Chuyện những người “lặn ma” ở Huế: Kỳ 2: Những ký ức rùng rợn

Trong cuộc đời lặn sông vớt xác chết, mấy anh em ông đã chứng kiến hàng trăm vụ tử nạn. Lặn vớt hàng trăm tử thi, đối diện với nhiều cái chết thương tâm. Nhưng có những vụ tai nạn mà số người chết quá nhiều khiến cho người gan dạ như ông Sết cũng không khỏi rùng mình ớn lạnh khi nhớ lại.

-

Người dân hiếu kì tập trung hai bên bờ sông xem người “lặn ma” tìm xác.

Trong cuộc đời lặn sông vớt xác chết, mấy anh em ông đã chứng kiến hàng trăm vụ tử nạn. Lặn vớt hàng trăm tử thi, đối diện với nhiều cái chết thương tâm. Nhưng có những vụ tai nạn mà số người chết quá nhiều khiến cho người gan dạ như ông Sết cũng không khỏi rùng mình ớn lạnh khi nhớ lại.

Trên địa bàn Thừa Thiên – Huế có rất nhiều sông hồ và đầm phá, những con sông như: Sông Hương, sông An Cựu, sông Như Ý, rồi phá Tam Giang… bình thường trông rất hiền hòa và thơ mộng. Nhưng mùa mưa bão, dòng nước trên những con sông này dâng cao bất ngờ và chảy xiết, nước sông đục lên màu đỏ giận dữ đã cướp đi bao sinh mạng con người. Cầu Tràng Tiền, cầu Bạch Hổ, cầu Phú Xuân trên sông Hương, cầu Kho Rèn, cầu An Cựu trên sông An Cựu từ lâu đã thành nơi dừng chân “lí tưởng” cho những người muốn “kết thúc” cuộc đời mình.

Giọng trầm buồn ông kể về vụ tai nạn sập cầu Kho Rèn (trên sông An Cựu) vào năm 1988. Năm đó có một xác chết trôi dạt vào chân cầu, khi công an tới mổ tử thi để khám nghiệm thì người dân hiếu kỳ tụ tập trên cầu để xem. Cả trăm người chen nhau trên cầu, khiến cho cây cầu vốn đã yếu do xuống cấp lại phải oằn mình gánh nặng nên đã bị sập, gãy lan can khiến tất cả người trên cầu rơi xuống sông, nhiều người chết đuối. Được sự điều động của ông Uyển (Trưởng Công an TP Huế, lúc bấy giờ) 4 anh em ông có mặt ngay lập tức và cùng với các lực lượng cứu hộ khác lặn từ lúc 10 giờ đêm mãi tới 2 giờ sáng đã vớt được 40 người. Một số ít do bị kẹt dưới các khối bê tông, sau đó cũng được các ông tìm kiếm, tiếp tục vớt lên được. Nhìn số người chết quá nhiều trong đó có cả trẻ con làm mấy anh em ông không khỏi bàng hoàng xót xa.

Ông Sết cùng cháu là anh Nguyễn Văn Bình trên con thuyền thường được sử dụng để “lặn ma”.

Ngoài vụ cầu Lò Rèn ra còn vụ tai nạn xảy ra ngày 5/8/2003 trên dòng sông Hương trong lễ hội điện Hòn Chén là để lại cho mấy anh em ông không ít đau xót. Vụ tai nạn là do chủ đò chở quá nhiều người vượt quá trọng tải khiến cho con thuyền bị lật. Do bị chìm lúc chập tối nên mấy anh em ông phải lặn trong đêm. Khu vực xảy ra tai nạn nước lại rất sâu, bên dưới có gành đá với nhiều hang hốc, khó khăn nữa là mấy ngày lễ hội, ở khúc sông này tàu, thuyền đi lại nhiều nên nước trở nên cáu đục, mùi bùn sộc thẳng vào mũi rất khó chịu. Trong dòng nước vừa lạnh vừa rờn rợn, anh em ông Sết phân công nhau từng người từng khu vực, nắm lấy tay nhau dàn hàng ngang để lặn mò từng lối dưới đáy sông. Do lặn vớt xác nhiều năm, nên họ giống như có giác quan thứ sáu vậy. Nước sông lạnh lẽo vậy, nhưng khi lặn đến gần thi thể người chết, linh tính sẽ báo cho biết liền. Lặn từ lúc 8 giờ tối đến gần sáng, 4 anh em mới vớt được hết 4 nạn nhân lên bờ.

