Chuyện 'Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng': Bài 2: Cõng con nuôi đi tìm chữ

Không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc, hỗ trợ kinh phí, khi đón các cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới về làm con nuôi của đồn biên phòng, cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh còn trở thành 'gia sư', 'bố nuôi' của các cháu. Những ngày mưa nguồn suối lũ, các chú Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cõng con nuôi lội suối, băng rừng đến trường học cái chữ...

Học con đẻ để... dạy con nuôi

Đó là chuyện xúc động mà chúng tôi được biết trong chuyến công tác tại các đồn biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh Cao Bằng. Ở đó, có những cán bộ, chiến sĩ không chỉ mang sách vở đến để học hỏi thêm kiến thức và kỹ năng sư phạm từ các thầy giáo, cô giáo trên địa bàn đóng quân mà còn học hỏi vợ và cả con đẻ của mình ở quê nhà để biết cách dạy dỗ các con nuôi của đồn biên phòng cho hiệu quả.

Chuyện của Đại úy Lăng Minh Khôi, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cốc Pàng làm chúng tôi thực sự ấn tượng. Anh Khôi được chỉ huy đồn giao trực tiếp cùng chiến sĩ chăm sóc, dạy dỗ hai con nuôi của đồn. Việc chăm sóc hai con hằng ngày đã có chiến sĩ giúp sức. Thế nhưng dạy dỗ, kèm cặp các con học mỗi tối mới là khó khăn vì chương trình học hiện nay đã khác xưa rất nhiều. Không thể để các con tự học mà không ai kiểm tra, giám sát, thậm chí khi các con làm bài tập sai cũng không biết để sửa, gặp bài khó lúc học ở nhà thì... bó tay! Đại úy Lăng Minh Khôi mượn sách giáo khoa của các con để xem trước, dành thời gian tìm hiểu thêm trên internet và đến gặp các thầy giáo, cô giáo để xin tư vấn về phương pháp dạy học, cách giải những bài tập theo chương trình mới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Xuân Trường đưa con nuôi đến lớp. Ảnh: DƯƠNG VŨ

Vẫn đang loay hoay với việc "gia sư" cho con nuôi Vừ Mí Lầu thì thật may, dịp về phép thăm nhà ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), cách nơi công tác gần 200km, anh được vợ "giao nhiệm vụ" kiểm tra con gái Lăng Khánh Hà (học sinh Trường Tiểu học thị trấn Trùng Khánh) làm bài tập buổi tối. Nói là kiểm tra con học, nhưng con gái anh khá thông minh, học giỏi. Vì thế, những chỗ anh Khôi chưa hiểu thì anh lại hỏi con, được con giảng giải. Vậy là anh học chính con gái mình về phương pháp giải quyết vấn đề trong các bài tập để khi trở lại đơn vị, anh dạy cho con nuôi Vừ Mí Lầu. Từ đó, con gái nhỏ của anh trở thành... cô giáo. Mỗi lần có bài tập mà anh và Lầu đều "bó tay" thì anh lại gọi điện thoại nhờ con gái nhỏ ở nhà giảng giải. Cũng nhờ vậy mà Vừ Mí Lầu học khá lên từng ngày.

Không riêng ở Đồn Biên phòng Cốc Pàng mà tại các đồn khác, cán bộ, chiến sĩ được giao kèm cặp con nuôi của đồn học bài cũng vất vả không kém. Để “nuôi con giỏi, dạy con ngoan”, các "bố nuôi" thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với thầy giáo, cô giáo, giữ mối quan hệ thân thiết với các trường trên địa bàn. Hôm Thiếu tá Nông Văn Hoàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lũng Nặm đưa chúng tôi đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú-Trung học cơ sở Lũng Nặm (Hà Quảng, Cao Bằng) để gặp gỡ, trao đổi về tình hình học tập của hai con nuôi của đồn, cô giáo Nông Thị Em, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ với tôi: "Các con có hoàn cảnh rất thiệt thòi. Giờ các con có bố nuôi thì chúng tôi cũng phải có trách nhiệm như người mẹ, cùng phối hợp dạy dỗ các con. BĐBP nuôi dạy con khéo lắm. Các con nuôi của đồn biên phòng không chỉ chăm ngoan mà còn học hành tiến bộ”.

Phụ huynh “hai trong một”

"Hai trong một" ở đây là vừa đảm nhiệm vai phụ huynh của con nuôi đồn biên phòng với nhà trường, vừa vào vai người thân để chăm lo cho chính gia đình của các con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Năm 2019, khi đón hai cháu Vàng A Dè và Vàng A Hùng (cùng sinh năm 2014), có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, về đơn vị nuôi dưỡng, Đồn Biên phòng Xuân Trường cử các đồng chí trong Đội Vận động quần chúng am hiểu tiếng Mông và phong tục địa phương phụ trách dạy dỗ, chăm sóc các cháu. Với Đại úy Nguyễn Vũ Lê, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Xuân Trường, từ khi còn là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng cho đến nay, anh đã quen với việc đưa các con nuôi của đồn đi học. Lúc mới về nhận công tác, phương tiện còn khó khăn, hằng ngày anh Lê dậy từ sớm, “cưỡi” chiếc xe máy cà tàng chở con nuôi đến lớp. Những hôm mưa lớn, nước lũ qua con suối cuồn cuộn, chia cách nhà trường và đồn, xe không thể qua được, đường vòng cũng không thể tới, anh Lê bỏ xe bên bờ, xắn quần lội suối, tay xách cặp, tay quặp sau cõng các con qua.

