Chuyện phố và giai nhân ngõ Trạm

Lần nào đi qua phố Ngõ Trạm tôi cũng thấy đàn chim câu bay liệng trên những mái nhà. Những ký ức tràn về trong tôi với tiếng chuông nhà thờ ngân nga trên con đường nhỏ. Tôi nhớ không ít lần ăn phở với cố nhà văn Bùi Bình Thi (1939-2016) bên cạnh chợ Hàng Da. Gia đình ông ở số 2 phố Ngõ Trạm hơn nửa thế kỷ. Ông hay kể về con phố xinh xinh với tiếng còi tàu hỏa hú inh ỏi mỗi khi vào ga Hàng Cỏ...

Chuyện về những ngôi nhà cổ

Cách đây hơn 100 năm phố "Ngõ Trạm cũ" đã được hình thành phía sau chợ Hàng Da. Sau thấy đất hoang còn mênh mông dọc đường tầu hỏa (Phùng Hưng) chính quyền thực dân Pháp ngày đó bèn quy hoạch thành đường phố mới hai bên hông chợ. Họ phân lô bán nền và kêu gọi cánh nhà giàu tới mua và đặt tên đường là "Ngõ Trạm mới" (dài 228 mét). Sau lập lại bản đồ Hà Nội phố "Ngõ Trạm cũ" chính thức mang tên Hà Trung, còn "Ngõ Trạm mới" là phố Ngõ Trạm ngày nay.

Cổng biệt thự cổ ở 12 Ngõ Trạm.

Cánh nhà giầu và các quan lại thời nhà Nguyễn đổ về mua đất ở đây khá nhộn nhịp. Họ xây nhà để ở và cho thuê thành từng dãy. Người đến sớm nhất phố là ngài Tổng đốc Phạm Gia Thụy ở biệt thự số 12. Ngôi nhà này vẫn còn nguyên hình trạng ngôi biệt thự cũ với cổng ra vào được xây dựng với nghệ thuật kiến trúc khá độc đáo. Đến nay, khu biệt thự đã bị "phân lô" tiếp thành nhiều gia đình nhưng bộ khung và mái nhà vẫn được bảo tồn, tạo nên điểm nhấn cho một hình ảnh thời phong kiến còn lưu giữ khá thú vị.

Ngôi nhà đầu phố, số 2 Ngõ Trạm đến sau một thời gian ngắn thuộc về những người theo đạo Tin Lành. Ngôi nhà thờ được xây vào giữa thập niên 20 sau đó được trùng tu kiên cố vào năm 1938 cho đến nay. Phía sau nhà thờ có cửa phụ đi vào dãy căn hộ. Gia đình nhà văn Bùi Bình Thi và em ông là nhà văn Bùi Bình Thiết đã ở đây từ năm 1939. Trải qua hơn nửa thế kỷ, nhà văn quân đội Bùi Bình Thi đã viết hàng chục cuốn sách và hàng trăm bài báo tại căn phòng bé nhỏ ở số 2 phố Ngõ Trạm. Vợ ông là họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Thị Mỹ cũng đã cặm cụi vẽ hằng đêm mỗi khi chồng làm việc xong. Bà đã từng mở 6 cuộc triển lãm về hoa gồm toàn những tranh vẽ tại căn phòng nhỏ bé này.

Mới đây gặp tôi, họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ kể, hai con bà cũng được sinh ra ở tại đây. Con trai đầu là nghệ sĩ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và con gái là họa sĩ Bùi Thanh Thủy. Đặc biệt họa sĩ Bùi Thanh Thủy là một người đẹp của phố Ngõ Trạm với vóc dáng cao 1,7m và khuôn mặt dịu dàng xinh xắn. Họa sĩ Bùi Thanh Thủy vẽ khá nhiều tranh về con phố và ngôi nhà thờ cùng với những thân phận cô đơn bên phố chợ.

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ còn kể khi Bùi Thạc Chuyên cưới vợ (nghệ sĩ Tú Oanh) cũng đã ở ngôi nhà này cho đến khi gia đình chuyển sang Long Biên năm 2014. Nhà văn Bùi Bình Thi mất hai năm sau đó. Cả cuộc đời ông gần 80 năm gắn bó với số 2 Ngõ Trạm. Đây là ngôi nhà văn nghệ sĩ với ba thế hệ hoạt động văn chương nghệ thuật. Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ còn cho biết cháu nội đầu của bà hiện làm việc cho trung tâm đào tào nghệ sĩ trẻ. Cháu nội thứ hai Bùi Thạc Phong đang học năm thứ hai Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.

Nhưng có lẽ ngôi nhà số 20 Ngõ Trạm gây ấn tượng hơn cả về lịch sử văn hóa và gắn bó với sự nghiệp cách mạng. Đó là ngôi trường Tiểu học Thăng Long ở cuối phố số 20 Ngõ Trạm. Trường được hình thành trên cơ sở một dãy nhà ban đầu ở cuối phố do nhà giáo Phạm Hữu Ninh làm Hiệu trưởng. Ông xuất thân là thành viên Viện Dân biểu, làm tham tán phủ toàn quyền Bắc Kỳ nhưng đã "né tránh" việc quan, về nhà mở trường tư thục Thăng Long (đầu tiên ở phố Hàng Cót).

Sau này trường Thăng Long dọn về 20 Ngõ Trạm (năm 1929) đã nâng dần lên cấp đào tạo Thành chung và Tú tài (tương đương với cấp II và III hiện nay). Đội ngũ giáo sư đầu tiên toàn những danh nhân nổi tiếng như Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Phạm Huy Thông… Sau này còn có cả nhà thơ Xuân Diệu và Vũ Đình Liên cũng dậy tại trường này một thời gian. Trường có sức thu hút rộng khắp, ngay năm đầu tiên đã có tới 2000 học sinh theo các lớp. Trường là nơi tuyên truyền vận động giáo dục tư tưởng cách mạng cho học sinh từ khắp nơi tìm về. Năm 1985, Trường Tiểu học Thăng Long đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong hòa bình.

