Chuyện tình của 'Hùm xám' Đặng Văn Việt

Trung tá Đặng Văn Việt sinh năm 1920. Kháng chiến chống Pháp, đồng bào Cao-Bắc-Lạng vinh phong ông là 'Đệ tứ lộ đại vương', quan quân Pháp gọi ông là 'Hùm xám Đường số 4'.

Thế hệ cụ Việt được trui rèn trong biển lửa cứu nước. Khi biết tin đoàn con cháu tháp tùng cụ cùng hai người em gái 87 và 77 tuổi về khói hương tại quê làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu và làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương (đều thuộc Nghệ An), tôi đón đoàn tại Vinh để được vài giờ ngồi trên xe hầu chuyện “cụ lính”.

Thoạt đầu thấy cụ kín đáo kiệm lời, trong khi mình chỉ được vài giờ ngồi xe hội kiến, tôi bỗng nảy “cao kiến” cứ vận dụng lợi thế đồng hương Nghệ, biết đâu... Thật không ngờ, cái chất Nghệ “nhìn không thấy, sờ không chạm” ẩn trong máu thịt chúng tôi lại lập tức xua tan cách biệt về tuổi tác:

- Đọc nhiều bài về chuyện binh nghiệp của bác rồi, giờ em muốn bác kể chuyện tình yêu của một thời. Tình yêu của người chiến sĩ trong thi phẩm Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Núi Đôi của Vũ Cao, sau nữa là Quê hương của Giang Nam đều đẫm chất bi hùng, riêng tình yêu của “Đệ tứ lộ đại vương” có trắng màu tang tóc như thế không?

Cụ Đặng Văn Việt (ngoài cùng, bên phải) thắp hương trước ban thờ liệt sĩ Nguyễn Tài Chất.

- Đời tôi có những việc tôi làm được mà cũng không biết vì sao mình làm được, riêng về tình yêu hạnh phúc lứa đôi, cho đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao mình bị mất vĩnh viễn dù đã cầm nó trong tay. Đúng là “núi vẫn đôi mà tui (tôi) mất em”! – Cụ Việt chậm rãi trải lòng.

Năm 1943, đang là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, Đặng Văn Việt tham gia phong trào sinh viên cứu quốc. Đêm mồng 9-3-1945 Nhật hất cẳng Pháp, trường y đóng cửa, anh trở về quê tham gia phong trào Thanh niên tiền tuyến của luật sư

Phan Anh, sau đó được chọn vào Huế học lớp đào tạo kiến thức vỡ lòng về quân sự.

Theo học lớp được gần một tháng, chưa kịp tốt nghiệp thì Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ngày 21-8-1945, Huế chưa khởi nghĩa, anh Việt cùng một người nữa nhận nhiệm vụ lên kỳ đài treo cờ đỏ sao vàng của Mặt trận Việt Minh, thay cho cờ “quẻ ly” của chính quyền Bảo Đại. Mấy hôm sau, trong buổi lễ Bảo Đại trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời, anh nghe viên chỉ huy đội cận vệ Hoàng gia kể lại, ngày 21-8, khi anh và đồng đội đang trên kỳ đài treo cờ, nhóm lính Hoàng gia từ nơi mai phục đã sẵn sàng nổ súng sát hại hai anh, cũng may Bảo Đại kịp phát hiện ngăn lại.

Nước Việt Nam mới ra đời, anh Việt gia nhập Vệ quốc đoàn. Vừa làm lính được chừng 3 giờ đồng hồ thì cấp trên giao cho anh chỉ huy trung đội chiến đấu, rồi chỉ huy đại đội, rồi ít lâu sau giao làm Hiệu trưởng Trường Quân chính Trung Bộ. Đang trai trẻ, để rảnh rang hoạt động cách mạng nên anh không muốn yêu sớm, song tình yêu là lĩnh vực của con tim nên không thể định trước điều gì.

Từ chỗ là bạn học cùng Trường Đồng Khánh (Huế) với em gái Đặng Thị Tâm, cô Lan Huê người Huế, con ông Thượng thư triều đình Huế, chủ động đi lại với bạn Tâm, với gia đình bố mẹ anh Việt tại làng Nho. Anh chưa vợ, chị chưa chồng, gặp nhau để đôi mắt nói nhiều, và “tự nhiên yêu nhau lúc nào không biết”. Năm 1946, bấy giờ anh Việt đang dạy Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, đôi bên gia đình các cụ tổ chức đám cưới cho cặp trai tài, gái sắc. Được tranh thủ về nhà, vừa mới cưới thì có điện gọi anh ra Hà Nội gấp, vậy là chú rể trở lại đơn vị mà không kịp có đêm tân hôn với nàng dâu tuổi mới 20.

