Chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển

Cán bộ DS-KHHGĐ tỉnh đi truyền thông về chính sách dân số tại huyện miền núi những ngày đầu thành lập ngành Dân số. Ảnh: TƯ LIỆU

Cách đây 60 năm, giữa lúc đất nước còn bị chia cắt, dân tộc Việt Nam phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam để thống nhất đất nước, Hội đồng Chính phủ đã thông qua một quyết định khá đặc biệt. Đó là Quyết định 216-CP ngày 26/12/1961 về việc hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch cho nhân dân do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký.

Tính độc đáo của quyết định này ở chỗ, trong lúc hầu như phần lớn các nước trên thế giới đều chưa hề quan tâm đến vấn đề dân số, đến yếu tố dân số trong phát triển, thì Việt Nam, một nước vừa trải qua cuộc chiến tranh 9 năm ác liệt chống thực dân, vừa mới hàn gắn các vết thương chiến tranh và đang chung sức xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc đất nước, đồng thời phải chi viện cho đồng bào miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc để thống nhất Tổ quốc, lại đặt vấn đề điều chỉnh sinh đẻ, hay nói một cách rộng hơn, điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho tương lai trước mắt và lâu dài.

Chú trọng chất lượng dân số

Điểm nổi bật thứ hai của Quyết định 216 là tính nhân văn và tính nhân bản của văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta về công tác DS-KHHGĐ. Điều 1 của quyết định trên khẳng định: “Vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp”.

Trong suốt 60 năm qua, Việt Nam đã phấn đấu gian khổ và bền bỉ trong lĩnh vực DS-KHHGĐ dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước. Từ mức sinh rất cao với số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,39 con vào năm 1960, đến năm 2009 chỉ còn 2,03 con và hiện nay vẫn giữ mức sinh thay thế 2,1 con. Chương trình dân số Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và về lượng, các mô hình về nâng cao chất lượng dân số đang được triển khai và đi vào hoạt động có hiệu quả càng minh chứng cho việc chúng ta đang chuyển dần từ những mục tiêu thuần túy về DS-KHHGĐ sang những mục tiêu rộng hơn về dân số - phát triển và chất lượng cuộc sống.

Để ghi nhớ quyết định đầu tiên của Nhà nước ta về công tác DS-KHHGĐ, ngày 19/5/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định 326/QĐ-TTg lấy ngày 26/12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam. Và ngày 26/11/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 2161/2010/QĐ-TTg lấy tháng 12 hàng năm làm Tháng hành động quốc gia về dân số.

Việc tổ chức Tháng hành động quốc gia về dân số hàng năm nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình, đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ huyện miền núi Đồng Xuân tham gia khám sàng lọc, tư vấn SKSS/KHHGĐ. Ảnh: KIM CHI

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ huyện miền núi Đồng Xuân tham gia khám sàng lọc, tư vấn SKSS/KHHGĐ. Ảnh: KIM CHI

Khó khăn và thách thức

Công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: mức sinh đã đạt mức sinh thay thế (2020 là 2,09 con) nhưng vẫn chưa đồng đều ở các vùng, miền; có nguy cơ tăng trở lại nếu không quan tâm đúng mức, đặc biệt tỉ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại còn thấp (năm 2020 là 70,51%). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng giảm nhẹ (năm 2020 là 107,68 nam/100 nữ). Tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn còn xảy ra nhiều ở các địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng. Đây là những thách thức đặt ra cho việc ổn định quy mô dân số, giảm sinh bền vững và từng bước nâng cao chất lượng dân số của tỉnh hiện nay và những năm tiếp theo.

Là một tỉnh đối mặt trực tiếp với biển Đông, mỗi năm Phú Yên thường hứng chịu nhiều cơn bão lụt. Phú Yên sẽ là một trong các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu do khả năng nước biển dâng cao. Biến đổi khí hậu có thể làm con người dễ bị tổn thương, cuộc sống vất vả hơn vì họ sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc thích nghi với những tác động gây ra bởi biến đổi khí hậu. Đặc biệt trong năm qua, tỉnh ta đang căng mình đối phó với dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, để đảm bảo con người luôn là trọng tâm của quá trình phát triển, chúng ta cần phối hợp mọi nguồn lực để bảo vệ các thành tựu đã đạt được, đồng thời giải quyết có hiệu quả những nguy cơ và thách thức trong thời gian đến.

Tăng cường hoạt động tuyên truyền

Trước những khó khăn, thách thức đó, ngành DS-KHHGĐ tỉnh xác định tiếp tục tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách dân số trong tình hình mới.

Theo đó, công tác tuyên truyền tập trung vào các nội dung chính: Những thành công của chương trình DS-KHHGĐ của Việt Nam, tỉnh nhà trong thời gian qua. Những khó khăn, thách thức của công tác dân số trong thời gian đến khi chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Tập trung tuyên truyền sâu rộng về chủ đề và các thông điệp chính kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Dân số, Ngày Dân số Việt Nam 26/12; tuyên truyền các nội dung ưu tiên về sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên; các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tình dục an toàn; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và tác hại của phá thai không an toàn. Tư vấn lợi ích khám sức khỏe trước hôn nhân, hôn nhân cận huyết, tảo hôn; tầm soát, chẩn đoán sớm và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp. Tư vấn về sức khỏe bà mẹ, trẻ em và làm mẹ an toàn; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; tác hại và hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho nhóm đối tượng tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; phòng chống các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Ưu tiên phản ánh các hoạt động, các mô hình, các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực DS-KHHGĐ…

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Dân số, tại các cấp, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền về ngày truyền thống của ngành. Cấp huyện xã, căn cứ vào tình hình thực tế, lựa chọn tổ chức các hoạt động đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực; lồng ghép các hoạt động kỷ niệm trong tháng 12 với các hoạt động khác, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu. Tổ chức, hướng dẫn đội ngũ cán bộ các ban ngành có liên quan, cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn, buôn tăng cường gặp gỡ, tư vấn cho các đối tượng, các cặp vợ chồng, thực hiện chính sách DS-KHHGĐ nói chung, các vấn đề liên quan tới chủ đề của đợt kỷ niệm.

Đồng thời tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về việc chuyển trọng tâm chính sách từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Chú trọng tuyên truyền chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển trong tình hình mới nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các nhóm đối tượng, đặc biệt là giới trẻ. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, tuyên truyền giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 và các năm tiếp theo.

Để ghi nhớ quyết định đầu tiên của Nhà nước ta về công tác DS-KHHGĐ, ngày 19/5/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định 326/QĐ-TTg lấy ngày 26/12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam. Và ngày 26/11/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 2161/2010/QĐ-TTg lấy tháng 12 hàng năm làm Tháng hành động quốc gia về dân số.

NGUYỄN HỮU HƯƠNG

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/269007/chuyen-trong-tam-tu-ds-khhgd-sang-dan-so-va-phat-trien.html