Chuyện hồi sinh triền đá, khai phá bãi lầy

Một khu nông trại tổng hợp trù phú ven dãy núi Hoàng Nghiêu đã thành hình từ nhiều năm qua, cho tổng thu nhập mỗi năm trên dưới 6 tỷ đồng. Càng khâm phục hơn khi câu chuyện lấy sức người vượt sức thiên nhiên của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Đình Tiếp ở xã Tân Phúc đã miệt mài hàng chục năm cải tạo bãi lầy thụt và triền đá trơ chọi thành khu nông trại hiệu quả bậc nhất huyện Nông Cống.

Khu trang trại trù phú của cựu chiến binh Nguyễn Đình Tiếp ở xã Tân Phúc được cải tạo từ bãi lầy thụt và triền đá ven chân núi.

Hơn thập kỷ cải tạo 11 hố bom và bãi đá...

Trở lại trang trại tổng hợp của cựu chiến binh Nguyễn Đình Tiếp cùng đoàn công tác liên ngành đi tham quan mô hình tiêu biểu, nhưng chúng tôi vẫn vẹn nguyên một sự khâm phục. Từ xa, một khu triền núi thuộc thôn Thái Sơn, xã Tân Phúc biệt lập với các khu dân cư, đã hiện lên một màu xanh của sự trù phú. Cả nghìn cây dừa tỏa bóng quanh hệ thống ao cá, ba ba, rồi những cây ăn quả được trồng theo hàng lối dọc theo triền núi. Chỉ cần nhìn cách bài trí ban đầu của trang trại, các cán bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Phát triển nông thôn, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh... đều đánh giá cao tư duy và cách làm của chủ trang trại sinh năm 1954 này.

Để trở thành một trang trại kiểu mẫu, người thương binh hạng 2/4 cùng vợ cũng là cựu chiến binh đã vượt lên chính mình bằng tinh thần và ý chí của người lính Cụ Hồ. Những câu chuyện kể của nguyên cán bộ xã và vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Đình Tiếp càng cho thấy sự nỗ lực lớn lao của chủ mô hình. Sau gần 10 năm binh nghiệp, hết chiến đấu ở phía Bắc rồi được điều sang Campuchia thực hiện nghĩa vụ quốc tế, năm 1983, người lính trẻ được xuất ngũ về quê. “Thời điểm này, các địa phương đang phát động phong trào khai hoang phục hóa nên tôi vẫn đau đáu quyết tâm nhận một khu đất để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Vùng bãi lầy này không ai nhận, xã đã giao cho hội phụ nữ, sau đó là hội nông dân cải tạo để canh tác nhưng đều thất bại. Do máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá ga Yên Thái và cầu Vương trong vùng vào thời điểm chiến tranh nên nơi đây có tới 11 hố bom sâu hoắm, lại sình lầy, ngập lụt khó trồng lúa, cỏ lác mọc đầy. Tôi đã vận động một số người bạn cựu chiến binh cùng tham gia đấu thầu theo hình thức 3 đến 5 năm một lần, nhưng sau họ thấy khó khăn nên bỏ cả, còn mỗi mình tôi”.

Thế rồi, hành trình vượt gian khó của ông Tiếp có sự trợ giúp của người vợ trẻ Lê Thị Tơ, cũng mới xuất ngũ trở về từ Trung đoàn 35, Bộ Tư lệnh Công binh, đóng quân ở tỉnh Hòa Bình. Với sức trẻ và tinh thần vượt khó, ngày qua ngày, ông đã miệt mài đào đất, be bờ, cải tạo 11 hố bom thành hệ thống ao thả cá và nuôi vịt. Những vị trí còn lại được biến thành các mô hình cá - lúa. Phía trên triền núi, những bụi gai góc dần được những đôi bàn tay cần cù phát quang, đào hố trồng cây. Ở nơi đá nhiều hơn đất ấy, ông bà phải chai tay bẫy đá, đổ thêm từng gánh đất mùn và phân chuồng mới có thể trồng cây.

Những năm đầu, khi nguồn thu chưa nhiều, trong khi số tiền đầu tư cải tạo và xây dựng hệ thống chuồng nuôi cho trang trại lớn, rồi những vụ cá, vụ vịt thất bại khiến gia đình lâm cảnh túng bấn. Anh em, bạn bè, những người thân trong gia đình đều khuyên ông nên từ bỏ. Giai đoạn những năm 1988-1989, tưởng chừng vỡ nợ, nhưng ông vẫn quyết tâm vay cả “lãi nóng” để tiếp tục đầu tư. Theo ông Tiếp, đó là sự “gan lỳ” với tinh thần của người lính “thắng không kiêu, bại không nản”. Thế rồi, nhờ anh em, bạn bè hỗ trợ và việc sản xuất có những kết quả ban đầu nên kinh tế gia đình mới dần vực dậy. Cứ lấy ngắn nuôi dài, rồi tiếp tục cải tạo, đến năm 2015, ông đã được cấp đất trang trại với thời hạn 50 năm.