Cũng có lần mấy anh em ông tình cờ gặp “ma” dưới sông. Số là sau cơn bão năm 1999, ông được người dân thuê lặn vớt tôn, sắt thép bị bão cuốn trôi dưới chân cầu Thuận An. Lúc lặn xuống vừa cố lôi cho được một tấm tôn thì ông đụng phải “ma”, lúc đầu ông nghĩ là xác lợn, động vật chết trôi bị vùi theo đống đổ nát. Nhưng khi mò sâu xuống chút nữa trúng phải phần đầu nạn nhân, ông bỗng giật mình và biết chắc mình vừa mò trúng người chết. Ông vội bơi lên thông báo và nhờ giúp đỡ nhưng không có ai chịu giúp cả vì đang lo dọn dẹp sau bão. Không thể làm ngơ được, mấy anh em ông vội lặn xuống đào bới, vật lộn với đống sắt thép, cây gỗ cả tiếng đồng hồ mới lôi được xác lên. Nhưng khổ nỗi xác chết lâu ngày bị đè dưới nước lâu nên thi thể căng phồng lên như cái trống. Áo quần dính chặt lấy người, mùi tử khí bốc lên không chịu nổi. Thân nhân nạn nhân lại không có nên cuối cùng ba ông phải tự mình tắm rửa, bỏ tiền túi ra mua đồ về khâm liệm và cúng bái cho vong hồn người xấu số.

Ông tâm sự: “Làm việc này đôi khi cũng phải tâm linh chú à”. Có lần mấy anh em lặn tìm xác một chú làm lò rèn ở cầu Bạch Hổ. Mặc dù đã phân công mỗi người một khu vực, lặn ngụp mãi, mò đi mò lại quần nát cả khúc sông mà không được. Cuối cùng ông phải mua hương hoa về cúng xin thần sông và vong linh người chết để nhanh chóng tìm được xác, trước là cho người chết sớm về với gia đình, sau là cho mấy anh em ông đỡ cực. Không ngờ sau khi cúng xong, chỉ sau vài phút mấy anh em đã mò thấy xác ở chỗ mà ông đã mò qua hàng chục lần lúc trước.

Ngoài vớt xác trên sông, ba ông đã không ít lần cứu người nhảy sông tự tử, bị đuối nước… Ông nhớ có lần đang chèo thuyền khách trên sông Hương gần chùa Thiên Mụ, nghe có tiếng kêu cứu thất thanh vang lên. Nhìn ra giữa dòng nước thấy có một phụ nữ người nước ngoài tầm 29 tuổi đang vẫy vùng sắp chìm, ông vội xô đò chạy ra. Ném vội phao cứu sinh xuống cho nạn nhân nhưng bà ấy không bắt được, nhanh như chớp, ông lao thẳng xuống dòng nước. Đánh vật mãi vì bà ấy to lớn gấp đôi ông, cuối cùng ông cũng lôi được bà ấy lên bờ làm hô hấp nhân tạo và cứu sống được.

Trong đời lặn vớt xác của ông chỉ có một lần duy nhất là chịu thua Hà Bá. Đó là vào ngày 28 Tết năm 2010, khi đó hai vợ chồng ông đang chèo đò gần cầu Bình Điền thì có người nhờ vớt xác. Chỗ người tử nạn sâu tới 35 m, nước lại đen ngòm, cây cối hai bên bờ rậm rạp um tùm càng làm khó khăn thêm. Ông đã cố gắng lặn ngụp mãi từ 3 giờ sáng tới 2 giờ chiều mà không được. Do chỉ có một mình lại gần Tết nữa nên ông đành chịu thua mặc dù cũng thấy buồn và cắn rứt lương tâm. Đến sáng mồng 1 Tết thì xác thanh niên này mới nổi và được gia đình đưa về an táng. Sau đó gia đình này có nhờ ông đến chỗ con mình tử nạn cúng Thần sông và vong hồn cho con mình. Họ có mua quà và đem tiền đến hậu tạ nhưng ông nhất quyết từ chối.

Lặn sông vớt xác nhiều, mấy anh em ông Sết cũng trở nên tâm linh hơn, đều đặn mỗi tháng hai lần ông luôn nhắc vợ mua hương hoa, vàng mã về cúng cho vong linh những người mình từng cứu vớt, để an ủi phần nào cho họ đỡ lạnh lẽo, mong cho họ được siêu thoát. Đồng thời ông cũng cầu mong sao cho đừng có vụ tử nạn nào thêm, để mấy ông không còn phải vất vả nơi đáy sông.

Bạch Long

Kỳ cuối: Làm phước cho đời

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/152n20111102000652699t129/chuyen-nhung-nguoi-lan-ma-o-hue-ky-2-nhung-ky-uc-rung-ron.htm