đã có máy tự báo); áp suất khí quyển; thời gian nắng; lượng mưa; bốc hơi; bức xạ…

Các cán bộ của Trạm Khí tượng thủy văn Đầu Đẳng thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc làm nhiệm vụ đo nước

Là trạm khí tượng cơ bản quan trọng trong hệ thống quan trắc quốc gia và có phát báo số liệu khí tượng quốc tế, công việc của các quan trắc viên của Trạm Khí tượng Đà Nẵng được phân chia nhau đảm bảo ca obs đúng quy định. Mỗi người một nhiệm vụ, đảm bảo 24/24h ứng trực đúng giờ giấc để có số liệu truyền phát. Yêu cầu đối với mỗi quan trắc viên cũng rất khắt khe, ngoài kỷ luật của ngành còn là tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, vì sự bình an của xã hội.

Chị Hoàng Thị Tùng tâm sự: “Mưa bão miền Trung thật dữ dội, dù không sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung nhưng suốt chặng đường hơn 30 năm công tác trong ngành khí tượng thủy văn, tôi đã di chuyển qua rất nhiều trạm quan trắc từ miền núi cao Trà My đến các trạm vùng sâu vùng xa ở Quảng Ngãi rồi về Trạm khí tượng Đà Nẵng, đã từng “bắt bệnh” nhiều cơn bão mạnh đổ bộ gây thiệt hại nặng nề cho người dân nơi đây”. Chị Tùng nhớ lại, ngày đầu mới về Trạm Khí tượng Đà Nẵng, đó là ngày phải trực tiếp đối mặt với cơn bão Xangsane (năm 2006). Một cơn bão được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất trong vòng 40 năm đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng. Đây là một cơn bão mạnh tầm siêu bão. Với sức gió mạnh nhất theo thang đo gió Beaufort tại Việt Nam thời điểm đó là trên cấp 12.

Thời điểm khi bão đổ bộ, thiết bị quan trắc gió tự ghi Munro (năm 2006) đã ghi được các giá trị lịch sử tốc độ gió giật cấp 14. Mái tôn nhà công vụ, bên cạnh phòng trực ca của Trạm Khí tượng Đà Nẵng tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực rất kiên cố cũng bị gió cuốn bay phần nóc. “Để có số liệu phục vụ ra bản tin cảnh báo kịp thời, quan trắc viên chúng tôi với sự trợ giúp của các cán bộ mạng lưới trạm Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ đã dũng cảm ra vườn quan trắc trong bầu trời tối đen, mưa vần vũ, gió gào thét ù ù bên tai. Mỗi bước di chuyển chúng tôi lại động viên nhau, nếu không có thông tin của mình truyền đi các đơn vị làm dự báo sẽ không có được những thông số quan trọng như khí áp, sức gió để xác định vị trí của cơn bão. Như vậy sẽ nguy hiểm đến tính mạng của hàng triệu người dân” - quan trắc viên Hoàng Thị Tùng kể lại.

Thấm thoát chị Tùng đã có 20 năm thâm niên tại Trạm Khí tượng Đà Nẵng. Giờ đây, hệ thống trang thiết bị quan trắc khí tượng của ngành đã được thay đổi hiện đại hơn rất nhiều với các thiết bị tự động, hiện đại hơn nhưng cũng đòi hỏi mỗi quan trắc viên và dự báo viên phải học tập, tiếp thu công nghệ quan trắc mới, vận hành các thiết bị tự động, kiểm tra, đối chiếu đảm bảo thông tin truyền dẫn hoạt động thông suốt. Dù vậy, một số yếu tố vẫn bắt buộc phải quan trắc trực tiếp của quan trắc viên như: phân định mây, trạng thái mặt đất, tầm nhìn ngang…

Dầm mình trong lũ đo nước

Anh Cao Văn Thành, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Trị, vùng đất được mệnh danh khắc nghiệt nhất miền Trung nhớ lại, mỗi khi có áp thấp nhiệt đới hay bão đổ bộ vào dải đất miền Trung thì anh em quan trắc, dự báo đều phải căng mình từ 5-10 ngày, có lúc nửa tháng trời. Đặc biệt có những đợt thiên tai lũ chồng lũ, bão chồng bão liên tiếp, điển hình như đợt thiên tai năm 2020 kéo dài suốt hơn 40 ngày, các quan trắc viên phải dầm mình trong lũ để hoàn thành nhiệm vụ.

Hiện nay, máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến đã hỗ trợ rất nhiều cho việc dự báo, phạm vi dự báo cũng rộng hơn. Nhưng cùng với đó, yêu cầu của xã hội lại đòi hỏi chi tiết cụ thể tới từng điểm. Dự báo khí tượng, thủy văn là khoa học xác suất nhưng vẫn phải nỗ lực để có thể dự báo sớm, thông tin kịp thời về những khả năng có thể xảy ra, giúp cho cộng đồng có những ứng phó kịp thời.

“Xã hội vẫn chưa có nhiều thông tin về lĩnh vực khoa học này nên thường không chú ý đến công tác dự báo, cảnh báo, chỉ đến khi thiên tai xảy ra có thiệt hại mới nhìn sang việc dự báo. Đây là một áp lực vô cùng lớn đối với nghề dự báo khí tượng thủy văn. Công việc khắc nghiệt, vất vả như vậy nhưng chúng tôi thấy rằng mình làm công việc có ích cho mọi người, cho xã hội và đất nước nên mình sẽ cố gắng hết sức để thông tin dự báo, cảnh báo ngày càng thiết thực hơn”- anh Cao Văn Thành tâm sự.

Quan trắc viên ở khu vực Nam bộ so với miền Bắc và miền Trung có phần đỡ nhọc nhằn hơn do ít bị ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai bão, lũ. Nhưng cũng có những khác biệt đặc thù. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm, là vựa lúa của cả nước và chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực. Vì vậy những thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn có tính dự báo xa như dự báo mùa, dự báo năm; dự báo lũ, ngập lụt yêu cầu độ tin cậy cao và liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành mùa vụ, cung cấp và sử dụng tài nguyên nước của khu vực và địa phương.

Chủ quyền của Việt Nam ở đâu là ở đó có cán bộ ngành Khí tượng thủy văn

“Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, vị trí công tác nào hay địa bàn công tác khó khăn gian khổ nào, anh chị em quan trắc viên, dự báo viên khí tượng thủy văn ở mọi miền đất nước luôn phát huy tinh thần kiên cường, vì cộng đồng phục vụ. Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm quy trình, quy phạm của ngành và thực hiện theo phương châm hành động thống nhất - chính xác - liên tục - tin cậy và kịp thời đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị, đảm bảo phòng chống thiên tai và góp phần bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo của Tổ quốc. Ở đâu có chủ quyền của Việt Nam là ở đó có những cán bộ ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam”.

Anh Trần Văn Linh (Trưởng Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-lam-nghe-bat-benh-ong-troi-post543550.antd