Ông Hoàng Xuân Như, 72 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Phúc, cho biết: “Khi anh Tiếp nhận thầu khu đất hoang hóa này, tôi đang là cán bộ xã. Lúc đó tôi cũng không tưởng tượng được vợ chồng anh Tiếp sẽ cải tạo, hình thành khu sản xuất hiệu quả như ngày nay, bởi phía dưới là một vùng sình lầy với nhiều hố bom, phía trên là triền núi đá hoang hóa”.

Giải nhất “trang trại kiểu mẫu” toàn tỉnh

“Sau này khi sản xuất có lợi nhuận, tôi đã thuê máy ủi, máy xúc để tiếp tục cải tạo toàn bộ khu trang trại với 2 hồ và 10 ao nuôi cá, nuôi ba ba. Hệ thống các chuồng nuôi hiện đại cũng từng bước được xây dựng, để hình thành một trang trại hoàn chỉnh như ngày nay. Đến nay, tổng số tiền đã đầu tư cho xây dựng hạ tầng khu trang trại lên tới 10 tỷ đồng” - ông Tiếp chia sẻ.

Dẫn những vị khách thăm khu sản xuất xanh và hiện đại rộng 3,73 ha này, ông chủ thương binh đã miệt mài giới thiệu những tiến bộ kỹ thuật được áp dụng. Nằm thấp thoáng trong những lùm cây ven chân núi, khu chăn nuôi lợn theo hướng hiện đại được triển khai từ nhiều năm qua. Chuồng nuôi được lắp đặt hệ thống quạt thông gió và hệ thống điều hòa làm mát, có camera theo dõi để hạn chế tiếp xúc của con người vào chuồng nuôi. Cả một khu chăn nuôi 500 con lợn thịt, đàn lợn nái 100 con và các lứa lợn sữa duy trì khoảng 300 con, nhưng mùi hôi cơ bản được xử lý triệt để. Bởi lẽ, ông đã sớm xác định hướng chăn nuôi hiện đại và an toàn sinh học nên đầu tư bể xử lý nước thải bằng chất vi sinh, hệ thống hầm biôga.

Phía trên triền núi, hàng trăm con dê tung tăng gặm cỏ theo hình thức bán hoang dã, được áp dụng nuôi theo hướng an toàn sinh học. Dưới tán hơn 1.000 gốc dừa Xiêm đã cho quả là từng đàn gà ri, gà chọi được nuôi thả, liên tục cho xuất chuồng vì gia chủ chọn hình thức chăn nuôi gối lứa. Những sản phẩm chăn nuôi ở đây đều được thương lái đến thu mua tận trang trại bởi quy trình nuôi an toàn, chất lượng thịt tốt. Do làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, lại thuê nhân viên thú y phụ trách chăm sóc đàn vật nuôi nên nhiều năm qua, trang trại ở đây không xuất hiện dịch bệnh. Khi đã làm chủ được công nghệ sản xuất, tại trang trại đã sản xuất ra được giống gà, giống dê, giống lợn nên giảm được khoản lớn chi phí đầu tư, hình thành nên chuỗi sản xuất tuần hoàn, khép kín.

Với 2 hồ và 10 ao nuôi lớn nhỏ, các loại cá trắm, cá chép, cá quả, cá rô phi đơn tính, ba ba... vẫn cho thu nhập đều. Lượng cỏ lớn quanh trang trại và những thân chuối chính là nguồn thức ăn cho cá trắm không phải mất tiền mua. Như để giới thiệu những tiến bộ khoa học trong nuôi cá, ông Tiếp vận hành máy thái chuối chạy bằng điện cho chúng tôi xem. Chỉ trong vài phút, một thân cây chuối lớn được thái mỏng và phụt ra giữa ao, đàn cá trắm liền tranh nhau đớp. Đáng nói, hệ thống điều hòa nước tại các ao cho cá được lắp đặt - điều mà hầu hết các ao nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có.

Xét theo các tiêu chí của “trang trại kiểu mẫu” mà Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa đang tổ chức cuộc thi trên toàn tỉnh 2 năm qua, trang trại tổng hợp của cựu chiến binh Nguyễn Đình Tiếp được đánh giá cao về tiêu chí sản xuất an toàn, tạo cảnh quan sinh thái và bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc áp dụng các yếu tố khoa học - kỹ thuật, thì hiệu quả kinh tế ở đây cũng được đánh giá cao. Theo hạch toán của gia chủ, nhiều năm gần đây, doanh thu của trang trại đều đạt mức trên dưới 6 tỷ đồng, cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Hiện trang trại còn giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên và gần 10 lao động thời vụ.

Với những ưu điểm của một trang trại sản xuất xanh và hiện đại, cùng hành trình vượt khó gây dựng, trang trại tổng hợp của thương binh 2/4 Trịnh Đình Tiếp đã được xếp Giải nhất cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu” tỉnh Thanh Hóa ở tiêu chí khu vực đồng bằng do Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh tổ chức. Hiện mô hình kinh tế tổng hợp này đã được nhiều đoàn, tổ chức và cá nhân đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chuyen-hoi-sinh-trien-da-khai-pha-bai-lay/190336.htm