Chuyện tình... chim sơn ca núi

Từng nghe nhiều về H’Ben, người vợ thứ hai của anh hùng Núp, nhưng mãi đến bây giờ, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ, trò chuyện...

Bà H’Ben khi biểu diễn tại Cộng hòa dân chủ Đức (ảnh sưu tầm trên net)

Từng nghe nhiều về H’Ben, người vợ thứ hai của anh hùng Núp, nhưng mãi đến bây giờ, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nàng sơn nữ một thời nổi tiếng xinh đẹp và tài năng này. Thật kỳ lạ là dù đã bước sang tuổi 84, giọng nói của chim sơn ca núi rừng Tây Nguyên vẫn trong trẻo, dáng đi vẫn thoăn thoắt và sức khỏe vẫn còn rất tốt. Đón chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ nằm giữa vườn điều râm mát tại thị trấn Kong Chro (cách thành phố Pleiku 120km), với trí nhớ đáng khâm phục, bà H’Ben kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của mình bằng giọng Kinh đôi chữ có chút lơ lớ…

Truân chuyên đời… sơn nữ ca

16 tuổi, H’Ben tham gia cách mạng bằng những chuyến giao liên, những lần tiếp tế lương thực cho du kích, bộ đội diệt đồn An Khê, Cheo Reo… Tiếng tăm của nàng sơn nữ xinh đẹp hát hay, múa giỏi, siêng làm cách mạng… khiến nhiều bà mẹ trong buôn muốn có cô cho con trai họ nhưng đều không thành.

Bà không phủ nhận, chỉ cười bẽn lẽn khi chúng tôi hỏi, ngày xưa, chắc chắn cô gái H’Ben đẹp lắm? Không chỉ đẹp, H’Ben còn có nhiều tài năng. Cô không những biết nói các thứ tiếng như: Gia Rai, Ê-đê... mà còn sở hữu một giọng hát trong veo, ngọt ngào như những dòng suối của đại ngàn. Bên cạnh đó, với thân hình dong dỏng cao, cân đối, H’Ben còn múa rất đẹp những vũ điệu của Tây Nguyên. Nhiều chàng trai Ba na mong muốn được H’Ben để mắt tới nhưng đều bị từ chối.

Mãi đến năm 22 tuổi, bố mẹ quyết định ép gả H’Ben cho một chàng trai trong làng đã yêu đắm đuối và chờ đợi cô từ lâu lắm. Chưa từng một lần gặp mặt người ta, không hề có tình yêu, lại sẵn tính bướng bỉnh, ngay trong đêm làm lễ Kết Jâng (buộc hai người lại với nhau như trai gái ngày nay đăng ký kết hôn), H’Ben đã bỏ trốn vào rừng sâu. Khi mệt mỏi và kiệt sức, cô ngủ quên trên một thân cây đổ bên bờ suối vắng. Sáng hôm sau, H’Ben quyết định tìm về nhà, sống với mẹ. Năm 1955, khi mất đứa con trai một tuổi, H’Ben được cán bộ đưa đi tập kết ra Bắc, rồi gia nhập đoàn Văn công Giải phóng (sau này là đoàn Văn công Tây Nguyên).

Hồi đó, khi ra Bắc, cô diễn viên nổi tiếng hát hay múa đẹp H’Ben còn chưa biết chữ, chưa nói được tiếng Kinh. Khát vọng lớn nhất của H’Ben là được đi học. Dù biết đó là một điều tốt, nhưng đoàn Văn công Tây Nguyên không thể thiếu vắng sơn ca H’Ben. Đúng lúc đó, nghệ sĩ violon tài hoa Lê Đức Thịnh, anh chàng đẹp trai, dân phố cổ Hà Nội, đã xuất hiện.

Lúc đầu, với tư cách là người thầy đầu tiên, Thịnh dạy H’Ben phát âm, tập đánh vần, tập đọc, tập viết… những tiếng Kinh đầu tiên. Với sự nhiệt tình của thầy giáo và lòng khao khát học hỏi của học trò, H’Ben tiến bộ rất nhanh. Đến một ngày, chàng trai Hà Nội hào hoa phong nhã nhận ra mình đã phải lòng con chim sơn ca của núi rừng Tây Nguyên. Ngược lại, trái tim nàng sơn nữ xinh đẹp cũng thổn thức trước ánh mắt say đắm của “thầy giáo” Thịnh.

Song, mối tình vừa chớm nở ấy đã gặp sóng gió dữ dội do gia đình Thịnh ra sức ngăn cản. Lý do nhiều và chính đáng: dù xinh đẹp và tài năng, H’Ben vẫn là người dân tộc; hơn thế, cô đã qua một đời chồng, trong khi Thịnh là trai tân; Thịnh không chỉ là con trai một mà còn trẻ hơn H’Ben hai tuổi. Tuy vậy, Thịnh vẫn cương quyết vượt qua những cấm đoán, trở lực, cương quyết từ chối cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối do gia đình sắp đặt để yêu H’Ben. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với hai người bằng một đám cưới vui vẻ…

Gia đình bà H’Ben tại Hà Nội

Châu về hợp phố…

Bỗng dưng bà rẽ ngang, về làm vợ của một vị anh hùng nổi tiếng. Nhưng mối lương duyên ngắn ngủi ấy chỉ kéo dài được ba năm, có với nhau một người con trai. Sau đó, bà và anh hùng Đinh Núp chia tay. Bà vui vẻ nói: “Mình và ông Núp ra tòa, tòa ký quyết định ly hôn nhanh lắm!”. Tuy không còn là vợ chồng, nhưng sau đó, Đinh Núp và H’Ben vẫn đối với nhau như những người bạn thân thiết. Tháng 7/1999, khi anh hùng Núp mất, bà H’Ben và người chồng sau là ông Lê Đức Thịnh, mối tình lớn của đời bà - đã cùng đến làm đám tang và để tang ba ngày.

Khi bà H’Ben ngừng lời uống nước cho đỡ xúc động khi nhắc về ngày cũ, tôi hỏi về người đàn ông thuở xưa: “Bà ơi! Còn ông Thịnh thì sao? Lúc đó ông ấy đã có ai chưa hay vẫn chờ bà?”. Bà H’Ben cười rất tươi:

- Ông ấy vẫn đợi mình. Tận bốn năm cơ đấy! Mà lúc đó, rất nhiều cô gái trẻ, xinh đẹp, chưa chồng, cứ quấn lấy ông ấy, đòi lấy làm chồng, nhưng ông ấy không chịu.

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/tam-su/hon-nhan/chuyen-tinh-chim-son-ca-nui-74849/