Chuyện rồng trên miền đất núi Ấn sông Trà

Những tên làng, tên xóm, tên ngọn núi gắn liền với những giai thoại và hình ảnh con rồng luôn in sâu vào tâm thức, là niềm tự hào của mỗi người dân nơi miền đất núi Ấn sông Trà.

Đi từ Dốc Sỏi vào đến Châu Me trên quãng đường hơn 100km, không khó để nghe những truyền thuyết về hình ảnh con rồng trên miền đất núi Ấn sông Trà.

Những tên làng mang theo chữ "long, chữ phụng" phần nào đã nói lên mảnh đất địa linh nhân kiệt gắn liền với những chiến công vang lừng sử sách. Tên mỗi núi, mỗi làng đều xuất phát từ sự liên tưởng phong phú của người xưa…

Những ngọn núi… rồng

Sông Trà Khúc hiền hòa chảy về biển Đông, dọc hai bên sông là núi là làng trù phú sầm uất. Ở đây, xuôi về phía hạ nguồn bên tả ngạn dòng sông là núi Long Đầu. Ngọn núi nằm giữa lòng đô thị trải dài uốn lượn như hình hài một con rồng đang nằm nghỉ.

Dãy núi Long Đầu trải qua trăm năm dâu bể vẫn trường tồn với thời gian.

Quốc sử quán Triều Nguyễn mô tả trong Đại Nam nhất thống chí rằng: Núi Đầu Rồng, tức Long Đầu, cách huyện Bình Sơn 31 dặm về phía nam, hình thế khuất khúc, sống núi từ núi Sâm Hội chạy về nam, đến khu vực sông Trà Khúc thì dừng, hình như rồng thần hút nước, nên gọi tên thế.

Trên núi có miếu cổ thờ Long Vận tướng quân, sườn núi có 3 đường đi lên, sâu như giếng. Tương truyền, hồi Cao Biền nhà Đường cưỡi diều giấy đến đây yểm đoạn long mạch, hoang đường không tin được.

Trong tập "Mười cảnh Quảng Ngãi" có một đề là Long Đầu hý thủy (đầu rồng vờn nước), tức là núi này. Dẫu trăm năm đi qua, vật đổi sao dời nhưng núi Long đầu vẫn là tên gọi bất biến, ngọn núi này gắn liền với bao ký ức của người dân xứ Quảng.

Xuôi về phía nam đoạn qua cánh đồng lúa Mộ Đức, vùng đất bằng phẳng cò bay thẳng cánh ấy du khách sẽ ấn tượng bởi một dải núi cao khoảng 70m, nằm chắn ngang tầm nhìn về phía biển. Hình thế con đất uốn lượn, nhấp nhô dài khoảng 2km, được người đời gọi là núi Long Phụng (xã Đức Thắng).

Khi nhắc đến tên núi, những bậc cao niên sống quanh chân núi bảo rằng, hình thái của núi được ông bà kể lại rằng đấy là rồng thiêng. Bởi, khi nhìn từ phía tây bắc, núi rõ dáng đầu rồng, đuôi phụng. Từ đó, tên gọi của núi là Long Phụng cũng từ đấy mà ra.

Tương truyền, thuở xưa, giới văn nhân xứ Quảng cũng từng nhọc công tìm đến các vị trí thích hợp để ngắm nhìn núi Long Phụng từ bốn hướng. Ở hướng nào, người ta cũng đều thấy núi có hình rồng, nên đã gọi núi là "tứ diện long".

Xuôi về phía cực nam, bên cạnh dấu tích về nền văn hóa cổ Sa Huỳnh tồn tại hàng nghìn năm qua thì ở đây còn có một ngọn núi gắn liền với những tích kể về bộ xương rồng. Đấy là núi Long Cốt (xã Phổ Phong, TX Đức Phổ).

Núi Long Phụng, ngọn núi mà ở bất kỳ hướng nào người ta cũng liên tưởng đến hình tượng con rồng.

Ngọn núi được cụ Nguyễn Cư Trinh đề thơ ngâm đưa vào một trong mười thắng cảnh của đất Quảng Ngãi khi làm Tuần vũ tại đây vào năm 1750.

Cái tên Long Cốt có nhiều truyền thuyết kể lại, nhưng nhiều bậc cao niên nói thuyết ấn tượng nhất và… có lý nhất là tương truyền, Cao Biền nhà Đường từng đến đây và dùng gươm chém vào thân rồng ngự trên núi. Rồng chết, chỉ còn lại bộ xương, nên từ đấy, núi có tên Long Cốt.

Còn trong sách Dư Địa chí của Nguyễn Trãi viết cách đây gần 600 năm, tên núi Long Cốt đã có từ xưa. Còn theo mô tả trong Đại Nam nhất thống chí, núi Long Cốt cao lớn, nhìn như hình lâu đài…

Chuyện tên làng gắn liền với chữ "long"

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, việc người xưa lấy các chữ này để đặt tên cho sông núi, làng mạc, càng khiến hình tượng rồng trở nên quen thuộc trong đời sống dân gian. Và theo thời gian, tên làng gắn liền mãi trở thành ký ức thân thuộc.