Đóa hoa Bạch Thược

Dân phố Ngõ Trạm không ai không biết tới người đẹp sắc nước hương trời Phạm Thị Bạch Thược (sinh năm 1935). Bà chính là con gái thứ tư của Hiệu trưởng trường Thăng Long đầu tiên Phạm Hữu Ninh. Sống trong gia đình khá giả nên Bạch Thược được cả nhà cưng chiều. Cô rất xinh đẹp như tên gọi đóa hoa Bạch Thược vậy.

Bạch Thược lớn lên cùng ngôi trường trên phố Ngõ Trạm. Từ nhỏ Bạch Thược đã được học tập và thấm nhuần tinh thần yêu nước do cha mình cùng các thầy truyền đạt. Là người nhanh nhẹn và có năng khiếu văn nghệ, Bạch Thược luôn đi đầu trong các sinh hoạt của nhà trường. Thời gian học tại trường Albert Sarraut, người đẹp Bạch Thược đã tích cực tham gia phong trào học sinh kháng chiến Thủ đô. Bạch Thược cũng đã tham gia in báo Nhựa sống, tổ chức bãi khóa chống bắt lính.

Nhan sắc xinh đẹp thuở đôi mươi của mỹ nhân Bạch Thược.

Tại ngôi nhà Ngõ Trạm của người đẹp đã trở thành căn cứ cách mạng, in truyền đơn và tổ chức biểu tình chống chiến tranh. Ở tuổi 16, người đẹp Bạch Thược đã bị sở mật thám Pháp bắt giam 6 tháng vì tội kích động chống chính quyền. Sau đó có sự can thiệp của người anh rể, Bạch Thược mới tránh được đòn tra tấn của giặc và trở về nhà. Với phong cách đài các và xinh đẹp khác thường, Bạch Thược đã gây chấn động trong hàng ngũ giặc Pháp và tay sai khi đối thoại bằng tiếng Pháp lên án chiến tranh.

Người đẹp Bạch Thược nức tiếng khắp Hà thành nhưng không ngờ đường tình duyên của cô lại trái khoáy khó lường. Dân phố vẫn còn nhớ câu chuyện "tình chị duyên em" xảy ra trong nhà ông Hiệu trưởng ngày đó.

Số là chị lớn của Bạch Thược là Kim Thoa đang yêu chàng trai Vũ Sơn. Vợ chồng ông giáo Ninh rất yêu quý Vũ Sơn. Tình yêu hai người ngày càng mặn mà. Nhưng ai dè Kim Thoa đổi lòng thay dạ. Cô đòi đi lấy chồng là một bác sĩ vì cho đó mới là người môn đăng hậu đối. Chàng trai Vũ Sơn chán chường vì thất tình. Ông giáo Ninh mủi lòng thương cảm và khuyên Vũ Sơn đi tham gia kháng chiến (vào năm 1946). Sau này trở về ông hứa sẽ gả cô con gái thứ tư cho làm vợ. Khi ấy đóa hoa Bạch Thược mới mười hai tuổi. Ngỡ chỉ là chuyện an ủi tình cờ nhưng không ngờ lời hứa của cha đã ràng buộc Bạch Thược về sau này.

Ròng rã 9 năm kháng chiến. Khi lớn lên, người đẹp Bạch Thược đã nặng lòng yêu thương một bác sĩ quân y. Nhưng lời của cha như mệnh lệnh khó cưỡng. Bạch Thược sống trong dằn vặt khôn lường. Người yêu của Bạch Thược khi biết rõ chuyện đã quyết định chia tay. Anh tình nguyện ra đi để cho Bạch Thược được trọn nghĩa với gia đình và hạnh phúc sau này. Hôn nhân tuy không có tình yêu của Bạch Thược với Vũ Sơn đã được tiến hành đúng như gia đình sắp đặt. Tuy vậy, họ vẫn sống yên bình hạnh phúc bên nhau đến cuối đời.

Vĩ thanh

Ngõ Trạm phố không chỉ nổi tiếng với câu ngạn ngữ "Trai ngõ Trạm - Gái Tạm Thương" mà còn đi vào thơ ca Hà Nội. Con phố đẹp như một một bức tranh với những ngôi nhà cổ, nhà thờ cùng hàng cây xinh xắn.

Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn đã bày tỏ tâm tư với phố qua hình ảnh mối tình của người đẹp Bạch Thược rằng: "Anh nắn nót một trường thi lãng mạn/ Thơ thuở bé khắc ghi tình Ngõ Trạm". Lại nữa khi các sinh viên đến thực tập ở trường Thăng Long, có chàng thi sĩ đã gửi gắm tình cảm: "Rẽ vào Ngõ Trạm gió hoan ca/ Đung đưa bím tóc nắng chan hòa/ Cô nàng gánh lụa ngang qua phố/ Ngược Hàng Đào hay chợ Hàng Da".

Ngọn gió Nam hun hút thổi mát rượi phố Ngõ Trạm. Phía đầu phố các xe hoa luôn vàng rực lời chào mọi người qua lại. Lúc này, tiếng trống vào lớp rộn rã vang lên. Những cô cậu học trò đứng nghiêm trang trước sân trường cất tiếng hát quốc ca. Lá cờ tung bay trên bầu trời phố xanh mướt những ký ức ngàn năm Thăng Long - Hà Nội thân yêu.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/chuyen-pho-va-giai-nhan-ngo-tram-i649105/