Trước đó ít hôm, cô Đặng Thị Tâm-em gái anh Việt vừa về làm dâu nhà chồng tại làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương. Cưới vợ hôm trước, hôm sau bác sĩ Nguyễn Tài Chất (bạn thân của anh Việt) phải trở ra Quân y viện ở Hà Nội, cô Tâm ở lại làm dâu được hai ngày thì cụ Tài Đức bảo:

- Đốc tờ Chất mới ra trường, lúc này công việc của đốc tờ nặng gánh lắm, con nên ra Hà Nội chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho chồng, ở nhà bố mẹ đã có anh em họ hàng giúp đỡ.

Chỉ hai ngày ở với bố mẹ chồng tại quê chồng, cô Tâm đành khăn gói ra Hà Nội. Trước khi rời xứ Nghệ, cô về làng Nho Lâm, ở lại nhà với bố mẹ đẻ một tuần vừa để động viên bạn gái Lan Huê giờ đã thành chị dâu lẻ bóng. Nhưng cô Tâm vừa ra đi hôm trước, hôm sau cô Lan Huê xin phép bố mẹ chồng về thăm bố mẹ đẻ ở Huế và không một lần trở lại. Đến nay “cô-cụ” Tâm đã 87 tuổi vẫn không hiểu nổi vì sao người bạn thân-chị dâu của mình bỏ nhà đi.

Đặng Văn Việt đang chỉ huy đơn vị ở xa không biết tại quê làng Nho Lâm, cả dòng họ Đặng đang trút hờn giận lên đầu anh về việc từ thuở khởi dòng họ Đặng ở Nho Lâm đến giờ, dòng họ danh giá này lần đầu mới bị một nàng dâu tự ý bỏ nhà đi mà không nói lại câu gì.

Rồi Toàn quốc kháng chiến, anh Việt lần lượt được giao chỉ huy các mặt trận Đường 9-Nam Lào, Đường 7 Nghệ An, Đường 6 Hòa Bình-Sơn La, rồi về Ban Tác chiến Bộ Tổng tham mưu. Tháng 7-1947, anh giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, tham chiến trên Đường số 4 Cao-Bắc-Lạng. Năm ấy anh 27 tuổi, làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Đường số 4. Hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, hầu hết thời gian có mặt trên chiến trường trực tiếp đương đầu với quân đội Pháp thiện chiến, nên “Đệ tứ lộ đại vương” mãi nhiều tháng sau mới biết “tự dưng mình mất vợ”.

Nếu như ban đầu cô Lan Huê không yêu chàng sinh viên dòng họ Đặng danh gia vọng tộc xứ Nghệ thì là một nhẽ, đằng này cô ấy yêu quyết liệt như thế, cớ sao lại dễ dàng bỏ đi? Nếu từ đầu mà biết cô ấy không yêu mình thì anh Việt chẳng để cho gia đình phải lo hỏi, lo cưới. Sau cú ngã ngựa kinh hoàng hơn cả sét đánh ngang tai, “Đệ tứ lộ đại vương” ủy nhiệm gia đình tìm hiểu giới thiệu cho một người.

May mà nhờ cô em là Đặng Thị Hồng Vân làm việc ở Trường Quân dược, tìm hiểu giới thiệu cho anh người bạn tên là Nguyễn Thị Huyền. Cô Huyền hết Tú tài thi đậu Trường Đại học Y khoa, tốt nghiệp Dược sĩ. Gặp nhau trong chiến tranh nhưng anh vô cùng may mắn có được người vợ hết lòng thương yêu chung thủy. Sau hòa bình 1954, cô Huyền làm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm của Bộ Y tế. Vợ chồng sinh được hai người con, cô gái đầu là kiến trúc sư, chàng trai thứ hai là kỹ sư xây dựng. Năm 1999, bà Huyền mất vì bệnh.

Năm 1954, cô Lan Huê lấy chồng làm Thứ trưởng Bộ Lương thực và có hai con gái. Mấy lần họp bạn bè đồng hương xứ Huế tại Hà Nội, anh Việt có gặp lại cố nhân, cả hai chuyện trò bình thường và cố tình quên đi chuyện cũ buồn đau. Bà Lan Huê mất cách nay vài năm...

GIAO HƯỞNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/chuyen-tinh-cua-hum-xam-dang-van-viet-740331