Chuyển mình nơi làng đảo

Các làng đảo ở Khánh Hòa như Trí Nguyên; Điệp Sơn… nằm tách biệt với sôi động của phố thị nhưng ý thức bảo vệ môi trường biển, tình gắn kết giữa những người dân luôn sắc son.

Làng đảo không xa

Làng đảo Trí Nguyên thuộc địa giới hành chính của phường Vĩnh Nguyên (Nha Trang, Khánh Hòa) nhưng lại nằm giữa mênh mông sóng nước.

Để ra được làng đảo phải mất nhiều phút đi tàu/ghe hoặc ca nô. Làng đảo nhưng tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ không thua gì nhiều thị trấn, đô thị trong đất liền. Bởi vậy nên đời sống làng đảo ngày càng được nâng cao.

Từ những ngư dân cần mẫn bám biển đánh bắt thủy, hải sản đơn thuần đến nay người làng đảo còn biết làm du lịch.

Các lồng bè nuôi tôm hùm xanh, tôm hùm bông, cá mú, cá bớp… hình thành để kịp thời phục nhu nhu cầu của khách đến thăm quan làng đảo cũng như xuất bán vào đất liền.

Sống ở làng đảo nhiều năm, bà Nguyễn Thị Thanh chia sẻ, khách du lịch biết đến làng đảo rất nhiều. Có ngày cao điểm hàng chục tốp khách ra thăm quan. Thế nên ai trên làng đảo cũng cảm thấy mình thật gần với đất liền, không có gì xa xôi cả. Việc buôn bán các món đặc sản của vùng biển này rất thuận lợi nên người khá giả trên làng đảo rất nhiều.

Làng đảo Trí Nguyên sầm uất không thua gì đất liền.

Cả làng đảo Trí Nguyên với khoảng 1.000 hộ dân với nhiều quê quán khác nhau tụ về nhưng đã nhanh chóng trở thành thân thiết như ruột thịt. Có gia đình đi biển thuần túy, bốn mùa bám vào sóng nước nhưng khát vọng vươn lên trong cuộc sống, khát vọng xây dựng làng đảo khang trang luôn cháy bỏng.

Đặc biệt, sống ở làng đảo ai cũng yêu biển đảo như nhà của mình, coi việc bảo vệ đảo, giữ gìn môi trường biển là hành động tự thân của mỗi người. Nhiều hộ dân trên đảo tâm tình, quây quần trên đảo nên người dân như xích lại gần nhau hơn. Tình làng luôn thắm đượm, mỗi khi nhà này có việc là nhà khác tập trung đến giúp đỡ ngay.

Sống ở làng đảo Trí Nguyên muỗi người đều coi đảo như nhà.

Gian nan bớt dần...

Cũng giống như làng đảo Trí Nguyên, làng đảo Điệp Sơn (ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) vốn là làng đảo xa xôi, cách biệt hẳn với đất liền. Dân cư của làng trên 100 hộ, sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, nhiều năm trước còn khó khăn, chưa quen việc với việc giao thương, buôn bán.

Thế nhưng đủ điện thắp sáng, điểm trường được xây dựng kiên cố thì đời sống ngày càng đổi thay. Việc giao thương trong làng với khách bên ngoài đã được mở rộng dần. Trẻ em làng đảo đến tuổi đều được vận động đến trường để làm bạn với "con chữ". Phân trạm y tế cũng đã được đầu tư xây dựng khang trang nơi làng đảo.

Phân Trạm y tế được xây dựng khang trang trên làng đảo Điệp Sơn.

Nhớ những ngày tháng xưa cũ, nhiều ngư dân làng đảo Điệp Sơn cho biết, trước đây vì biệt lập nên rất ít người ra đảo. Nhưng bây giờ ngày càng nhiều khách đến thăm và mua các đồ hải sản do người làng đảo đánh bắt được. Đặc biệt, để chăm lo tương lai cho thế hệ sau, các gia đình đều chú trọng đến việc học tập cho trẻ trong làng.

Ông Nguyễn Ngọc Mẫn, Trưởng thôn Điệp Sơn (Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) cũng chia sẻ: "Làng đảo nhưng các phương tiện nghe nhìn đã được trang bị đầy đủ. Các chủ trương, quyết sách của Nhà nước đều được ngư dân nắm bắt, nhất là các thông điệp về phòng, chống dịch bệnh".

Trẻ em trên làng đảo Điệp Sơn trong ngày hội của làng.

Đến nay, hầu hết người dân làng đảo Điệp Sớm đã có cuộc sống ấm no. Nhiều mạnh thường quân còn thường xuyên đến làng đảo tổ chức các chương trình như: Mừng thọ cho người cao niên; trao quà Tết Trung thu… cho người trong làng.

"Tết Trung thu 2022 vừa qua chúng tôi cũng đã tổ chức chương trình hoành tráng cho làng đảo. Do năm 2021 không tổ chức được vì lý do giãn cách bởi dịch COVID-19 nên năm nay tổ chức chu đáo hơn, mọi trẻ em trong làng đảo đều có quà cả. Các năm trước thì dịp xuân hay các dịp lễ đặc biệt chúng tôi cũng cùng chính quyền địa phương cũng đến tổ chức nhiều chương trình bổ ích cho người dân làng đảo" - ông Đại Anh sinh sống trên đảo chia sẻ.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-minh-noi-lang-dao-169220913220421233.htm