Đại úy Lăng Minh Khôi, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cốc Pàng cùng chiến sĩ hướng dẫn con nuôi học bài.

Chính vì những năm gắn bó đó mà hai cháu Vàng A Dè và Vàng A Hùng, vốn thiếu thốn tình cảm cha mẹ, coi anh như người cha của mình. Cô giáo Nông Thị Trang, giáo viên chủ nhiệm của Dè và Hùng ở lớp 4, Trường Tiểu học Xuân Trường (Bảo Lạc, Cao Bằng), kể với tôi trong tâm trạng xúc động: "Có những hôm trời mưa lũ, trường nằm cạnh suối, nhiều gia đình không thể đưa con đi học. Thế nhưng hai cháu con nuôi của Đồn Biên phòng Xuân Trường vẫn được bố nuôi lặn lội đưa đến trường. Hầu như các em chưa vắng một buổi nào".

Không chỉ đóng vai trò phụ huynh, trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ các con nuôi hằng ngày, các "bố nuôi" còn chăm lo cho cả gia đình của con nuôi đồn biên phòng, hỗ trợ gia đình vượt qua khó khăn, nghèo đói. Như trường hợp gia đình chị Hoàng Thị Nhung ở xóm Lũng Luông, xã Lũng Nặm (Hà Quảng, Cao Bằng), các chú bộ đội Đồn Biên phòng Lũng Nặm không chỉ đón con chị Nhung là Hoàng Anh Tú về đồn nuôi dưỡng mà còn tận tình giúp đỡ gia đình chị thoát nghèo. Được cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Nặm đưa cháu Tú về thăm nhà, chị Nhung ôm chặt con vào lòng và khóc. Rồi chị bảo với con: “Con có ngày hôm nay là nhờ các chú BĐBP đã sinh ra con lần thứ hai, nuôi dưỡng con khôn lớn, nên người”...

Chuyện cách đây hơn hai năm, khi cháu Hoàng Anh Tú mới được đồn đón về nuôi dưỡng. Trong lần gia đình đón về thăm mẹ, Tú đi tập xe bị tai nạn, chấn thương sọ não, bất tỉnh. Nhận được tin báo, chỉ huy Đồn Biên phòng Lũng Nặm cử ngay cán bộ và nhân viên quân y trực tiếp về nhà, đưa cháu Tú đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cấp cứu. Gần một tháng trời, cán bộ của đồn thay phiên nhau xuống bệnh viện chăm sóc Tú cho đến khi cháu bình phục.

Cũng như Hoàng Anh Tú, cháu Đặng Hùng Anh (sinh năm 2010) được Đồn Biên phòng Lũng Nặm nuôi dưỡng. Hai cháu đang cùng học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú-Trung học cơ sở Lũng Nặm, đều thiệt thòi vì bố mất sớm, nhà nghèo, mẹ của Tú không có sức lao động, còn mẹ của Hùng Anh bỏ nhà đi làm ăn xa. Ban đầu về ở cùng bộ đội, cả hai cháu đều nhút nhát và mức độ tiếp thu bài học rất thấp. Giờ đây, kết quả học tập của hai con nuôi Đồn Biên phòng Lũng Nặm đã đạt loại khá, giỏi. Thiếu tá Nông Văn Hoàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lũng Nặm, chia sẻ: "Anh em tôi phải luôn bám sát nhà trường để nắm tình hình học tập, rèn luyện của các con. Gặp bài học khó, khi kèm con buổi tối ở đồn không được thì các bố nuôi phải gọi điện thoại cho thầy giáo, cô giáo để hỏi cách làm. Bên cạnh nuôi dưỡng các con, đồn còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ gia đình các con làm ăn, vì hoàn cảnh gia đình các con rất nghèo khó".

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, tổng kết năm học 2021-2022, trong số 66 học sinh được BĐBP tỉnh Cao Bằng đỡ đầu, hỗ trợ, có 36 cháu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, 9 cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc. Trong số 31 con nuôi đồn biên phòng có 12 cháu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, 5 cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc. Kết quả đó khiến cấp ủy, chính quyền địa phương, các nhà trường và nhân dân thêm tin tưởng, quý trọng BĐBP, đồng thời tin vào tương lai tươi sáng của các cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng biên giới.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nông Văn Sống, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Nặm bày tỏ tâm đắc: "Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng” vô cùng ý nghĩa. Với sự chăm lo nuôi dưỡng, tận tình dạy dỗ của BĐBP, các cháu trưởng thành sẽ giúp ích được nhiều cho gia đình, là nguồn nhân lực quan trọng phục vụ xây dựng và bảo vệ biên cương!"...

(còn nữa)

TRẦN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/chuyen-nang-buoc-em-toi-truong-con-nuoi-don-bien-phong-bai-2-cong-con-nuoi-di-tim-chu-720149