Theo Đồng Khánh địa dư chí, đời Vua Đồng Khánh, trên địa phận huyện Nghĩa Hành ngày nay có một trại tên Long Bàn Tây, thuộc tổng Nghĩa Trung, huyện Chương Nghĩa.

Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, nguyên Phó giám đốc Sở VHT&DL Quảng Ngãi cho biết: Long bàn ở đây là trong cụm từ "long bàn hổ cứ", ý chỉ những vùng hiểm yếu, hoặc có cơ thịnh vượng vì có hình dáng như rồng phục, hổ ngồi.

Gốc đa tồn tại hàng trăm năm qua nhưng minh chứng cho sự trường tồn và thịnh vượng của vùng đất này.

Địa danh Long Bàn Tây bây giờ không còn nữa, nhưng trong Từ điển địa danh Quảng Ngãi, do nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư làm chủ biên, trại Long Bàn Tây ngày ấy, có lẽ thuộc địa bàn hai thôn Long Bàn Bắc, Long Bàn Nam, thuộc xã Hành Minh (Nghĩa Hành) bây giờ.

Ở thôn Long Bàn Nam ngày nay, tại xứ đồng Rộc Ban Yên có cây đa gần 300 năm tuổi, như là chứng nhân cho bề dày lịch sử mấy trăm năm của làng.

Trong kháng chiến chống Pháp, ngay tại gốc đa cổ thụ, người dân đã dùng làm trạm quân y, điểm tuyên truyền cách mạng, nơi chiến sĩ tuyên thệ trước khi lên đường.

Trưởng thôn Long Bàn Nam Đặng Bé cho biết, hai thôn Long Bàn Nam, Long Bàn Bắc phía nam giáp rừng, phía bắc giáp sông, địa thế hiểm yếu. Ngày trước, nơi đây là vị trí thuận lợi cho chiến sĩ cách mạng nương náu.

Từ bao đời nay, cứ đến dịp cuối năm, hoặc tháng 3 âm lịch, người dân trong làng tề tựu về cây đa sửa soạn mâm cúng, cúng thần đa và cúng nghĩa từ. Đó là nét đẹp trong văn hóa ứng xử, thể hiện đạo lý, lẽ sống tốt đẹp ở đời.

Theo "Từ điển địa danh Quảng Ngãi", trong số hơn 2.500 địa danh gồm các đơn vị hành chính các cấp xưa và nay, tên các địa hình, địa thể tự nhiên và tên do dân gian đặt cho làng xóm, vùng đất, thì địa danh có chữ "long" hoặc "rồng" có hơn 40 địa danh. Trong đó, dù nhiều địa danh có chữ "long", nhưng xét về nghĩa, phần lớn đều mang ý nghĩa là thịnh vượng, còn lại, chữ "long" có nghĩa là con rồng, chỉ đếm đầu ngón tay.

Trong đó, địa danh làng Long Phụng ngay bên dưới chân núi Long Phụng có từ hàng trăm năm trước. Dù nay tên làng đã không còn, nhưng trong thâm tâm mỗi người dân thì tên làng vẫn còn đó, và người dân cứ lấy cái tên Long Phụng mà gọi cho làng mình, quê hương mình. Trong đó, minh chứng rõ nét nhất đấy là họ đặt tên cho ngôi chợ giữa xã là chợ Long Phụng như muốn nhắc nhở về cái tên đã tồn tại trăm năm.

Theo sử sách chép lại, làng Long Phụng ngày trước, do tướng quân Lê Vinh Quảng tùng chinh với vua Lê Thánh Tông lưu lại đây và sáng lập nên. Nay còn di tích nhà thờ tại thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng.

Vào đời vua Gia Long, Long Phụng lúc ấy là một xã, thuộc tổng Trung, huyện Mộ Hoa. Trong hương ước làng Long Phụng có nêu, vào đời vua Bảo Đại, từ cách đây gần trăm năm, người làng lúc ấy đã bố trí hẳn 1 mẫu đất dùng vào mục đích khuyến học.

Hằng năm, phần ruộng này được làng đấu giá để lấy tiền mua giấy viết, sách vở hạng tốt cấp thưởng cho học sinh và dùng tu bổ trường, bàn ghế…

Chợ Long Phụng, ngôi chợ được đặt từ điển tích về núi Long Phụng gắn chặt với tâm thức người dân nơi đây.

Ở vùng đất Long Phụng ngày trước và bây giờ, chủ trương "lấn tự hơn lấn điền", nghĩa hàm ý là nhiều chữ hơn nhiều ruộng, khuyến khích học hành, vẫn luôn được truyền đời qua các thế hệ. Có lẽ chính vì vậy, mà từ vùng đất này, đã sản sinh ra biết bao người tài giỏi.

Phúc Quân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-rong-tren-mien-dat-nui-an-song-tra-192240209191058929.htm