Chuyển nợ xấu thành cổ phần doanh nghiệp: Nhiều nguy cơ

Một món nợ đã mất khả năng chi trả, thì với giá nào cũng bán, mua giá nào cũng xong - TS Bùi Quang Tín.

PV:- Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng, trong đó có phần liên quan đến hoán đổi nợ xấu thành vốn góp cổ phần. Ông bình luận như thế nào về nội dung trên?

TS Bùi Quang Tín:- Đây cũng là một giải pháp xử lý nợ xấu mà quốc tế đã làm. Tuy nhiên, ở Việt Nam nợ xấu lại được chia làm 3 nhóm: nợ xấu thuộc nhóm 3, nợ xấu thuộc nhóm 4 và nợ xấu thuộc nhóm 5.

Chuyển nợ xấu thành vốn góp: Nguy cơ thất thoát lớn

Trong đó, nợ xấu thuộc nhóm 5 là nhóm nợ đã rơi vào tình trạng gần như đã mất khả năng chi trả. Như vậy, nếu quy định chỉ cho các TCTD tham gia hoán đổi nợ xấu ở nhóm 5 thì có mấy vấn đề e ngại sau:

Thứ nhất, các TCTD không có sở trường trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh thường có rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Vậy thì, khi đã góp vốn vào doanh nghiệp nghĩa là các TCTD phải tham gia điều hành, quản trị doanh nghiệp đó, như vậy liệu họ có đủ kinh nghiệm, đủ hiểu biết, đủ nguồn lực để điều hành, quản lý doanh nghiệp đó không?

Thứ hai, như đã nói nợ nhóm 5 là nhóm nợ gần như đã mất khả năng chi trả, nếu muốn các doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động được buộc các TCTD phải tiếp tục đổ thêm vốn vào doanh nghiệp.

Trong khi, đa phần những doanh nghiệp có nợ xấu đều làm ăn không hiệu quả. Điều này có thể xuất phát từ khả năng quản trị kém, ngành đang gặp khó khăn hoặc thiếu vốn. Trong trường hợp khó khăn chủ yếu do thiếu vốn, sự tham gia của NH có thể mang lại hiệu quả cao. Ngân hàng có cơ hội thu hồi được vốn.

Ở trường hợp ngược lại, ngân hàng trong tình trạng tay ngang đi làm kinh tế vừa thiếu kinh nghiệm, vừa thiếu tư duy trong điều hành, quản trị như vậy sẽ rất khó chèo lái được doanh nghiệp.

Như vậy, việc các TCTD tiếp tục đổ thêm vốn vào đây là quá mạo hiểm, khó thu hồi được cả vốn cũ lẫn vốn mới. Nợ chồng thêm nợ.

Trường hợp nợ nhóm 5 và là nợ của các DNNN thì câu chuyện góp vốn còn phức tạp hơn nhiều. Ở đây không đơn thuần chỉ là câu chuyện thiếu vốn, có rất nhiều nhân tố như cơ cấu nhân sự, trình độ quản lý, kể cả những tác động về mặt chính sách, chủ trương trong quá trình điều hành, quản lý cũng là nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ của các DNNN.

Vì vậy, việc các ngân hàng tham gia góp cổ phần vào DNNN sẽ phải đối diện với hàng loạt những khó khăn, phức tạp không dễ xử lý được.

Chỉ trừ trường hợp nếu doanh nghiệp đang sở hữu tài sản như quỹ đất lớn và việc chuyển đổi nợ thành vốn kèm theo triển khai các dự án bất động sản, đó sẽ được coi là một cơ hội đầu tư tốt đối với các ngân hàng.

PV:- Đã có nơi nào áp dụng hình thức xử lý nợ xấu theo cách này hay không và cụ thể thế nào?

TS Bùi Quang Tín:- Theo tôi biết, giải pháp hoán đổi nợ xấu trên thực tế, các TCTD cũng đã từng thực hiện. Pháp luật cũng không cấm.

Tuy nhiên, rất ít ngân hàng sẵn sàng đứng ra mua lại nợ xấu của các doanh nghiệp vì nguy hiểm lớn, rủi ro cao.

PV:- Về phía doanh nghiệp, khi nợ xấu thành một phần góp vốn cho chính doanh nghiệp đó, năng lực của doanh nghiệp liệu có được cải thiện lên không và vì sao? Nếu vậy, việc xử lý nợ xấu này đối với doanh nghiệp có ý nghĩa như thế nào?

TS Bùi Quang Tín:- Điều đầu tiên tôi thấy là năng lực tài chính của doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ được cải thiện. Tôi lấy ví dụ, doanh nghiệp A có món nợ khoảng 100 tỷ tại ngân hàng B. Nếu thực hiện hoán đổi nợ xấu thành vốn góp nghĩa là khoản nợ 100 tỷ đó sẽ trở thành vốn góp của doanh nghiệp đó. Trên bảng cân đối kế toán doanh nghiệp sẽ được xóa nợ, không phải trả lại số tiền đó nữa.

Việc này vừa giúp doanh nghiệp giảm bớt được gánh nặng mang nợ vừa có cơ hội huy động thêm vốn để phục hồi kinh doanh, hoặc đầu tư kinh doanh mới.

Tuy nhiên, việc góp vốn chỉ thật sự có nghĩa với doanh nghiệp và ngân hàng trong trường hợp những cải thiện về vốn phải đi cùng với năng lực quản trị của doanh nghiệp đó.

PV:- Về phía ngân hàng, thay vì ôm đống nợ xấu, ngân hàng nắm giữ một lượng cổ phần nhất định ở một doanh nghiệp không có khả năng xử lý nợ xấu. Điều này phải được hiểu như thế nào, thưa ông? Thưa ông, liệu ngân hàng thương mại có đồng tình với thông tư này hay không và nếu đồng tình thì lý do vì sao?

TS Bùi Quang Tín:- Nếu nhìn nhận từ những gì đã phân tích thì rất khó thuyết phục được các NHTM đi theo phương án này.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/chuyen-no-xau-thanh-co-phan-doanh-nghiep-nhieu-nguy-co-3320314/