Chuyên nghiệp hóa việc kinh doanh, đào tạo về bất động sản

Hơn 3 tháng kể từ ngày Nghị định số 79/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1-7-2016 quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, kiến thức hành nghề môi giới bất động sản (BĐS), điều hành sàn giao dịch BĐS, tình trạng “lộn xộn” trong kinh doanh dịch vụ, đào tạo quản lý, vận hành nhà chung cư có giảm bớt nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả đề ra.

Theo Nghị định số 79, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư phải đáp ứng đầy đủ 5 điều kiện, cụ thể như sau: Các tổ chức được thành lập và hoạt động tại Việt Nam; có chức năng giáo dục nghề nghiệp hoặc đào tạo CĐ, ĐH hoặc đào tạo sau ĐH theo quy định của pháp luật. Đồng thời phải có cơ sở vật chất, phòng học bảo đảm đủ chỗ ngồi cho học viên và có địa điểm để học viên thực hành về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư.

Mặt khác, đơn vị phải có giáo trình hoặc tài liệu giảng dạy phù hợp với chương trình khung đào tạo bồi dưỡng do Bộ Xây dựng ban hành. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các đơn vị phải có tối thiểu 40% số giảng viên trong biên chế hoặc có hợp đồng không xác định thời hạn (có đóng bảo hiểm) trên tổng số giảng viên đăng ký tham gia giảng dạy phù hợp với chương trình khung đào tạo bồi dưỡng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Đồng thời phải được Bộ Xây dựng hoặc các cơ quan được Bộ Xây dựng ủy quyền công nhận đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư.

Nghị định 79/2016/NĐ-CP sẽ giúp nguồn nhân sự kinh doanh, đào tạo về BĐS có nhiều khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Điểm mới trong Nghị định 79 là các điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản đã được quản lý chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như việc tổ chức tổ chức, cá nhân khi kinh doanh vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản đều phải được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời phải có chức năng giáo dục nghề nghiệp hoặc đào tạo CĐ, ĐH hoặc đào tạo sau ĐH theo quy định của pháp luật.

Cơ sở vật chất và phòng học của đơn vị cũng phải đáp ứng đủ chỗ ngồi cho học viên. Đồng thời, đơn vị phải có địa điểm cụ thể để học viên thực hành về kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản. Về giáo trình cũng như tài liệu giảng dạy đều phải đúng theo chương trình khung đào tạo bồi dưỡng do Bộ Xây dựng ban hành. Số lượng giáo viên trong biên chế hoặc có hợp đồng không xác định thời hạn (có đóng bảo hiểm) phải chiếm tỷ lệ tối thiểu là 30% trên tổng số giảng viên đăng ký tham gia giảng dạy phù hợp với chương trình khung đào tạo bồi dưỡng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Về chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng, Nghị định cũng “gắn” trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc xây dựng và quy định cụ thể chương trình giảng dạy. Đồng thời, yêu cầu Bộ Xây dựng thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền các cơ sở đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản…

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định, việc áp dụng các quy định tại Nghị định số 79/2016/NĐ-CP sẽ giúp cho việc quản lý, vận hành nhà chung cư trở nên thuận lợi hơn bởi từ trước đến nay, việc vận hành và quản lý chung cư vẫn còn “manh mún”, thiếu sự chuyên nghiệp. Một phần vì thành viên ban quản trị cũng như các đơn vị quản lý còn thiếu kiến thức chuyên môn cũng như nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư. Phần khác vì chúng ta chưa có quy chuẩn đào tạo chung cho việc quản lý vận hành nhà chung cư.

Đối với nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS, Nghị định sẽ góp phần đào tạo đội ngũ, nguồn nhân lực hành nghề trong lĩnh vực môi giới BĐS trở nên chuyên nghiệp hơn, tránh tình trạng lộn xộn kiểu “cò đất” như hiện nay. Đội ngũ nhân lực BĐS này sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết về thị trường, về quan hệ cung – cầu BĐS cũng như giúp họ có những nhận định, đánh giá tổng thể hơn về xu hướng phát triển của thị trường.

Theo luật sư Cường, kể từ khi Nghị định có hiệu lực, thị trường có khởi sắc hơn, tình trạng “cò mồi” BĐS nhỏ lẻ đã giảm hẳn. Thay vào đó là các Cty lớn, có đội ngũ nhân sự được đào tạo cơ bản, am hiểu về thị trường. “Tôi hi vọng vài năm nữa, chúng ta sẽ xóa bỏ nạn “cò mồi” mà thay vào đó là những chuyên viên, chuyên gia kinh doanh BĐS”, ông Cường chia sẻ.

Nguyễn Tuấn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/chuyen-nghiep-hoa-viec-kinh-doanh-dao-tao-ve-bat-dong-san-119951