Chuyện tình trên đảo Bạch Long Vĩ

TP - Trên đảo Bạch Long Vĩ hiện có hơn 40 gia đình Thanh niên xung phong (TNXP). Hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc đang ngày càng lớn mạnh một phần nhờ vào các thế hệ thanh niên tình nguyện.

Vợ chồng trẻ Cao Văn Viên và Nguyễn Thị Huế đến với nhau từ sự đồng cảm. Trong những lần đi lao động cùng nhau, Huế đã cảm Viên bởi lòng nhiệt tình trong công việc. Nhưng phải đến khi Huế được chứng kiến Viên lăn xả cứu bà con ngư dân bị nạn trong bão Huế mới cảm động thực sự. "Sau lần đó, em càng yêu anh ấy hơn, và cuối tháng 9-2010 chúng em đã tổ chức đám cưới", Huế kể. Huế và Viên mong muốn con mình sẽ trở thành công dân của đảo Bạch Long Vĩ. Anh Nguyễn Văn Hậu, Liên đội phó Đội TNXP Bạch Long Vĩ là một trong 62 thanh niên đầu tiên ra xây dựng đảo từ ngày 26-2-1993. Anh Hậu nay đã có hai con, đều được gửi về sống cùng ông bà nội trong đất liền, còn vợ chồng anh quyết gắn bó quãng đời còn lại với đảo. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đảo, anh Hậu nói trong gió biển: "Tôi chưa từng dám mơ có ngày điện sáng trưng, điện thoại cầm tay, xe máy chạy trên đường bê tông thẳng tắp như hiện nay". Dừng lại trước rừng cây phi lao, anh Hậu hãnh diện bảo đó là công sức mà Đội TNXP đã dày công trồng từ những ngày đầu ra đảo. Anh kể, ngày đầu mới ra, đảo còn hoang sơ, trơ trọi nên họ phải phát cỏ dại, xương rồng để lấy đường đi. TNXP sống tạm trong dãy doanh trại lợp tranh của bộ đội nhường lại. Anh Hậu và các thanh niên khác còn đối mặt với nguy hiểm vì đào phải bom mìn. Công trình đầu tiên mà đội TNXP làm là 6 ngôi nhà. Giờ đây hòn đảo xưa đã là một thị trấn biển sầm uất với hàng ngàn mét đường bê-tông; điện, đường, trường, trạm khang trang. Hội độc thân Dãy nhà A1 nằm phía bên phải nhà trực của Đội TNXP đảo Bạch Long Vĩ là nơi ở của anh chị em TNXP độc thân, hầu hết họ là người trẻ tuổi. Chị Vũ Thị Tám, SN 1968 là người nhiều tuổi nhất. Chị Tám đi cùng đợt với anh Hậu, thuộc nhóm thanh niên đầu tiên trên đảo. Ra đảo từ lúc còn rất trẻ, mải mê xây dựng đảo, ngoảnh đi ngoảnh lại 18 năm trôi qua, giờ bước qua tuổi 40 mà chị vẫn gắn bó với dãy nhà A1. Chị Tám vẫn nhớ như in những ngày đầu bước chân lên đảo, đường đi không có, rắn rết bò đầy. Muốn về cũng khó bởi vài ba tháng hoặc nửa năm mới có chuyến tàu ra. "Hồi đó, không hiểu sao sức thanh niên khỏe thế. Nhiều chị em dáng người nhỏ thó nhưng vẫn gánh từng gánh đá, gạch, bê tông chạy phăng phăng", chị Tám nói. Những người như chị Tám đã tình nguyện cống hiến tuổi thanh xuân cho đảo để giờ đây Bạch Long Vĩ được gọi là hòn đảo xanh, đảo thanh niên tràn trề sức sống mới. Sinh năm 1988, nhưng Phạm Thị Ngoan (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã có thâm niên 5 năm làm cư dân đảo. Lứa đi cùng với Ngoan còn có 4 cô gái, nhưng nay 4 cô đó đã về đất liền lấy chồng xây dựng cuộc sống mới, còn Ngoan kiên trì bám đảo. "Hồi đầu mới ra đây em nhớ nhà lắm, chỉ mong ngày được trở về, nhưng giờ ngược lại, về nhà em lại nhớ đảo. Người ở đảo quý nhau, sống tình cảm và chân thành", Ngoan nói. Đang học lớp 12, Ngoan quyết định xếp bút nghiên từ bỏ ước mơ làm cô giáo để đi xây đảo. Đúng ngày thi ĐH, Ngoan lên tàu ra đảo. "Em có thể làm mọi việc từ tỉa cây cảnh, trồng rau, cho đến làm đường, xây nhà…", Ngoan nói. Ngoan còn là thành viên đội văn nghệ thường tham gia biểu diễn. Gắn bó với đảo, Ngoan chưa có ý định quay lại đất liền và đang phấn đấu để được đi học nâng cao trình độ rồi góp sức xây dựng Bạch Long Vĩ ngày càng giàu đẹp.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/gioi-tre/527230/chuyen-tinh-tren-dao-bach-long-vi.html