Chuyện khó tin về một bến thủy hoạt động trái phép

Một bến thủy quy mô lớn mở ra hoạt động bên bờ sông Sài Gòn (xã An Tây, thị xã Bến Cát, Bình Dương) gây xôn xao giới kinh doanh trong lĩnh vục du lịch đường thủy ở tỉnh này. Bến làm ăn rầm rộ một thời gian thì chính quyền địa phương mới phát hiện là hoạt động không có giấy phép.

Bến thủy có cả nhà hàng, du thuyền

Theo hướng dẫn của người dân địa phương, phóng viên không mấy khó khăn tìm tới Bến thủy nội địa An Tây (đoạn qua xã An Tây, thị xã Bến Cát, Bình Dương). "Bến này có một thời gian hoạt động rầm rộ, như một tụ điểm du lịch cho dân Bình Dương nên ai mà không biết" - Chị T.N (ngụ địa phương) cho biết. Chúng tôi rẽ vào ngã ba trước cổng UBND xã An Tây, đi thêm chưa đến một cây số thì tới bến thủy trên.

Trước mắt chúng tôi là một công trình đồ sộ, gồm đủ các hạng mục bên bờ sông Sài Gòn. Công trình có 1 nhà hàng lớn, 1 nhà vệ sinh, nhiều cầu dẫn bằng sắt ra nhà hàng, du thuyền; nhiều khung sắt, mái che, lều bạt... được dựng lên để phục vụ du khách. Xung quanh có nhiều tàu thuyền neo đậu, nổi bật nhất là 2 du thuyền lớn với nhiều dịch vụ "xịn" để phục vụ du khách.

Dù chủ của Bến thủy nội địa An Tây đã bị cơ quan chức năng xử phạt, yêu cầu ngưng hoạt động, nhưng chúng tôi khá bất ngờ khi cửa bến vẫn mở. Trong vai khách đặt tiệc, chúng tôi được nhân viên dẫn lên du thuyền. Không gian du thuyền rộng rãi, sang trọng, gồm có sân khấu, phòng tiệc riêng, bàn tiệc được bày biện gọn gàng. Một người phục vụ khẳng định, bến thủy vẫn hoạt động, các du thuyền vẫn nhận khách bình thường. Phóng viên được đầu bếp quảng cáo nhiều dịch vụ hấp dẫn như: Món ăn ngon, đa dạng theo yêu cầu; có ca sĩ, nhạc sĩ phục vụ; tham quan trên sông, ngắm thành phố trong nhiều giờ liền... Người này còn cho biết, buổi chiều sẽ có đoàn khách 12 người sử dụng dịch vụ trên du thuyền, kéo dài đến tối.

Khoảng 16 giờ cùng ngày, chúng tôi quay lại bến thủy trên thì ghi nhận đoàn khách đặt tiệc trên du thuyền đã đến, với 3 chiếc ôtô. Khi chúng tôi vào bến để "chốt" lại thực đơn và ngày mở tiệc thì quản lý bến nhìn chúng tôi với ánh mắt khó chịu, nói rằng bến chưa hoạt động rồi yêu cầu chúng tôi ra ngoài. Sau đó, nhân viên khóa cửa, cùng đoàn khách đi lên du thuyền. Phóng viên liên hệ với người đầu bếp lúc trưa thì người này bất ngờ trả lời là bến thủy chưa hoạt động.

Tại bến có hai du thuyền cập song song

Tại bến có hai du thuyền cập song song

Bị buộc dừng, nhưng vẫn hoạt động

Chủ đầu tư của dự án bến thủy tai tiếng trên là Công ty cổ phần Lữ hành - tổ chức sự kiện Việt Nam (trụ sở ở số 553 Nguyễn Tri Phương, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Công trình Bến thủy nội địa An Tây xây dựng, hoạt động, đón khách trong thời gian dài thì cơ quan chức năng mới phát hiện là công trình xây dựng trái phép, hoạt động "chui".

Sau khi Bến thủy nội địa An Tây hoạt động trái phép bị phát hiện, ngày 02/8/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành (Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy, Chi cục Đường thủy nội địa - Khu vực III) kiểm tra khu vực neo đậu bến thuyền An Tây trên sông Sài Gòn, phát hiện có nhiều vi phạm.

Cụ thể, Công ty cổ phần Lữ hành - tổ chức sự kiện Việt Nam đã xây dựng công trình trong phạm vi 75m dọc bờ sông Sài Gòn, cách bờ sông khoảng 26m; xây nhà hàng nổi bằng sàn ván, khung thép, mái tôn, có cầu dẫn đến 2 bến nổi bằng thùng phuy, khung thép kiên cố bắc từ bờ sông dẫn ra nhà hàng nổi và 9 phương tiện đường thủy đang neo đậu xung quanh. Thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Viết Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành - tổ chức sự kiện Việt Nam) không cung cấp được giấy phép xây dựng công trình, văn bản công bố hoạt động bến thủy nội địa do cơ quan có thẩm quyền cấp, các giấy đăng ký, đăng kiểm phương tiện, bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp của người điều khiển.

Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, yêu cầu công ty dừng hoạt động bến thủy, không xây dựng các hạng mục công trình tại khu vực này; giao Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT - Công an tỉnh Bình Dương) lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi tổ chức cho các phương tiện vào neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, đón trả khách. "Yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động. Nếu doanh nghiệp cố tình hoạt động khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp thuận, cho phép thì khi xảy ra tai nạn doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm" - Biên bản của Đoàn kiểm tra liên ngành nêu rõ.

