Chuyện lạ về nghề của những thầy giáo dạy mầm non

Tưởng rằng nghề nuôi dạy trẻ mầm non là công việc thường thấy của các cô giáo, thế nhưng vẫn có những thầy giáo làm những công việc đặc biệt này.

Thầy "nuôi dạy hổ"

Người đàn ông đó là thầy giáo Trần Văn Ruyến, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tam Cường - địa danh nằm trong vùng đất địa linh nhân kiệt “17 am” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhiều lúa, nhiều cử nhân, tiến sĩ nhất Hải Phòng.

Nghe kể lại, những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cơn gió “khoán 10” thổi về nông thôn làm đổ sập các ngôi trường mẫu giáo, nhà trẻ nằm trong cơ chế của hợp tác xã vốn đã ọp ẹp, chấm hết thời các “cô nuôi dạy hổ” lĩnh lương bằng thóc. Nhưng trường mẫu giáo của thầy Ruyến may mắn không bị cuốn theo cơn lốc ấy, vì ngay từ năm 1982, thầy đã “mạo hiểm” thu của nông dân mỗi người mỗi tháng đúng 1 cân thóc (!) để nuôi các cô nuôi dạy con cái của họ.

Như vậy, thầy Hiệu trưởng Ruyến đi trước cả nước 5 năm trong cái mà ngày nay gọi là “xã hội hóa ngành giáo dục mầm non”. Khi người Tam Cường thấy lũ trẻ con đã bắt đầu biết chùi mũi bằng khăn, biết hát bài “Một con vịt”, biết khoanh tay chào cha mẹ, biết kể: “Ngày xửa, ngày xưa...” cho ông bà nghe, thì họ vui vẻ gửi con, nộp thóc cho thầy...

Thầy giáo mầm non ở vùng cao

Vùng cao Võ Nhai (Thái Nguyên) có Trường Mầm non Sảng Mộc, xã Vũ Chấn, nơi có hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc Tày, Nùng, “thầy giáo mầm non” Ma Đình Hiểu, là nam giáo viên dạy mầm non duy nhất của vùng cao Võ Nhai hướng dẫn tham quan lớp do anh phụ trách. Vào đây, tôi có cảm giác như lọt vào vương quốc của 7 chú lùn. Cái gì cũng bé: Bàn ghế bé, bát đĩa bé, đồ chơi bé... Một đám trẻ con quần áo tinh tươm, sạch sẽ, nhao nhao chào tôi bằng cô.

Một cậu bé đứng nhìn tôi với vẻ thích thú. Rồi một bé gái túm quần tôi: “Cô ơi! Cô có đẹp bằng... thầy Hiểu không?”. Có lẽ, thấy tôi lúng túng nên “thầy giáo mầm non” Ma Đình Hiểu giải thích: “Trẻ con bây giờ thích chọn cô giáo hát hay, múa dẻo, nhất là phải xinh! Cái khó của “thầy giáo mầm non” như tôi có nguyên nhân từ những chuyện chẳng ai ngờ như thế... ”.

“Thầy giáo mầm non” Ma Đình Hiểu và học sinh của mình. Ảnh: Phương Uyên

Theo những lời tâm sự của Hiểu, tôi đã nắm được con đường đến với nghề “thầy giáo mầm non” vốn khá hiếm hoi ở Quỳnh Nhai nói riêng, trên cả nước nói chung của anh. Sinh năm 1990, tốt nghiệp hệ trung cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, năm 2015, Hiểu lặng lẽ đến nộp hồ sơ vào Trường Mầm non Sảng Mộc, khiến bố mẹ, bạn bè... “phát hoảng”. Nhận hồ sơ, một cô giáo trong Ban giám hiệu nhà trường bảo: “Sao không nói cô giáo trực tiếp đến mà phải nhờ người nộp hộ?”. Khi biết được người xin việc đang đứng trước mặt mình, cô giáo “tròn mắt” vì ngạc nhiên, nhưng sau đó, vẫn nhiệt tình “phỏng vấn” và xét duyệt hồ sơ của Hiểu.

Những thầy giáo mầm non

Cũng như chàng trai Ma Đình Hiểu, thời gian biểu hằng ngày của “thầy giáo mầm non” Thào A Tủa, hiện đang là giáo viên tại Trường Mầm non Hoa Sen thuộc thôn Tống Trong (xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) đầy kín những công việc. Ngày nào cũng thế, từ nhà riêng ở thôn Tống Ngoài, xã Túc Đán đến trường qua quãng đường rừng dài 4 cây số, một ngày của người thầy giáo đã có hơn 20 năm gắn bó với vùng đất còn nhiều gian khó này, trong đó, có 10 năm làm giáo viên mầm non, là cả 10 tiếng mắt không rời trẻ, từ 6 rưỡi sáng đến trường đón trẻ, trao đổi ngắn gọn với phụ huynh về sức khỏe của bé. Sau đó dạy trẻ làm quen mặt chữ, đếm đến 100, hát “Cháu lên ba”, đọc thơ, rồi tập nặn, tập vẽ. Thầy Tủa còn dạy trẻ lễ giáo, dạy luật đi đường, bảo vệ môi trường... Buổi trưa, trông các cháu ngủ, và buổi chiều, khi người mẹ cuối cùng đến đón con về, nhiều hôm trời đã tối sập.

