Chuyện lạ ở Đông Anh: Trại lợn biến thành phim trường

Xin cấp phép xây dựng trang trại nông nghiệp sinh thái, dịch vụ tổng hợp nhưng sau đó chủ đầu tư đã xây dựng nhiều công trình quy mô lớn, sai vị trí so với quyết định đã được phê duyệt.

Những công trình quy mô hoành tráng trong phim trường Smiley Ville dù không nằm trong quyết định phê duyệt của UBND huyện Đông Anh đến nay vẫn tồn tại

Nằm cách trung tâm Thủ đô 12km, thuộc địa phận xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội phim trường Smiley Ville gần như ngày nào cũng đông khách tham quan, chụp ảnh. Khách đến cứ ngỡ công trình này là một dạng công viên giải trí nhưng thực tế, theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền, đây là một trang trại nông nghiệp sinh thái, dịch vụ tổng hợp.

Quy mô hoành tráng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phim trường Smiley Ville được xây dựng trên diện tích hơn 52.000m2 tại khu Đình Khiến, thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, huyện Đông Anh do Công ty CP du lịch giải trí thương mại Smiley Ville (trụ sở tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) làm chủ đầu tư. Trước đó, khu đất này được UBND huyện Đông Anh phê duyệt cho ông Ngô Mạnh Tiến (trú tại xã Uy Nỗ) thuê để đầu tư xây dựng trang trại nông nghiệp sinh thái, dịch vụ tổng hợp.

Có mặt tại phim trường Smiley Ville trong vòng chưa đến 1 giờ đồng hồ nhưng chúng tôi chứng kiến hàng chục đoàn khách tìm đến. Trong khuôn viên khá rộng, nhiều công trình, tiểu cảnh quy mô lớn (như lâu đài, bến thuyền, cầu đá…) được chủ đầu tư dựng lên phục vụ nhu cầu tham quan, chụp ảnh lưu niệm của du khách. Trong đó, nhiều hạng mục được xây dựng bằng gạch, đá và bê tông kiên cố.

Trước phản ánh của dư luận về việc những công trình nói trên được xây dựng không đúng quy định, chúng tôi đã có buổi làm việc với Phòng Kinh tế, UBND huyện Đông Anh. Tài liệu do Phòng Kinh tế cung cấp cho thấy, UBND xã Đông Hội đã có Tờ trình số 98/TTr-UBND ngày 6-6-2008 xin phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trang trại nông nghiệp sinh thái, dịch vụ tổng hợp tại khu Đình Khiến, thôn Hội Phụ.

Theo tờ trình này, quy mô dự án chủ đầu tư sẽ thực hiện bao gồm: Chăn nuôi lợn siêu nạc (dự kiến nuôi 100 con lợn thịt thường xuyên, diện tích chuồng nuôi lợn là 100m2); trồng cây ăn quả, đào ao nuôi cá.

Trong đó, các hạng mục cần đầu tư gồm có xây dựng chuồng nuôi lợn (dự kiến xây nhà cấp 4), xây dựng nhà điều hành, nhà giao dịch, nhà kho và nhà bảo vệ (dự kiến đều là nhà cấp 4). Các công trình đều có trong sơ đồ bố trí sản xuất kèm theo. Trên cơ sở đó, UBND huyện Đông Anh đã có Quyết định số 1309/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trang trại nông nghiệp sinh thái, dịch vụ tổng hợp nêu trên.

Tuy nhiên sau đó, chủ đầu tư đã tự ý xây dựng, chuyển đổi mô hình từ trang trại sang phát triển dịch vụ phim trường và tổ chức sự kiện, bắt đầu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 3-2015. Qua so sánh, sơ đồ bố trí sản xuất trong bản thuyết trình dự án của chủ đầu tư và tổng thể các công trình đang hiện hữu trong khuôn viên phim trường Smiley Ville là hoàn toàn khác biệt.

