Chuyện ít biết về danh tướng số 1 thời Tam quốc từ thất học thành học giả đáng khâm phục

Lã Mông (178-220), tự Tử Minh, người Phú Bi, huyện Nhữ Nam, Trung Quốc. Ông là danh tướng cuối thời Đông Hán đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Theo sử liệu, Lã Mông hay Lữ Mông sinh ra trong gia đình nghèo khổ, do thời cuộc chiến loạn nên gia đình ông đã về phía Nam sông Trường Giang sinh sống. Lã Mông mồ côi cha từ rất sớm. Gia đình ông có bao nhiêu người sử liệu không ghi rõ, chỉ biết chắc là ông có một người chị gái được gả cho Đặng Đương – một vị tướng trẻ của Tôn Sách.

Do gia cảnh bần hàn nên Lữ Mông không được đi học ngày nào, một chữ bẻ đôi không biết lại thêm tánh tình lỗ mãng nên vẫn thường bị mọi người trêu chọc là “Ngô hạ A Mông” (thằng Mông đất Ngô).

Lã Mông là một trong số những danh tướng tài ba thời Tam quốc. (Ảnh minh họa).

Năm 16 tuổi, Lã Mông giấu gia đình, bí mật theo anh rể - Đặng Dương chinh phạt quân San Việt. Sau này, Đặng Dương phát hiện ra Lã Mông làm lính trong quân của mình nên đem việc này nói với mẹ ông khiến bà rất tức giận, mắng ông và không cho ông tòng quân.

Lã Mông liền giải thích với mẹ rằng: “Chúng ta không thể sống nghèo khổ mãi, nếu có thể tự chứng tỏ bản thân qua những công việc khó khăn, thì sự giàu sang mới có thể đến với mình. Nếu không vào hang hổ thì làm sao mà có thể bắt được hổ con”.

Bà mẹ nghe lời giải thích của ông cũng rất cảm động, nên đồng ý cho ông đi theo con đường của riêng mình, trở thành bộ hạ cho thủ lĩnh Giang Đông là Tôn Sách.

Năm 200, Tôn Sách qua đời, em trai là Tôn Quyền lên nắm quyền. Khi duyệt binh, Tôn Quyền nhìn thấy đội ngũ của Lã Mông thì rất hài lòng, nhận định Lã Mông có tài trị quân, bèn giao thêm binh sĩ, còn khuyên ông nên đọc thêm sách vở, cố công học hành binh thư, lễ nghĩa. Lúc đầu ông lấy lý do bận quân vụ để chối từ nhưng Tôn Quyền vẫn ra sức động viên, rằng dù gì đi nữa cũng phải biết một ít chữ nghĩa.

Lã Mông nghe lời, dốc chí học hành, trau dồi thi thư, binh pháp. Với tài trí và lòng kiên trì của mình, chỉ trong vòng mấy năm, Lã Mông từ một người ít học đã trở thành một học giả siêu việt, vị tướng văn võ song toàn, trụ cột đắc lực của Đông Ngô. Đến đến cả Đại đô đốc Lỗ Túc cũng phải khâm phục.

Lã Mông xuất thân bần hàn, ít học, nhờ nỗ lực cần cù, ý chí sắt đá mà trở thành tướng quân, một anh hùng nổi tiếng thời Tam quốc. (Ảnh minh họa).

Năm 217, Lỗ Túc lâm bệnh qua đời, Lã Mông lên kế nhiệm chức Đại đô đốc, chức quan cao nhất ở Đông Ngô thời bấy giờ, tiếp nhận hơn vạn quân mã của Đông Ngô. Sau Tôn Quyền phái ông làm Hán Xương thái thú, trấn thủ vùng tiếp giáp Kinh châu của Quan Vũ. Quan Vũ vốn là người kiêu hùng dũng mãnh, có ý đồ xâm chiếm và bành trướng lãnh thổ của mình. Thời Lỗ Túc làm Đại đô đốc chủ trương hòa hoãn và nhân nhượng vì còn kẻ thù ở phía bắc là Tào Tháo. Đến khi nhận chức, Lã Mông lại khuyên Tôn Quyền phải chiếm Kinh châu.

Sau khi nghe sự phân tích của Lã Mông, Tôn Quyền hạ quyết tâm giành Kinh Châu để khống chế hoàn toàn miền phía nam sông Trường Giang. Đến năm 219, Lã Mông sử dụng kế sách “Bạch y độ giang” (áo trắng sang sông) chiếm miền tây Kinh châu, đánh bại danh tướng của Lưu Bị là Quan Vũ, lập được một đại chiến công uy chấn cả Trung Quốc. Từ đó Lã Mông chính là niềm hy vọng lớn nhất của Tôn Quyền trong cuộc chiến chống lại Lưu Bị và Tào Tháo.

Tài năng của Lã Mông được nhiều người đánh giá cao. (Ảnh minh họa).

Tài năng quân sự của Lã Mông được nhiều tướng lĩnh và nhà quân sự đương thời đánh giá cao. Tại Tam quốc chí, phần Chu Du Lỗ Túc Lã Mông truyện, Trần Thọ khen ông là người mưu dũng song toàn, có nhiều mưu kế giỏi và kỳ diệu như dụ hàng Hác Phổ, bắt Quan Vũ... Lỗ Túc trước từng chê cười Lã Mông, sau cũng phải có lời tán dương Lã Mông vượt qua cảnh nghèo và có ý học hỏi, tự cho mình không biết hết khả năng ông. Tôn Quyền từng khuyên Lã Mông cố gắng học hỏi để có thêm chút kiến thức, đến lúc thấy được thành quả của ông cũng rất khâm phục ý chí này của Lã Mông.

Sau khi lập đại công trong việc chiếm Kinh châu, Lã Mông ngay lập tức được Tôn Quyền thăng lên chức Nam quận thái thú, tước Sàn Lăng hầu, ban 5.000 cân hoàng kim. Lã Mông cáo ốm không nhận nhưng Tôn Quyền nhất quyết không đồng ý, vẫn phong chức cho Lã Mông, làm lễ long trọng, lại ban cho của cải quý ở hai quận Nam quận, Lư Giang.

Không lâu sau đó, Lã Mông đột nhiên lâm bệnh nặng qua đời, hưởng thọ 43 tuổi. Trước khi mất, ông dặn dò người nhà làm tang lễ đơn giản, và đem hết vàng bạc của cải được ban thưởng trước đó trả lại cho Tôn Quyền.

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-chua-ke-ve-danh-tuong-so-1-thoi-tam-quoc-a534528.html