Các cháu học sinh ở Trường Mầm non xã Túc Đán. Ảnh: Phương Uyên

Còn nhớ, hôm tìm đến Trường Mầm non Hoa Sen, dành thời gian ngồi quan sát các học sinh tí hon của thầy Thào A Tủa, tôi nhận ra rằng, cái nghề mầm non này chỉ nhiệt tình thôi cũng chưa đủ vì đơn giản, nếu không có đủ kiến thức sư phạm đặc thù và tâm lý làm... mẹ thì khó có thể giải quyết những “sự cố” chẳng ngày nào không có. “Sợ nhất là trẻ chán ăn, tôi phải bày các kiểu trò chỉ để đứa bé nuốt thêm thìa cơm. Rồi thì giành giật đồ chơi, đòi làm... thủ lĩnh, không nằm cạnh nhau, tự dưng khóc thét chẳng biết đang đau cái gì trong bụng... Khác với các thầy cô giáo những ngành học khác chỉ dạy là chính, giáo viên mầm non phải dạy và dỗ...” - Câu “chốt” của thầy Thào A Tủa về nghiệp, về nghề không thể đơn giản hơn, nhưng đã khái quát được những nét đặc thù của cái nghề không hề giản đơn này.

Những người chọn nghề 'khác người'

Thầy giáo mầm non Nguyễn Hữu Toàn (phường Đa Kao, quận 1, TP. HCM). Chọn ngành sư phạm mầm non nhờ lời của một người bạn lớp phó và tự nhận thấy yêu thích trẻ con nên đã dự thi. Thời gian học ở trường, toàn trường có 360 chỉ tiêu nhưng chỉ có Toàn là con trai. Toàn là nam sinh duy nhất được thầy cô và bạn bè yêu mến.

Nói về khó khăn với nghề dạy mầm non của một nam giáo viên, chia sẻ với Tiền Phong, thầy Toàn cho hay, ban đầu mới vào nghề, phụ huynh không tin tưởng giao con cho vì con họ là con gái, mỗi lần cho ăn thường nhõng nhẽo, làm nũng. Nhiều em nghịch ngợm nên phải tìm dỗ ngon ngọt...

Nhiều lần xin việc bị từ chối

Thầy giáo mầm non Lê Quốc Trí (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang). Thầy Trí cho hay, thời điểm cho thi vào cao đẳng sư phạm Kiên Giang - Khoa sư phạm mầm non chỉ có một thí sinh nam duy nhất. Cho nên khiến nhiều người hiếu kỳ đến xem.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ, thầy Trí còn nhớ như in việc mang hồ sơ đi xin việc nhưng bị nhiều nơi từ chối vì lý do bản thân là nam giới.

Sau nhiều lần kiên trì xin việc, cuối cùng thầy Trí cũng đã được thử sức ở ngôi trường hiện tại và được chính thức trở thành giáo viên của trường mầm non Họa Mi.

Nói về công việc đang làm, thầy Trí cho rằng, quan trọng yêu trẻ, yêu nghề thực sự. Những hành động đơn giản như múa, hát, chải tóc cho các em nhưng thầy (cô) lại đón nhận những tình cảm thiêng liêng, trong sáng từ các bé thơ.

Không hối hận khi chọn nghề giáo viên mầm non

Thầy giáo mầm non "độc nhất vô nhị" ở Hòa Bình. Năm 1987, thầy Bùi Văn Thảo chọn thi vào ngành sư phạm mầm non của Cao đẳng sư phạm Hòa Bình. Nhiều người lời ra tiếng vào nhưng anh vẫn quyết định đi con đường này.

Sau khi ra trường, anh xây dựng gia đình và thi đỗ công chức, trở thành giáo viên mầm non của trường mầm non Bắc Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình).

Thầy Thảo vốn dĩ trước đây nóng tính nhưng làm công việc giáo viên mầm non nên anh học được tính kiên nhẫn, khéo léo từ lời ăn tiếng nói và giao tiếp với trẻ phụ huynh. Anh cho rằng, sống là phải cố gắng và bằng lòng với những gì mình có. Cô giáo đồng nghiệp của thầy Thảo đánh giá, thầy rất nhiệt tình, đi làm sớm nhất trường, hát hay... Đến nay, thầy Thảo vẫn chưa bao giờ hối hận đã chọn nghề giáo viên mầm non.

Không chỉ có hai “thầy giáo mầm non” Ma Đình Hiểu và Thào A Tủa, qua thông tin của đồng nghiệp, tôi được biết hiện nay, có rất nhiều giáo viên là nam giới nhưng lại đảm trách cái nghề tưởng như chỉ dành riêng cho phái nữ. Chẳng hạn như các thầy Nguyễn Văn Ninh (Trường Mầm non Nghĩa Hòa, Lạng Giang, Bắc Giang); thầy Phạm Văn Bảy (Trường Mầm non Phú Sơn, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế); thầy Giàng A Lứ, thầy Hảng A Chua (điểm trường thôn Dào Cu Nha, Trường Mầm non Lao Chải, huyện vùng cao Mù Cang Chải, Yên Bái)...

Hoàng Anh (tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/chuyen-la-ve-nghe-cua-nhung-thay-giao-day-mam-non-222273/