Tiếp đó, ngày 29/8/2022, Đoàn liên ngành (Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, Sở GTVT, Phòng Quản lý đô thị thị xã Bến Cát, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã An Tây) đã họp, thống nhất phương án xử lý công trình bến thủy nội địa không phép trên, đề xuất phương án xử lý.

Một là, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các phần công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, còn hiện hữu; tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định các công trình xây dựng trên phần sạt lở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ), công trình trên phần chưa được cấp GCN QSDĐ và công trình nằm trên mặt nước sông Sài Gòn... Hai là, sau khi UBND thị xã Bến Cát họp với các ngành của tỉnh để xác định hành vi vi phạm đối với các công trình xây dựng trên phần đất sạt lở và công trình nằm trên mặt nước sông Sài Gòn, sẽ tiến hành xử lý một lần đối với toàn bộ công trình vi phạm.

Đến ngày 06/9/2022, Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định xử phạt 55 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Lữ hành - tổ chức sự kiện Việt Nam, do vi phạm về tổ chức cho phương tiện neo đậu tại vị trí chưa được công bố khu vực neo đậu theo quy định. Tuy nhiên, Đại tá Ngô Xuân Phú (Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương) cho biết: "Hiện Công ty cổ phần Lữ hành - tổ chức sự kiện Việt Nam vẫn chưa đóng phạt số tiền 55 triệu đồng. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng đại diện công ty nói chưa có tiền".

Cơ quan chức năng nói gì?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành - tổ chức sự kiện Việt Nam) cho biết: "Ngày 01/7/2021, doanh nghiệp có làm đơn xin phép làm công trình tạm trên bờ và được chấp thuận. Sau đó, do tàu bè khá nhiều và không có bến tàu dẫn đến tình trạng tàu thuyền trôi, chìm, buộc lòng doanh nghiệp phải làm sai. Quá trình xây dựng công trình, các cơ quan chức năng đến kiểm tra, làm việc; doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin phép được lập bến thủy, nhưng đến nay hồ sơ pháp lý vẫn chưa hoàn tất...".

Khoang du thuyền neo đậu trái phép tại Bến thủy nội địa An Tây

Khoang du thuyền neo đậu trái phép tại Bến thủy nội địa An Tây

Về thông tin bến thủy vẫn hoạt động "chui", ông Hùng cho rằng từ khi bị đình chỉ, doanh nghiệp không đón khách nữa. "Có ăn nhậu trên tàu là bữa cơm thân mật của nội bộ nhân viên công ty và một số khách mời. Có những đợt tôi lên bến thủy, tôi với một số nhân viên buồn quá, lấy mồi ra ngồi nhậu, hát hò, chứ không phục vụ khách". Khi được chất vấn về việc đầu bếp trả lời với phóng viên (khi đóng vai khách đặt tiệc) là bến thủy vẫn hoạt động, ông Hùng nói do nhân viên nhầm lẫn. Còn về việc đến nay vẫn chưa đóng tiền phạt, ông Hùng cho biết do doanh nghiệp không có tiền.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bạc Tấn (Chủ tịch UBND xã An Tây) thông tin, sẽ cho kiểm tra, xử lý ngay. Về thắc mắc công trình trái phép lớn hoạt động cách trụ sở UBND xã không xa, nhưng tại sao không bị đình chỉ, ngăn chặn kịp thời, ông Tấn phân trần là trước đó, Công ty cổ phần Lữ hành - tổ chức sự kiện Việt Nam chỉ xin làm công trình tạm để sinh hoạt và bảo vệ tài sản. Đến tháng 12/2021, Đoàn kiểm tra của tỉnh khảo sát dự án, xem xét theo yêu cầu của công ty về việc xin lập Bến thủy nội địa An Tây. Trong thời gian cơ quan chức năng đang xem xét thì công ty đã tổ chức xây dựng kiên cố.

Theo ông Tấn, ngày 19/7/2022, UBND xã An Tây kiểm tra, phát hiện công ty xây dựng nhà hàng kiên cố nên đã lập biên bản, yêu cầu ngưng thi công. Đến ngày 27/7/2022, UBND xã đã làm việc với công ty, yêu cầu ngưng mọi hoạt động xây dựng, tự tháo dỡ công trình vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trên hành lang bảo vệ sông và phần lấn sông Sài Gòn trong vòng 15 ngày, nhưng đến nay chủ đầu tư không thực hiện.

Việc công trình bến thủy xây dựng trái phép, hoạt động "chui" trên sông Sài Gòn không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy mà còn phá hoại cảnh quan, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch đường thủy. Do đó, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cần quyết liệt xử lý, có chế tài thật nặng để răn đe.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương:

Vụ việc này UBND tỉnh Bình Dương giao cho UBND thị xã Bến Cát chủ trì xử lý. UBND thị xã Bến Cát sẽ phối hợp với Chi cục Đường thủy nội địa - Khu vực III khảo sát, lập hồ sơ xử phạt, xử lý theo đúng quy trình.

Ông Trần Ngọc Cường - Phó Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát:

Do bến thủy này liên quan đến nhiều cơ quan chức năng nên quy trình khảo sát, xác minh kéo dài. Hiện hồ sơ vụ việc đang trong quá trình xử lý, chưa có kết luận xử phạt cuối cùng.

Hồng Cường

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/chuyen-kho-tin-ve-mot-ben-thuy-hoat-dong-trai-phep_148473.html