Được biết, phim trường này là địa điểm được nhiều ca sỹ nổi tiếng, diễn viên, người mẫu lựa chọn để tổ chức sự kiện. Một nhân viên làm việc tại phim trường này cho biết: “Mỗi ngày, ước tính có tới 150-200 đoàn khách tới tham quan, chụp ảnh”. Theo bảng giá vé dịch vụ mà Smiley Ville công bố, vé 1 người lớn vào tham quan trọn gói không giới hạn thời gian là 250.000 đồng, trẻ em là 125.000 đồng. Giá vé cho ekip chụp ảnh cưới tối đa 6 người không giới hạn thời gian là 2 triệu đồng…

Sai phạm đã lâu nhưng chưa khắc phục

Liên quan tới dự án này, ông Lê Quốc Tuấn, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, ngày 6-9-2016, UBND huyện đã có buổi làm việc với xã về dự án này. Biên bản kiểm tra xác minh tại buổi làm việc này thể hiện rõ, huyện chỉ phê duyệt cho chủ trang trại xây dựng các công trình trên diện tích 640m2.

Tuy nhiên, quá trình đầu tư xây dựng, chủ dự án đã xây dựng các mô hình nhà làm bằng khung thép, ốp thạch cao với tổng diện tích lên tới gần 2.000m2 (gấp hơn 3 lần quyết định phê duyệt). Kết luận của tổ công tác khẳng định: “Vị trí, địa điểm xây dựng không đúng với dự án được phê duyệt. Kết cấu, quy mô diện tích xây dựng lớn hơn dự án được phê duyệt”.

Như vậy có thể thấy, những sai phạm của chủ đầu tư đã được làm rõ. Ông Lê Quốc Tuấn cho biết thêm: “Liên quan tới dự án, xã có trách nhiệm trong việc giám sát quá trình chủ đầu tư xây dựng. Huyện cũng đã đôn đốc xã yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng theo phương án được phê duyệt, đồng thời xử lý các sai phạm”.

Mặc dù vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, cho tới thời điểm này, những sai phạm của chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục theo yêu cầu của UBND huyện Đông Anh.

Sẽ hợp thức hóa vì “lợi ích cộng đồng”

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hội cho biết: “Khu đất này người dân không muốn nhận để phục vụ sản xuất bởi đường sá khó khăn, thiếu kênh mương thủy lợi, lại là khu vực giáp ranh với xã khác nên quá trình canh tác gặp khó khăn. Sau đó, chủ đầu tư có xây dựng dự án xin làm trang trại”, ông Ngô Ngọc Ánh nói.

Theo ông Ánh, quá trình đầu tư, chủ dự án nhận thấy mô hình không thực sự hiệu quả nên xin thêm nội dung làm dịch vụ tổng hợp với các mô hình lắp ghép, kết cấu đơn giản phục vụ người dân vui chơi, chụp ảnh. “Đây không phải là nội dung gì quá lớn lao hay phức tạp. Từ khi mô hình này đi vào hoạt động cũng mang lại lợi ích đáng kể cho địa phương, cụ thể là tạo công ăn, việc làm cho hơn 100 lao động”, ông Ngô Ngọc Ánh khẳng định.

Ông Nguyễn Đặng Dung, Thanh tra viên về trật tự xây dựng tại xã Đông Hội thừa nhận: “Chủ đầu tư có sai phạm so với phê duyệt ban đầu, xã đã có văn bản nhắc nhở chủ đầu tư khắc phục. Tuy nhiên, chủ đầu tư sau đó có đơn đề nghị xã tạo điều kiện, trong đó cho biết đây là các công trình tạm và cam kết khi có dự án của Nhà nước thì sẽ tự giải tỏa không đòi bồi thường”.

Thông tin thêm, ông Ngô Ngọc Ánh cho biết: “Chủ đầu tư cũng đang xin cấp phép các nội dung liên quan tới các công trình tạm. Biết là nội dung không phù hợp với phê duyệt nhưng vì lợi ích cộng đồng, thứ hai là xã cũng đã yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng quy định, hoàn thiện hồ sơ xin phép huyện”.

Theo quan điểm của chúng tôi, cách làm của UBND xã Đông Hội là chưa đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, vi phạm của chủ đầu tư dự án đã rõ và huyện, xã phải xử lý dứt điểm các vi phạm này, buộc làm theo đúng các nội dung đã được phê duyệt chứ không phải “chạy” theo doanh nghiệp, giúp họ hợp thức hóa vi phạm.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/chuyen-la-o-dong-anh-trai-lon-bien-thanh-phim-truong/722965.antd