Chuyện ở mom sông

PTĐT - Đôi bờ ngòi Han (xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng) đã được nối liền, việc đi lại của người dân đã an toàn hơn. Đất đã chuyển mình, cuộc sống dần ổn định, kinh tế-xã hội nơi đây nay phát triển mạnh mẽ.

Việc thay thế cầu tạm bằng cầu bê tông kiên cố đã giúp chấm dứt cảnh ngăn sông cấm chợ, đưa bước chân của người dân đôi bờ ngòi Han tới nhiều vùng đất mới, trẻ em thuận lợi đến trường.

Hơn ba năm trước, tôi về Đông Khê (nay là xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng) tìm hiểu về cuộc sống người dân đôi bờ ngòi Han - con ngòi nhỏ chảy từ những dãy núi cao bên huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang qua đất Đoan Hùng đổ về sông Chảy, đồng thời biến một phần đất của khu 1, xã Đông Khê với gần 40 hộ dân thành “ốc đảo”, tách biệt hẳn với các khu dân cư khác trong xã và huyện. Cùng 1 khu dân cư và chỉ cách một con ngòi nhưng đôi bờ lại có hai “số phận” khác biệt. Bờ bên này là những con đường trải nhựa và bê tông phẳng lỳ, những ngôi nhà khang trang, xe cộ ngược xuôi, ngược lại, bên kia bờ là sự đìu hiu, mọi giao thương với bên ngoài chỉ nhờ vào chiếc cầu tre tạm bợ… Sau lần về Đông Khê ấy, giữa tháng 6/2017, bài viết “Giấc mơ về cây cầu nối đôi bờ ngòi Han” được đăng tải trên Báo Phú Thọ, tiếp đó là phản ánh trên Báo Giao thông Vận tải và các kênh tuyên truyền của Thông tấn xã Việt Nam. Cuối năm ấy, cầu ngòi Han được bổ sung vào Dự án LRAMP xây dựng 186 cầu treo dân sinh do Bộ Giao thông - Vận tải khởi xướng. Giữa năm 2018, sau 4 tháng tập trung thi công, một cây cầu dân sinh dài 35,11m, chiều rộng khống chế 2m bắc qua ngòi Han hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giúp chấm dứt cảnh ngăn sông cấm chợ, đưa bước chân của người dân tới nhiều vùng đất mới.Vợ chồng cụ Trần Thị Lụa và Lê Ngọc Thanh, nhà ngay chân cầu ngòi Han đang tự phát quang cây cối, di chuyển bờ rào, hiến đất GPMB để xã triển khai làm đường bê tông từ đường liên khu nối vào cầu ngòi Han. Ngồi nghỉ dưới bóng mát của vườn bưởi cổ thụ, cụ Thanh bồi hồi: “Hồi chưa có cầu, việc đi lại của bà con vất vả và nguy hiểm lắm, nhất là lúc mưa to nước dâng cao, người lớn thì bó gối ở nhà, lũ trẻ phải nghỉ học. Cũng vì đi lại khó khăn mà nhiều dự án phát triển kinh tế của xã, của huyện, đặc biệt là dự án phát triển cây bưởi đặc sản đưa về khu đất bãi, nơi “ốc đảo” phía Bắc ngòi Han không thực hiện được. Nhiều hộ bên này ngòi có đất sản xuất bên kia nhưng đi lại khó khăn đành phải bỏ ruộng hoặc cho người khác thầu lại với giá 20kg thóc/sào/vụ. Cái nghèo với người dân khu 1 vì thế cứ mãi dai dẳng…!”.Tuy lời cụ Thanh kể đã là quá khứ của một vùng đất mom sông Chảy nhưng nhiều người dân hai bên bờ ngòi Han vẫn chưa quên những đêm mưa bão phải thuê thuyền đưa người ốm vượt sông về bệnh viện huyện, chưa thể quên tiếng gọi người cấp cứu giữa đêm, vẫn còn hằn sâu trong ký ức họ cái ngày vác xe đạp, gánh gồng bao ngô, đỗ qua chiếc cầu tre lắt lẻo năm nào cũng vài lần bị lũ cuốn trôi... Đưa chúng tôi đi thăm những hộ dân bên bờ Bắc ngòi Han, Chủ tịch UBND xã Bùi Chí Kiên phấn khởi cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh và Trung ương, xã Đông Khê xưa, nay sáp nhập với xã Nghinh Xuyên và xã Hùng Quan thành xã Hùng Xuyên. Khu 1 của xã Đông Khê cũ cũng được sáp nhập với khu 2 và đổi tên thành khu Đông Dương. Nếu không có cây cầu, có lẽ người dân đôi bờ ngòi Han vẫn mãi sống trong nghèo nàn lạc hậu. Cây cầu đã giúp giao thông thuận lợi, người dân phát huy được lợi thế để làm ăn. Nhà trồng bưởi, trồng chè, trồng mía, nhà trồng ngô, trồng đậu, trồng lạc và làm rau sạch kết hợp chăn nuôi, có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vào kinh doanh... vì thế đã làm cho diện mạo đôi bờ ngòi Han thay đổi. Điều dễ nhận thấy là nếp nghĩ, cách làm sản xuất của bà con nơi đây đã thay đổi. Ngay khi cầu hoàn thành, cùng với tập trung phát triển dự án cây bưởi, cây chè, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng đất bãi Bắc ngòi Han, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và vốn chương trình 135, xã đã đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông trục khu dân cư nối từ cầu ngòi Han sang xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và đang tiếp tục triển khai làm tiếp 1km đường bê tông hoàn thiện hạ tầng giao thông đôi bờ ngòi Han. Cầu bê tông vững chắc, các tuyến đường đã và đang triển khai thi công đảm bảo việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân; tạo liên kết giữa các xã bờ tả sông Chảy của huyện Đoan Hùng với xã Mỹ Bằng, xã Nhữ Hán của huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Từ chỗ bị cô lập, cách trở về giao thông, cuộc sống mưu sinh vất vả, thanh niên phải rời làng đi làm ăn xa, nay có cầu, giao thông thuận lợi, nhiều người trẻ đã trở về làng lập nghiệp. Sau khi sáp nhập, xã, huyện đã cử cán bộ khuyến nông về khu hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, trồng cây theo hướng chuyên canh, đồng thời hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật để người dân phát triển sản xuất, để cây bưởi trở thành cây xóa đói, giảm nghèo trên đất ngòi Han. Vụ bưởi năm nay, nhiều hộ bên bờ Bắc ngòi Han có thu nhập từ 50 - trên 100 triệu đồng từ trồng bưởi, trồng chè như hộ gia đình ông Tiến Hưng, anh Trần Văn Hùng ở khu 1...Đôi bờ ngòi Han đang khoác lên mình “áo mới”. Đường từ khu Đông Dương vượt ngòi Han về xã, về huyện đã gần hơn. Người Hùng Xuyên và các xã khác bên tả sông Chảy sang Tuyên Quang, lên Thác Bà (Yên Bái) cũng thêm nhiều thuận lợi. Rồi mai này, khi dự án thủy điện Thác Bà 2 trên sông Chảy (cách cửa ngòi Han khoảng 1km) được thực hiện, cuộc sống người dân đôi bờ ngòi Han sẽ càng bừng sáng. Nghĩ về cảnh ấy, người dân đôi bờ ngòi Han bao bận đứng nhìn dòng sông Chảy, dòng ngòi Han giữa đôi bờ, đã thấy sông mang một sắc thái mới, khác xưa…

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202101/chuyen-o-mom-song-174708