Chuyện ly kỳ về khối đá cổ Chămpa

Tập tục thờ đá là hình thức tín ngưỡng sơ khai có ở nhiều dân tộc từ thời tiền sử ở khắp nơi trên thế giới. Ðối với người xưa, các công cụ bằng đá không chỉ đơn thuần là công cụ lao động, mà chúng còn có ý nghĩa ma thuật.

Tục thờ đá của người Chăm

Riêng với người Chăm quan niệm có thần linh ngự trị trong các tảng đá lạ và thờ các tảng đá này. Tục thờ đá để lại các tàn tích qua các Linga hay Yoni bằng đá, các tượng đá kut trong khuôn viên kut (nghĩa địa theo dòng họ bên mẹ của người Chăm Bàlamôn), qua hình thức 2 viên đá chặn ở 2 đầu huyệt mộ của người Chăm Bàni. Tục thờ thường gắn liền với các tín ngưỡng đa thần, tín ngưỡng vạn vật hữu linh và tín ngưỡng phồn thực. Tục thờ đá ở người Chăm bắt đầu nguồn từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh, dấu vết còn lại của tục thờ đá có thể thấy hầu hết ở các di tích kiến trúc cổ.

Khi khối đá được tạo hình để thờ trong đền thờ, đền tháp đều trở nên linh thiêng. Từ đây vị thần đá phản ánh nhận thức của con người về sự vật luôn có tính 2 mặt là vật chất và linh hồn. Trong đó linh hồn mới là cái bất diệt, và chính nó tạo ra sự cứng rắn của đá. Trên thực tế chúng ta thấy hiện nay ở các công trình kiến trúc thành quách, đền tháp, đền thờ, nghĩa địa của người Chăm là các biểu tượng thờ bằng đá. Và xa xưa nhất phải kể đến loại hình bia ký ghi lại lịch sử văn hóa và ca ngợi các vị thần, vị vua trong thần thoại và trong thực tế của họ.

Và những chuyện ly kỳ về khối đá cổ

Trở lại thời gian gần 20 năm trước, khi người dân khai hoang trên 1 khu cồn đất bạc màu với vô số gạch bể thuộc huyện Hàm Thuận Nam (vì yếu tố bảo mật nên chúng tôi không thể nói rõ hơn về vị trí nơi phát hiện). Máy ủi đã san phẳng gò đồi khoảng vài trăm m2, vô tình phát hiện đế tháp cổ với hàng ngàn viên gạch lớn rơi vãi xung quanh và những góc, cạnh của đế tháp còn khá nguyên vẹn lộ ra trong lòng đất. Sự tò mò kích thích những người khai hoang tiếp tục đào sâu vào bên trong lòng đế tháp. Tìm kiếm hết diện tích lòng tháp nhưng không có gì ngoài một khối đá xanh có hình thù lạ mắt với những góc cạnh, một nửa hình dáng của tự nhiên và nữa còn lại là những hình được chạm khắc cả bên trên và bên dưới khối đá; trọng lượng khối đá khoảng 300 kg đặt ngay ngắn trong lòng tháp.

Khi phát hiện khối đá có hình thù lạ, nhiều người dân gần đó đến xem và sợ hãi, họ cho là đá thần; một số người lớn tuổi nói đó là ma “Hời”, không nên động vào và đề nghị những người đào bới phải lấp lại ngay vì sợ ảnh hưởng đến thôn xóm. Những người đến xem chiều hôm đó rồi giải tán ngay vì sự sợ hãi hơn là tò mò lúc đầu. Ông chủ ruộng thuê xe chở khối đá về nhà cất giấu.

Tin tức xung quanh việc phát hiện đá thần được nhiều người truyền tai nhau. Thường những chuyện như vậy ít ai giấu được lâu vì nhiều người biết, nhất lại là chuyện liên quan đến ma “Hời”. Một vài người dân ở đây báo về Bảo tàng tỉnh vì họ biết đây là cơ quan nghiên cứu để thu hồi khối đá thần.

Nhận được tin báo, chúng tôi liên hệ với Công an tỉnh (lúc đó gọi là PA 25) đến thực địa khảo sát và tiến hành vừa điều tra, vừa khai quật mở rộng. Một cuộc khai quật khẩn cấp được thực hiện nhằm xác thực nhiệm vụ chuyên môn về lịch sử, niên đại, kiến trúc… và một việc khá quan trọng là tìm và thu hồi khối đá thờ trong lòng tháp mà người dân cho là đá thần hay ma “Hời”.

Sau nhiều ngày phối hợp với công an và chính quyền địa phương tìm kiếm, gặp gỡ ông chủ ruộng và tiếp cận bằng nhiều cách kết hợp lý giải, thuyết phục ông giao lại cho bảo tàng quản lý theo quy định của Luật Di sản. Cuối cùng trao đổi bằng một số kinh phí gọi là cho việc cất giữ, bảo quản trong thời gian “lưu kho” nhà của ông chủ ruộng.

Bản đồ kho báu khắc trên đá thần

Sau khi đưa được khối đá về bảo tàng tỉnh, việc khảo cứu được tiến hành. Bước đầu cho thấy đây là khối đá được chọn ngoài tự nhiên và chạm khắc những hình thù kỳ lạ lên 2 mặt trên và dưới của khối đá. Khi việc chạm trổ đã hoàn thiện khối đá được đặt vào vị trí trung tâm của đế tháp thay cho bệ thờ Linga – Yoni hay các vị thần thông thường mà chúng ta thấy trong các di tích kiến trúc Chămpa. Đây là trường hợp đặc biệt mà lần đầu xuất hiện trong kiến trúc Chăm cổ.

Khối đá được chạm vào thân nhiều hình vẽ to nhỏ khác nhau, chúng có dạng một số hình vuông nhỏ, hình chữ nhật được chạm lồng vào nhau hoặc riêng lẻ, nhìn lướt qua trông giống bàn chân người. Có những hình khắc sâu vào khối đá lại có những hình chỉ chạm nhẹ nối từ những hình đậm nét theo những chấm tròn đậm nhạt khác nhau rồi nối ra phía sau lưng khối đá và chìm hẳn.

Thực ra trước khi đưa về bảo tàng đã có rất nhiều người xem khối đá này, và cho các hình vẽ như một tấm bản đồ mô tả về vị trí và hình dáng một kho báu nào đó của các vị vua Chăm. Mỗi hình họa chạm khắc trên đều khiến các nhà nghiên cứu không khỏi tò mò trước sự bí ẩn ấy. Vì vậy một số ý kiến cho rằng vẽ bản đồ kho báu là phải khó như vậy để nếu là bản đồ kho báu thật thì chỉ có con cháu, hậu duệ của dòng vua nào đó mới có thể giải mã được; nếu dễ mọi người đều đọc được thì làm gì còn đến nay. Những thông tin trên, chúng tôi có tham khảo nhiều vị sư cả, một số nhà khoa học nghiên cứu về Chămpa nhưng chưa có nhà khoa học nào giải thích thỏa đáng về những hình khắc.

Trong Bảo tàng tỉnh từ nhiều năm nay đang trưng bày khối đá với nhiều hình khắc bí ẩn như một bản đồ chỉ dẫn địa lý và nhiều du khách khi xem xong còn nói những hình khắc đó như mật đồ chỉ kho báu. Cùng với nhiều cổ vật của văn hóa Chămpa, khối đá linh thiêng ấy là những chứng tích tiêu biểu của nền văn hóa Chămpa phát triển rực rỡ khi xưa.

Nguyễn Xuân Lý

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/chuyen-ly-ky-ve-khoi-da-co-champa-134990.html